Những sự việc đáng buồn của ngành giáo dục từ đầu năm 2020

Từ đầu năm 2020, dù đa phần học sinh không đến trường vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ngành giáo dục vẫn gặp không ít câu chuyện đau lòng.

Bộ GD&ĐT lúng túng trước tranh cãi có nên tiếp tục cho học sinh nghỉ học vì dịch

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ tháng 2 cho đến tháng 4, các địa phương phải thường xuyên thay đổi lịch đi học trở lại của các em học sinh, sinh viên. Điều này cũng vướng phải vô số những ý kiến trái chiều.

Trước hết phải khẳng định quyết định cho học sinh nghỉ học vì nguy cơ lây lan COVID-19 thời điểm đó là một quyết định chính xác phù hợp với tình hình dịch bệnh cũng như giải toả được những lo lắng của phụ huynh học sinh.

Những sự việc đáng buồn của ngành giáo dục từ đầu năm 2020

Tuy nhiên việc kéo dài thời gian nghỉ làm dấy lên nhiều vấn đề như việc cắt cử người trông giữ con, ảnh huởng trực tiếp tới năng suất lao động; học sinh nghỉ  có nghĩa là học sinh phải học bù, giáo viên phải dạy bù; không thể tính toán được chất lượng của việc học trong suốt thời gian nghỉ. Mặt khác, tác động từ một kỳ nghỉ quá dài tới việc học tập và thi cử, nhất là đối với các học sinh cuối cấp là cần phải tính toán.

Ngoài ra, việc rút bớt kỳ nghỉ hè cũng sẽ tạo ra nhiều hệ luỵ. Đơn cử như việc nhiều gia đình huỷ các kỳ nghỉ mát theo dự định. Từ đó tác động xấu tới thị trường du lịch, kéo theo thị trường dịch vụ ăn theo. 

Mặc dù hiện học sinh trên toàn quốc đã chính thức trở lại trường, kết thúc thời gian nghỉ phòng dịch. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng, để sớm đưa các em trở lại trạng thái học như bình thường trong suốt từ đầu năm đến giờ, việc xem xét cho nghỉ hay không cho nghỉ đã không ít lần vướng phải tranh cãi, thắc mắc, phản đối của các chuyên gia cũng như phụ huynh học sinh. 

Chưa kể là hình thức học online, giãn cách xã hội, phân bổ lại tiết học trong thời gian đầu cũng gây ra nhiều khó khăn về nguồn lực và chương trình học. 

Phát ngôn trước toà của người từng làm ngành giáo dục

Trong những ngày vừa qua, hai phiên tòa xét xử vụ gian lận điểm thi ở Sơn La và Hòa Bình các năm học 2017, 2018 trở thành đề tài quan tâm của dư luận. Các bị cáo của vụ án hầu như đều là cựu cán bộ trong ngành công an hoặc giáo dục của tỉnh. Đây có thể nói là một sự việc đáng buồn dù đã qua cách đây 2 năm, bởi những người vốn được tin tưởng trong ngành sư phạm lại vì những lợi ích cá nhân gây ra những sự việc ảnh hưởng đến cả hệ thống giáo dục.

Những người thực tài thì không được điểm cao, không được vào những ngành nghề tốt, không được tạo thành nguồn nhân lực có chất lượng trong xã hội.

Ngược lại, những người học kém chỉ vì cha, mẹ có tiền, có quyền được nâng điểm lại vào được những ngành như giáo viên, bác sĩ, công an thì sẽ tạo ra những hậu quả xã hội khôn lường.

Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình, một trong những điều khiến bất kỳ ai cũng phải cảm thấy vô cùng nhức nhối đó chính là phát ngôn gây ám ánh thể hiện suy nghĩ sai lệch của người hoạt động trong ngành giáo dục, những người từng đứng lớp hoặc liên quan đến công tác giảng dạy. 

Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, cựu trưởng Phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, nói: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”. 

Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên - cựu Trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT Hòa Bình.
Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên - cựu Trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT Hòa Bình.

Câu phát ngôn ấy cho thấy một kiểu tư duy sẵn sàng từ bỏ cách sống “thẳng lưng” giữ gìn nhân cách làm người để sống “gù” lưng phạm tội vì những lợi lộc. Đặt vào bối cảnh của vụ án đó là lời việc làm sai trái của bị cáo đã thể hiện sự nhận thức rất kém của một người làm giáo dục. Lời nói công khai tại tòa làm đau lòng tất cả những ai còn tự trọng. Đặc biệt đau xót khi câu chuyện này xảy ra trong ngành giáo dục, nơi cần đề cao sự trung thực.

Liên tục thay đổi hình thức thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học

Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh thành trên cả nước tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng dịch, nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh lần thứ 2 với khung thời gian năm học 2019-2020 và lịch thi Trung học phổ thông quốc gia.

Theo đó, thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15.7, thi Trung học phổ thông quốc gia ngày 8-11.8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm.

