20 năm sau sự kiện 11/9: Hồi tưởng của những người còn sống sót

Có hàng nghìn bức ảnh ghi lại sự sửng sốt, kinh dị, chủ nghĩa anh hùng và tính nhân văn từ vụ khủng bố 11/9. Giờ đây, 20 năm sau sự kiện thảm khốc này, những người sống sót và nhân chứng tiếp tục kể câu chuyện của họ về những gì xảy ra sau đó.

Ngày 11/9/2001, cả thế giới rúng động bởi một loạt vụ khủng bố nhằm vào hai biểu tượng sức mạnh của nước Mỹ là Trung tâm Thương mại thế giới và Lầu Năm Góc. Sự kiện kinh hoàng này đã cướp đi tính mạng của khoảng 3.000 người, làm hơn 6.000 người khác bị thương và khiến nước Mỹ tổn thất hàng nghìn tỷ USD.

20 năm sau, những nhân chứng và những người còn sống sót vẫn không khỏi bồi hồi khi nhớ lại khoảnh khắc đó.

"Mẹ xin lỗi khi đưa con đến thế giới điên rồ này"

Jenna Picrillo thức giấc khi nghe một tiếng động lớn như tiếng sấm nổ. Nhưng khi cô nhìn ra ngoài cửa sổ, mặt trời vẫn đang chiều rọi vào một buổi sáng cuối hè ở Brooklyn. 

Bức ảnh được chụp khi Picrillo đang ở trên sân thượng của một tòa nhà và Tháp Đôi sụp đổ ở phía xa. Cô đang nhìn con trai của mình và nghĩ về "tuyệt vọng nhân loại".

"Mẹ rất tiếc khi đưa con đến với thế giới điên rồ này", cô nhớ lại suy nghĩ của mình khi nhìn Vaughan, con trai cô.

su-kien-11-9-1.jpg
Jenna Piccirillo và con trai 3 tháng tuổi, Vaughan, đang ở trên sân thượng của một tòa nhà khi Tòa tháp đôi sụp đổ. Ảnh: Magnum

Piccirillo hiện là một nhà thiết kế nội thất sống ở Fairfield, Conn. Cô nói rằng bức ảnh nhắc nhở cô về sự tàn phá lớn chỉ trong một ngày. Nó cũng nhắc nhở cô rằng, tương lai của con trai hóa ra tốt hơn những gì cô có thể nghĩ đến vào thời điểm đó.

"Mẹ không nhìn thảm kịch phía sau. Bà ấy đặt tôi lên trên tất cả, chọn những người yêu thương và chăm sóc thay vì tuyệt vọng", Vaughan, hiện là sinh viên Đại học Connecticut, nói khi nhớ lại bức ảnh.

"Lúc đó tôi chỉ muốn về nhà"

Nhiếp ảnh gia Gulnara Samoilova bắt đầu chạy khi Tháp Nam sụp đổ. Thậm chí 20 năm sau, thật khó để cô ấy nói về khoảnh khắc đó. Lúc đó cô ấy đang mang thai và bị ngã khi cố gắng bỏ trốn. “Tôi nghĩ mình sẽ bị chôn sống”, cô nói.

Cô ấy đứng dậy, nâng máy ảnh lên và bắt đầu chụp, đặt ống kính giữa mình và thực tế khủng khiếp đang diễn ra này. Mọi người trông như những cái bóng trong bầu không khí dày đặc, tối tăm.

Trong số những bức ảnh này, Jonathan Markowitz (người đàn ông cố che đi mũi và miệng bằng chiếc áo sơ mi) đi bộ với một số đồng nghiệp của mình sau khi họ thoát khỏi Tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới.

su-kien-11-9-2.jpg
Jonathan Markowitz, khi đó 46 tuổi, đang ở trong phòng họp ở Tháp Bắc thì nghe thấy một tiếng nổ lớn. Ông cùng đồng nghiệp may mắn chạy thoát khỏi tòa nhà. Ảnh: Gulnara Smoilova

Khi đó, ông Markowitz 46 tuổi, là đối tác của Công ty Thương mại SMW. Ông thường xuyên đến New York để thăm văn phòng của công ty trên tầng 85 của Tháp Bắc. 

