Điều thú vị về cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam của giới Startup

Tác giả Nguyễn Minh Cường vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Hoa hồng bên phím Enter", một tác phẩm văn học đầu tiên tại Việt Nam viết về giới startup.

Tác giả Nguyễn Minh Cường sinh năm 1989, là “dân tự nhiên” chính hiệu, du học Mỹ làm Thạc sỹ về chính sách công. Năm 2016, anh gây ấn tượng với tiểu thuyết phiêu lưu viễn tưởng có tên “Vũ trụ Cua” được ấp ủ suốt 10 năm, từ ngày còn là học sinh cấp 2. Mới đây, anh tiếp tục xuất bản cuốn tiểu thuyết Hoa hồng bên phím Enter. Có thể coi đây là tác phẩm văn học đầu tiên tại Việt Nam viết về giới startup. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tác giả.

PV: Chỉ riêng tên sách “Hoa hồng bên phím Enter” đã mang đậm dấu ấn công nghệ. Có thể coi đây là tiểu thuyết startup đầu tiên tại Việt Nam không, hay đã có những chiến hữu của anh tiên phong trước đó?

Tác giả Nguyễn Minh Cường (NMC): Theo tôi biết thì trước đây một số tác giả Việt Nam cũng có những cuốn tiểu thuyết, sách về thế giới kinh doanh, tuy nhiên đúng nghĩa về thế giới startup công nghệ thì tôi tự tin khẳng định rằng đây là cuốn sách đầu tiên của Việt Nam. Bản chất startup cũng là kinh doanh nhưng từ quan sát của tôi, các doanh nhân startup (founders) có những đặc tính tương đối khác biệt so với các doanh nhân truyền thống. Họ am hiểu công nghệ hơn, cập nhật xu hướng thế giới hơn và cũng mơ mộng hơn. Trước đây tôi rất thích xem series truyền hình Silicon Valley nói về thế giới startup Mỹ, khi xem tôi luôn luôn tự đặt câu hỏi “tại sao một tầng lớp có ảnh hưởng đến xã hội như là doanh nhân startup lại ít có dấu ấn trên văn hóa đại chúng như vậy ?”. Điều đó thôi thúc tôi viết một câu chuyện để kể lại về hành trình startup tại Việt Nam vào thời đại mà tôi đang sống. 

a
a

Với lợi thế là dân startup, tác phẩm cũng sẽ được thử nghiệm cho mô hình mới là Pre-order. Anh có thể chia sẻ về kế hoạch này?

NMC: Pre-order sách thực chất không phải là một mô hình mới mà đã có rất nhiều bên xuất bản như Nhã Nam, Alphabook đã làm điều này. Tuy nhiên, với mô hình pre- order sách lần này, tôi đã có một chút thay đổi trong cách thức thực hiện để làm nó trở nên mới mẻ hơn đó là áp dụng công nghệ, sử dụng landing page và QR Code, đồng thời với tư cách một CEO của công ty công nghệ, tôi cũng muốn PR một chút cho sản phẩm, dịch vụ của công ty (cười). Tôi tin rằng, thông qua những thay đổi này sẽ giúp độc giả thấu hiểu sản phẩm và có trải nghiệm mua hàng tốt hơn các mô hình Pre - order trước đó.

Anh dựa vào đâu để tự tin về mô hình mới? Theo anh, anh sẽ gặp những khó khăn nào?

 NMC: Có lẽ một trong những điểm mạnh mà tôi có đã giúp tôi thực hiện được những thay đổi này. Với đội ngũ có chuyên môn cao về công nghệ, tôi tin rằng sản phẩm lần này sẽ có đủ những yếu tố để thu hút khách hàng và độc giả. Còn về khó khăn thì tôi nghĩ đó là do kinh nghiệm của đội ngũ trong lĩnh vực xuất bản sách còn hạn chế. Nhưng tôi tin đó vừa là một thách thức cũng là một cơ hội lớn cho chúng tôi để chúng tôi học hỏi và phát triển. Đúng như tinh thần của startup: “Dám mơ lớn và dám thay đổi” (cười).

Trở lại tác phẩm, đây là một tiểu thuyết có bố cục súc tích, thông minh, đan cài cùng lúc nhiều thông điệp. Anh đã khởi đầu ý tưởng và hoàn thiện nó thế nào?