Để kịp tiến độ tuyển sinh, thích ứng với tình hình mới, nhiều trường đại học đã chủ động thay đổi phương án tuyển sinh. Không ít trường chỉ xét học bạ 5 học kỳ, không tính học kỳ 2 lớp 12. kỳ thi THPT 2020 tập trung vào mục tiêu xét tốt nghiệp nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước. Việc tuyển sinh đại học, các trường đại học thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo Luật Giáo dục đại học trên tinh thần các trường có sự chuẩn bị.

Đến 23/4, Bộ GD-ĐT lại xây dựng và công bố đề thi minh hoạ cho kỳ thi này, thay cho đề tham khảo vừa được Bộ này công bố ngày 3.4.

Đến thời điểm này, sau vài lần liên tục thay đổi, phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã được Bộ GD-ĐT công bố với dự kiến có khá nhiều tác động lớn tới công tác tuyển sinh đại học năm nay. Không ít thí sinh, phụ huynh lo lắng nhưng Bộ GD-ĐT trấn an sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.

Bộ GD-ĐT khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích đánh giá chất lượng giáo dục sau 12 năm học nên đề thi vẫn có sự phân hóa phù hợp để phân loại đối tượng học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu. Tuy phân hóa mức độ khó có giảm nhưng vẫn đảm bảo phân loại học sinh nên các trường ĐH-CĐ có thể sử dụng để tuyển đầu vào. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các trường ĐH-CĐ tính toán thận trọng phương án tuyển sinh, không gây hoang mang, lo lắng cho học sinh.

Học sinh đứng ngoài trời nắng vì đến lớp sớm

Sự việc một học sinh cấp 1 ở Hải Phòng phải đứng ngoài trời nắng vì đến lớp sớm 15 phút gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua. 

Theo chia sẻ của người mẹ, bé học tại trường lớp 1 tại trường Tiểu học Quang Trung, phường Vạn Mỹ, Ngô Quyền, Hải Phòng. Trước thời gian nghỉ dịch, gia đình vẫn cho bé ăn bán trú tại trường. Tuy nhiên sau dịch, do hoàn cảnh gia đình có chút khó khăn nên đã cho bé về nhà ăn cho nên thời gian đến trường vào buổi chiều có chút thay đổi, cụ thể là bé phải đến trường sớm hơn 15 phút. 

Bên cạnh đó, phụ huynh này còn đính kèm thêm nhiều hình ảnh về cuộc hội thoại giữa cô giáo và nhóm phụ huynh. Trong đó đa phần các phụ huynh đều phản đối cách hành xử của nhà trường vì không cho học sinh vào trường và lên án việc phê bình học sinh đến trường sớm hơn quy định.

Sự việc này đã khiến không ít người cảm thấy vô cùng bức xúc và lên án nhà trường cũng như giáo viên. Hầu hết đều thể hiện sự bất bình với cách hành xử quá cứng nhắc của cô giáo chủ nhiệm và học sinh trực sao đỏ. Gia đình của em học sinh cũng như nhà trường đã có buổi trao đổi với nhau để giải quyết vấn đề.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, UBND thành phố Hải Phòng đã có buổi làm việc với Trường Tiểu học Quang Trung, quận Ngô Quyền và kết luận việc học sinh đứng ngoài cổng trường là do em học sinh đó, không phải do giáo viên hay sao đỏ. 

Cho đến hôm nay, trên mạng lại tiếp tục lan truyền thông tin về việc người phụ huynh của bé là người dàn cảnh cho con đứng trước cổng trường chụp ảnh.

Sự việc hiện vẫn chưa được xác minh cụ thể, tuy nhiên việc tranh cãi giữa hai bên có thể gây ra những ảnh hưởng niềm tin với giáo dục.

Cây phượng đổ khiến 1 em học sinh tử vong

Vào đầu giờ sáng ngày 26/5, tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM), trong khi các em học sinh đang chuẩn bị vào lớp, một cây phượng vĩ to tại đây bất ngờ bật gốc và đổ xuống đè lên nhiều em học sinh. 

Những sự việc đáng buồn của ngành giáo dục từ đầu năm 2020

Vụ tai nạn đã khiến 18 trường hợp bị thương vong, trong đó có: 4 em được chuyển đến Bệnh viện Sài Gòn ITO (1 em được về, 3 em được mổ xương vào trưa nay); 8 em được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (5 em sức khoẻ ổn định được cho về, 3 em bị gẫy tay, chân, ảnh hưởng cột sống chờ mổ); 5 em được đưa vào Bệnh viện Quận 3, bị xây xát nhẹ và sau đó đã được cho về.

Ngoài ra còn có 1 trường hợp là em N.T.K (lớp 6.8) được chuyển vào Bệnh viện An Sinh đã tử vong, được gia đình đưa về lo hậu sự. 

Thanh Mai

Đề xuất miễn, giảm thuế, bảo hiểm... cho các cơ sở giáo dục

Đề xuất miễn, giảm thuế, bảo hiểm... cho các cơ sở giáo dục

Ngày 18/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi Thủ tưởng Chính phủ đề xuất các biện pháp, chính sách để ứng phó với dịch COVID-19.