Đúng vào buổi sáng hôm ấy, ông gọi cho vợ mình, Ruth Wenger, thông báo rằng ông sẽ về nhà vào buổi tối để kịp giờ họp phụ huynh cho con.

Sự kiện xảy ra vào khoảng 8h46' sáng, ông nghe thấy một tiếng nổ lớn và cảm thấy tòa nhà bắt đầu lắc lư. Sau đó, ông nghe đồng nghiệp bảo rằng có một chiếc máy bay vừa va vào tòa nhà.

Ông và các đồng nghiệp bắt đầu di chuyển xuống cầu thang. Nó ngày càng nóng và đông hơn theo từng phút, nhưng người xuống vẫn có trật tự. Mọi người truyền tai nhau những tin đồn nhưng thông tin không chính xác lắm và họ không biết rằng chiếc máy bay thứ hai đã đâm vào tòa nhà.

Khoảng 90 phút sau, ông chạy được xuống tầng dưới của phòng chờ và cảm thấy nhẹ nhõm. Nhưng ai đó vội vàng hét lên: "Nằm xuống". Bức tường đổ xuống, bụi và những mảnh vỡ bay về phía ông. Lúc đó ông không biết rằng, đây chính là cột mốc Tòa tháp phía Nam đang sụp đổ.

Sau đó tiếng ồn ngừng lại và đèn tắt. Bụi lan tràn trong không khí, ông cố nắm lấy chiếc áo sơ mi che mũi của mình để thở.

Ông gọi các đồng nghiệp của mình là Rob Leder và Bill Forney, tất cả đều đứng dậy để đi về phía lối ra, được một người cầm đèn pin giúp đỡ. 

Ông Markowitz nhớ lại, bên ngoài trông giống như một bộ phim kinh dị đen trắng, bụi bao phủ mọi thứ và giấy tờ văn phòng ngổn ngang trên mặt đất. "Lúc đó tôi chỉ muốn về nhà", ông nói.

Sau tất cả, ông không thể đến buổi họp phụ huynh cho con và sự kiện ngày 11/9 đó cũng ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của gia đình ông. Có nhiều kì nghỉ hơn và ông muốn dành thời gian cho con cái nhiều hơn.

Ông Markowitz, hiện 66 tuổi và đang làm việc cho một công ty thương mại, nói: "Bạn không biết rằng khi nào khoảnh khắc đó sẽ xảy ra lần nữa. Và cơ hội sống sót có thể không còn nữa".

"Chết hay sống?". "Đã chết"

Michael B Sauer, 34 tuổi, là một nhân viên hải quan tại sân bay JFK. Khi tin tức về vụ tấn công nổ ra, anh tham gia vào đội lính cứu hỏa tình nguyện để Ground Zero cứu nạn.

Ông Sauer, hiện 54 tuổi, nghẹn ngào kể lại rằng, ngày đó ông làm việc tại một nơi mà lính cứu hỏi gọi là "một đống vỡ vụn". 

"Tôi đi bộ xung quanh đống vỡ nát và cố lắng nghe tiếng cầu cứu hoặc bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống. Đó là những gì tôi có thể làm để cố gắng giúp đỡ và ky vọng đưa ai đó đến nơi an toàn", ông nói.

"Xác ở đây!", ông nhớ lại có lúc đã la hét với những người cứu hộ khác.

"Chết hay sống?", những người khác hỏi.

"Đã chết".

su-kien-11-9-3.jpg
Một lính cứu hỏa tình nguyện 34 tuổi, Michael B Sauer vội vã đến Ground Zero để giúp đỡ tìm kiếm và cứu hộ. Ảnh: Yoni Brook

Mẩu thoại này lặp lại cả ngày dài khi ông và đồng đội cố rà soát lại đống hỗn độn. "Tôi không tìm thấy ai khác ngoài những bộ phận rời rạc", một người nói.