NMC: Nếu “Vũ Trụ Cua” là được viết và hoàn thiện trong những ngày tháng phấn đấu của tuổi trẻ với việc dành học bổng đi Mỹ, thì “Hoa hồng bên phím Enter” là khoảng thời gian mà bản thân tôi trưởng thành với những năm tháng đầu tiên trên “chiến trường” startup. Thú thật rằng, làm startup hay mở một doanh nghiệp là việc không hề dễ dàng và thật sự rất cô đơn. Chính vì thế, tôi đã nung nấu ý định viết một cuốn sách về thế giới này, về những nỗ lực, đánh đổi, trăn trở và cả những nỗi đau đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của các founders startup. Sau hơn hai năm rưỡi vừa làm vừa viết, tôi đã hoàn thành nó và quyết định xuất bản để gửi các bạn đã, đang và sẽ làm startup như tôi như một sự chia sẻ, hy vọng các bạn sẽ không còn thấy quá đơn độc trên hành trình startup.

Điều thú vị về cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam của giới Startup

Tôi đặc biệt chú ý tới những trích đoạn ca từ trước mỗi chương. Đây là chi tiết từng xuất hiện trong tác phẩm đầu tay của anh – Vũ trụ Cua. Lần này có gì khác về dụng ý và cảm xúc?

NMC: Chắc chắn là rất khác rồi! (cười) Nếu “Vũ trụ Cua” là câu chuyện huyền thoại xen lẫn viễn tưởng, thì đây lại là câu chuyện mà tôi lấy bối cảnh sát với thực tiễn của những con người làm startup ở Việt Nam với những tình huống mà có lẽ ai cũng từng ít nhất một lần đối mặt. Vì thế, ca từ mà tôi chọn cũng gần gũi hơn, và cũng có phần thăng trầm như chính cuộc đời startup vậy. Nhưng hơn hết, tất cả chúng đều là mong muốn khát khao vươn lên, sẵn sàng dám đối mặt với thử thách và đó là giá trị chính mà mình muốn truyền tải ở cuốn sách này.

Có thể gặp những diễn biến phức tạp của cuộc sống chỉ thông qua vài tình tiết nhỏ hoặc một câu văn hài hước, châm biếm. Có thể gặp cả sự đa nhân cách trong con người, nhất là người trẻ. Là dân trong nghề, anh nghĩ rằng công nghệ đã thay đổi họ hay bóc trần bản chất của họ?

NMC: Tôi nghĩ rằng chính xác mà nói thì công nghệ khuếch đại bản chất con người. Với mạng xã hội facebook và hệ thống thanh toán hiện đại, con người có thể dễ dàng phát huy mặt tốt của xã hội thông qua những hoạt động từ thiện. Một trường hợp khó khăn có thể nhận được nguồn lực giúp đỡ trong vài giờ. Đồng thời, những sản phẩm công nghệ như các app cho vay nặng lãi, game đánh bạc cũng khiến con người trả giá nhiều hơn cho những sai lầm của bản thân họ. Bản chất con người hàng ngàn năm qua vẫn vậy, công nghệ chỉ là một chiếc kính lúp để chúng ta nhìn rõ hơn thôi.

Vậy thông điệp tác phẩm là gì?

NMC: Thông điệp tác phẩm rất đơn giản thôi, vì tôi chỉ muốn chia sẻ và đồng cảm cùng những người làm startup, đặc biệt là các bạn trẻ khởi nghiệp, chứ không có mục đích răn dạy hay giáo dục điều gì thông qua nó. Tôi biết làm startup rất cô độc, đôi khi có thể dùng cụm “chật vật trong nỗi cô độc” để miêu tả những founders của startup, vì tôi đã chứng kiến và cũng đang trải qua nó rồi. Do đó, tôi hy vọng tác phẩm này sẽ giúp những nhà sáng lập cảm thấy được đồng cảm, họ sẽ tìm được người bạn tâm giao thấu hiểu nỗi khó khăn tinh thần của họ để tiếp tục bước đi trên con đường khởi nghiệp gian truân. Ngoài ra, tôi cũng muốn mang đến một bức tranh đa dạng nhưng đặc thù về thế giới startup Việt Nam mà trước đây chưa từng được khai thác hay nhìn nhận công khai. Rất mong cuốn truyện sẽ giúp độc giả có một cái nhìn khác, và sâu hơn về startup Việt.

