Vứt vở học sinh xuống đất: Cô giáo có còn như mẹ hiền?

Rồi sau này khôn lớn, các bé sẽ lưu giữ gì khi nhắc lại những kỷ niệm của ngày đầu tiên đến trường?

Mới đây, cộng đồng mạng Việt Nam liên tục lan truyền một đoạn video ghi lại hình ảnh phản cảm của một giáo viên tại trường tiểu học thuộc huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Đoạn video ghi lại cảnh cô giáo đang ngồi chấm bài trong giờ học của các em học sinh lớp một. Điều đáng nói là, ngay sau khi chấm xong từng cuốn vở, cô giáo không đặt lên bàn mà vứt luôn cuốn vở xuống đất, để các em học sinh lớp 1 phải cúi xuống nhặt mang về. Đoạn clip kéo gây phẫn nộ không ít người.

Có thể nói, lớp một là khoảng thời gian quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Đó là những ngày tháng đầu tiên bước chân vào môi trường học tập. Khoảng thời gian đầu tiên ấy sẽ ghi dấu ấn đậm nét suốt cả cuộc đời. Bởi đó là khoảng thời gian học những nét chữ đầu tiên của cuộc đời. Nó cũng là lần đầu tiên, con được tiếp xúc với những bài học làm người, giản dị nhưng vô cùng quan trọng.

Học sinh nhặt cuốn vở của mình từ dưới đất. (Ảnh: cắt từ clip)
Học sinh nhặt cuốn vở của mình từ dưới đất. (Ảnh: cắt từ clip)

Ai trong chúng ta cũng sẽ còn nhớ cái cảm giác háo hức, hạnh phúc khi lần đầu tiên trong đời được cầm một cuốn vở mới, được ôm ấp một quyển sách còn thơm mùi giấy. Một cảm giác kỳ lạ dạt lên trong lòng. Sách vở đối với các cô cậu học sinh lớp một mới thiêng liêng và đáng quý làm sao.

Ấy vậy mà, những thứ các con đang cố gắng trân trọng và nâng niu ấy được thẳng tay vứt xuống đất một cách không thương tiếc, không cảm xúc. Cô giáo ngồi trên bàn đầy quyền lực, những đứa trẻ lóp một như bầy chim non, nem nép lên nhặt từng cuốn vở cô quăng xuống đất. Hành động trịch thượng, kệch cỡm ấy khiến chúng ta sửng sốt.

Sau những hành động ấy của cô giáo, liệu các bé có còn biết đến giá trị của sách vở, có còn trân trọng những dụng cụ học tập nhỏ bé, thân thương, biết yêu thương sách vở, trường lớp, học hành. Bởi dù giữ gìn đến đâu thì cuối cùng cũng chỉ được quăng xuống đất mà thôi!

Sau những hành động ấy, liệu các bé có học được cách tôn trọng người khác? Bởi cuốn vở cũng chính thành quả của những giờ luyện chữ, luyện toán, là nơi lưu giữ những nét bút, những con chữ, con số của học trò, mà lại bị vứt xuống dưới chân một cách đầy vô cảm, thì liệu điều gì trong môi trường học tập ấy đáng được tôn trọng?

Và hơn tất cả, sau hành động ấy, liệu cô giáo có còn "như mẹ hiền" trong mắt học sinh?

Điều khiến chúng ta lo lắng hơn cả chính là tương lai của các em nhỏ. Rồi sau này khôn lớn, các bé sẽ lưu giữ gì trong ký ức khi nhắc lại những kỷ niệm của ngày đầu tiên đến trường?

Và hành động ấy của cô giáo, người đại diện cho ngành giáo dục khiến ta không khỏi giật mình nghĩ đến việc tuyển sinh và đào tạo ngành sư phạm hiện nay. Năm 2017, cộng đồng giật mình khi học sinh chỉ cần 3 điểm/môn là có thể đỗ vào trường cao đẳng, đại học ngành sư phạm. Rồi những cô giáo, thầy giáo ba điểm ấy sẽ dạy cho học trò của mình những gì? Phải chăng lại là cảnh vứt vở xuống đất, đánh đập, véo tai,... để thị uy?

Cư dân mạng tranh cãi trước hành động của cô giáo (Ảnh: chụp màn hình)
Cư dân mạng tranh cãi trước hành động của cô giáo (Ảnh: chụp màn hình)

Ngoài ra, những sức ép về chỉ tiêu, xã hội hóa, vở bài tập, đồng phục... đè nặng khiến giáo viên không chỉ thực hiện nhiệm vụ dạy học mà còn trở thành những người "đòi nợ thuê" cho các dịch vụ, các khoản thu của nhà trường. Đầu năm học là "mùa thu". Giáo viên càng tích cực thu càng được tuyên dương, khen thưởng. Đương nhiên, muốn thu tốt, giáo viên phải gây áp lực với học sinh.

Hay là những điều kể trên biến giáo viên trở thành "ngáo ộp" trong mắt học trò. Chẳng còn hình ảnh cô giáo hiền dịu, nhẹ nhàng nữa. Chẳng còn hình ảnh cô giáo đi nắn nót từng nét chữ cho các con nữa. Tất nhiên, cũng chẳng còn những rung động trong sáng, nhưng vô cùng sâu lắng của những ngày đầu "Tôi đi học" nữa.

Hành động vứt vở của học sinh xuống đất không phải là hành động phản giáo dục hiếm hoi. Trước đó, cô giáo cho học sinh tát bạn 231 cái, cô giáo đánh liên tiếp vào đầu học sinh, gian lận sửa điểm ở Hà Giang, Sơn La,... khiến cho bức tranh giáo dục ngày càng trở nên u ám. Nó khiến người lạc quan nhất cũng phải lắc đầu ngao ngán về tương lai của giáo dục nước nhà.

Liệu cô giáo có còn như mẹ hiền?
Liệu cô giáo có còn như mẹ hiền?

Đã đến lúc, chúng ta cần có những hành động quyết liệt để loại bỏ những biểu hiện tiêu cực kể trên khỏi nền giáo dục. Cần loại bỏ những người không đủ tài, đủ tâm ra khỏi môi trường giáo dục. Loại bỏ các hình thức kinh doanh trong trường học, để giáo viên thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ của mình. Có như vậy, trường học mới thực sự là một "thế giới kỳ diệu" và thầy cô giáo mới thực sự trở thành những người cha người mẹ, người bạn của học sinh.

Quốc Khánh

Vụ véo tai, đánh học sinh trong lớp học: Trần tình của cô giáo trong clip

Vụ véo tai, đánh học sinh trong lớp học: Trần tình của cô giáo trong clip

Cô Nguyễn H.H. chủ nhiệm lớp 2, trường Phan Chu Trinh, nơi xảy ra vụ việc đã trần tình với báo chí.