Gió thổi tro bụi vào mắt và cổ họng. Sau nhiều giờ tìm kiếm, ông Sauer tình cờ gặp được một trụ cứu hỏa. Và bức ảnh được chụp lúc ông Sauer đang rửa sạch cặn bẩn trong miệng, ông nhìn lên và thấy ai đó đang chụp ảnh mình.

Nhiều năm sau, vào khoảng ngày kỉ niệm 11/9, ông vẫn gửi tin nhắn cho Yoni Brook, nhiếp ảnh gia đã chụp ảnh anh ấy ở vòi nước.

Ông Sauer nói: “Chúng tôi có mối ràng buộc này. Đó chỉ là một mối quan hệ của ngày đó, và anh ấy đã đưa tôi vào lịch sử".

“Đối với tôi, cảm giác đó như vừa diễn ra vào ngày hôm trước. Không một ngày nào trôi qua mà tôi không nghĩ về nó", ông nghẹn ngào.

“Đừng buông tôi ra, đừng buông tôi ra”

Dominic Guadagnoli đang ở bàn làm việc của mình thì một tiếng nổ lớn dội qua tòa án liên bang ở hạ Manhattan. Anh chạy ra đường ngay sau đó và nghe một người phụ nữ hét lên: "Ai đó đã lái may bay vào Trade Towers!".

Ông Guadagnoli và một đồng nghiệp lập tức chạy đến hiện trường. Ông đứng giữa hai tòa nhà và nhìn thấy một số người đang nhảy hoặc rơi xuống từ trên cao. "Tôi không biết làm gì ở đây cả", ông tự nhủ.

Sau đó, ông và một đồng nghiệp đã cố gắng hướng dẫn và giúp đỡ làn sóng người chạy ra khỏi tòa tháp. Một số người chỉ bị hoảng sợ, trong khi một số khác bị thương nặng. Ông dìu họ đến khu vực gần đó, sau đó quay trở lại giúp đỡ những người sống sót khác.

Một lúc sau, ông Guadagnoli nhìn thấy hai người đàn ông, họ trông có vẻ mệt mỏi, đang ôm một người phụ nữ gần như đang gục xuống. Ông Guadagnoli bước đến và ôm cô lên. Nhiếp ảnh gia Samoilova, người đã chụp ảnh Jonathan Markowitz trước đó, đã chụp được hình ảnh này.

Người phụ nữ mà ông Guadagnoli đang ôm là Donna Spera. Lúc xảy ra sự kiện, cô đang đợi thang máy ở tầng 78 của Tòa tháp Nam, ngay trong tầm ảnh hưởng của vụ máy bay thứ hai. Cô bị hất lên sau tiếng nổ lớn và ngã xuống trong đau đớn. Còn lại, những người xung quanh cô đã chết.

su-kien-11-9-4.jpg
Dominic Guadagnoli là Phó Thống chế Hoa Kỳ làm việc cách Trung tâm Thương mại Thế giới vài dãy nhà vào ngày 11/9. Anh vội vã đến hiện trường và giúp đỡ ôm một nạn nhân đi để được trợ giúp y tế. Ảnh: Gulnara Samoilova

“Đừng buông tôi ra, đừng buông tôi ra”, ông Guadagnoli nhớ lại câu nói của cô.

Sau khi đưa Donna lên xe cứu thương, ông quay trở lại hỗ trợ hỗ trợ những người khác. Ngay sau đó, ông nghe thấy tiếng của vết nứt lớn và nhìn thấy Tháp Nam đang ầm ầm đổ xuống.

Các mảnh vỡ rơi trúng mắt của ông và ông phải đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra. Đêm đó ở nhà, ông không ngủ được. Trong bóng đêm, dường như ông nghe tiếng xe chữa cháy vẫn hướng về Ground Zero.

Ông Guadagnoli nói: “Trong một thời gian dài, tôi bị ảnh hưởng bởi 3 yếu tố: máy bay, còi báo động cơ chữa cháy và bất kỳ tiếng nổ lớn hoặc tiếng ồn nào. Nó sẽ khiến tôi giật mình. Tôi sẽ chỉ run rẩy".