Tôi đã nghĩ tới một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm này ngay khi tiếp cận. Anh thì sao?

NMC: Thật ra lúc tôi viết truyện, tôi chỉ mong có thể đưa được tác phẩm này đến đông đảo bạn đọc để gửi gắm những thông điệp như vừa đề cập thôi. Tuy nhiên, nếu trong tương lai, “Hoa hồng bên phím Enter” có cơ hội chuyển thể thành một bộ phim thì đó sẽ là điều vô cùng tuyệt vời đối với tôi.

Thế giới startup chưa được nhiều người biết tới dù nội tại của startup đang diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ đến chóng mặt. Thực tế, dân startup mà viết văn chương thì ít, mà dân văn viết về giới này lại không chuẩn. Vậy cần giải pháp nào?

NMC: Theo tôi nghĩ, chúng ta còn phải dựa vào mục đích của tác giả khi viết và mục đích của độc giả khi đọc là gì để đánh giá. Các nhà văn viết về startup không chuẩn là điều dễ hiểu vì họ chưa từng làm startup, nếu họ viết về chủ đề này với mục đích đem lại giá trị thông tin cho những ai muốn bắt đầu làm startup hoặc cho những người muốn tìm hiểu về startup... thì sẽ đáng lo. Còn với các độc giả, nếu họ lựa chọn các tác phẩm viết về startup của một tác giả không có trải nghiệm gì dính líu tới lĩnh vực này để học hỏi, phát triển bản thân cho mục đích khởi nghiệp, điều đó sẽ đáng ngại. Vậy nên tôi nghĩ, giải pháp duy nhất cho vấn đề này nằm ở việc các tác giả cần có mục đích hợp lý khi viết về chủ đề startup, và độc giả cần có định hướng hợp lý khi đọc các tác phẩm của một tác giả không chuyên về khởi nghiệp để tránh có đánh giá chưa chuẩn về thế giới này.

“Hoa hồng trên phím Enter” là tác phẩm rất tinh tế, linh hoạt, không dễ đoán biết diễn biến, nhất là cái kết. Điều gì ở tác phẩm này khiến anh trăn trở, suy nghĩ nhiều nhất?

NMC: Với tác phẩm này, điều khiến tôi trăn trở và suy nghĩ nhất là làm sao có thể đưa được nhưng góc nhìn đúng nhất về startup lồng ghép trong những câu chuyện tình yêu, gia đình, cuộc sống của các nhân vật. Để cuốn truyện đến với độc giả sẽ không quá nặng về thông tin, nhưng vẫn tôn trọng sự chính xác về bản chất của việc khởi nghiệp. 

Điều thú vị về cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam của giới Startup

Chắc chắn sẽ có những dự định tiếp theo vì đây không dừng lại ở câu chuyện là xuất bản 1 ấn phẩm ra thị trường theo phương thức thông thường?

NMC: Đúng vậy. Nhìn chung, quy luật của cuộc sống là luôn chuyển biến không ngừng, startup cũng vậy. “Hoa hồng bên phím Enter” có thể khắc họa chính xác một bức tranh tổng thể về startup ở nước Việt trong giai đoạn này, nhưng cũng có thể ở tương lai, thế giới startup đã phát triển hơn nữa và lại có thêm nhiều khía cạnh khác mà chúng ta có thể khai thác. Tôi vẫn ấp ủ nhiều dự án viết nữa, nhưng tôi nghĩ bây giờ mình sẽ tập trung nhất vào việc đưa “Hoa hồng bên phím Enter” đến gần với độc giả hơn.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Thụy Phương

Truy bắt bị cáo bỏ trốn khi bị dẫn giải đi xét xử ở Hà Nội

Truy bắt bị cáo bỏ trốn khi bị dẫn giải đi xét xử ở Hà Nội

Công an TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đang tiến hành truy bắt bị cáo vừa bỏ trốn khi đang di chuyển đến tòa án.