Điều may mắn duy nhất là cô Donna vẫn còn sống. Ngày 11/9 hàng năm, ông Guadagnoli, hiện 52 tuổi, đều đặn gửi hoa cho cô, người mà anh đã giúp đỡ đến nơi an toàn.

"Nó khiến tôi khóc"

Shannon Stapleton là một nhiếp ảnh gia tự do. Một biên tập viên của Reuters đã bình tĩnh gọi anh đến Trung tâm Thương mại Thế giới sau khi nghe vụ việc về chiếc máy bay.

“Được rồi”, ông Stapleton, khi đó mới ngoài 30 tuổi, trả lời. Ông đang hình dung về một chiếc máy bay ngắm cảnh.

Khi ông xuống Manhattan bằng tàu điện ngầm, một chiếc máy bay khác đã lao tới. “Tôi sắp kể lại câu chuyện có lẽ là lớn nhất trong đời mình, xảy ra ngay phía sau tôi”, ông Stapleton nhớ lại.

Ông chụp ảnh mọi người chạy trốn và Tháp Nam sụp đổ. Bỗng, ông nhìn thấy những người cứu hộ đi phía mình với vẻ mặt u sầu, mang theo một người nào đó từ đống đổ nát.

su-kien-11-9-5.jpg
Cha Mychal Judge, một tuyên úy lâu năm của Sở Cứu hỏa New York, là một trong những người đầu tiên được xác định thương vong trong vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới. Ảnh: Shannon Stapleton/Reuters

Ông Stapleton có thể nói rằng người đàn ông đã chết, sau đó ông mới biết rằng người này là Cha Mychal Judge, tuyên úy lâu năm của Sở Cứu hỏa New York.

“Tôi có cảm giác ngay lập tức rằng người này rất quan trọng”, ông nhớ lại và nói thêm rằng ông nhận thấy “rất nhiều cơ quan khác nhau đều đang cố gắng đưa người đàn ông này khỏi thảm kịch”.

Lúc ấy, ông vội vàng xem lại những tấm ảnh mình đã chụp. Ông nghĩ chiếc máy ảnh đã cứu mạng mình. Vì nếu những tấm ảnh kia không hoàn thành, ông có thể sẽ cố gắng đi sâu hơn vào tòa nhà.

Ngay lúc đó, ông nghĩ về người vợ đang mang thai của mình, và ông chợt nghĩ rằng tòa tháp kia có thể sụp đổ. Và khi điều đó thực sự xảy ra, ông vừa cách nó khoảng 2 dãy nhà.

Ông Stapleton đã trở lại Ground Zero vào ngày hôm đó và làm việc không ngừng nghỉ để khắc phục hậu quả. Khi đó, ông vẫn không biết người mình chụp trong bức ảnh là ai. Vài ngày sau đó, hình ảnh và những câu chuyện về vị tuyên úy được lưu truyền.

“Tôi bắt đầu tìm hiểu ông ấy là ai, ông ấy là một người đàn ông đáng kính", ông Stapleton nói.

Ngay sau đó, ông nhận được một lá thư tại văn phòng Reuters từ chị gái sinh đôi của Cha Judge và cháu gái của ông.

“Nó khiến tôi khóc”, ông nhớ lại. “Họ cảm ơn tôi vì đã liều mạng và chụp bức ảnh này để cả thế giới thấy Cha là một người đáng ngưỡng mộ như thế nào”.

Nhiều người đã gọi bức ảnh là Pietà thời hiện đại. “Đó là thiên đường”, ông nói về hình ảnh. “Cha Judge trông giống như một thiên thần. Thật là siêu thực”.

Ông Stapleton hiện 52 tuổi và vẫn là một nhiếp ảnh gia của Reuters. Ông đã chụp “rất nhiều cái chết và sự hủy diệt, đau lòng và bi kịch”. Nhưng ông luôn nghĩ về Cha Judge.

(Nguồn: The Wall Street Journal)

AN DI