2,1 triệu người xem bài tập bị điểm 0 của cậu bé tiểu học rồi cười đến tắt tiếng, cuối cùng cũng hiểu vì sao giáo viên hay cáu

Bài tập "sáng tạo" quá mức của cậu bé tiểu học khiến người ta vừa đọc vừa cười đau bụng.

Trẻ em ở bậc tiểu học thường gặp khó khăn trong việc học tập và thích nghi với môi trường mới ở trường lớp. Đây là lý do vì sao nhiều trẻ rõ ràng rất thông minh nhưng điểm kiểm tra lại cứ thấp lè tè khiến bố mẹ không khỏi lo lắng.

Tuy nhiên, phụ huynh cũng đừng quá nản lòng khi gặp phải tình huống này, bởi cách học và tốc độ phát triển của mỗi đứa trẻ đều khác nhau. Đồng thời, nguyên nhân một số bài tập, bài kiểm tra bị điểm 0 có thể không phải do trí thông minh mà do trẻ chưa thực hiểu được quy trình làm bài, thậm chí là đề bài.

"Sự học" của học sinh tiểu học khiến cả phụ huynh lẫn giáo viên đều đau đầu

Bên cạnh đó, ở bậc học này, không chỉ phụ huynh đau đầu mà cả giáo viên - người chịu trách nhiệm dạy, hướng dẫn cũng như chấm bài cho học sinh cũng sẽ đau đầu không kém. Như mới đây, một giáo viên tiểu học tại Trung Quốc đã chia sẻ một "tác phẩm" bài tập do học sinh của cô sáng tác khiến dân mạng cười không nhặt nổi miệng.

Theo đó, bài tập cô giáo giao cho em học sinh này là viết nhật ký một ngày. Nghe thì rất đơn giản nhưng kết quả cô nhận được lại nằm ngoài sự tưởng tượng. Trang nhật ký chỉ dài vỏn vẹn 2-3 dòng nhưng lại chứa một loạt tình tiết hài hước đến "vô lý".

Cụ thể, em học sinh này viết:

"Thứ 2, ngày 30 tháng 2, trời nắng

Cả ngày hôm nay không thấy mặt trời xuất hiện, không tốt chút nào, bố mình mua hai con cá vàng về, nuôi trong vại nước, một con bị chết đuối, mình buồn lắm".

Trước tác phẩm bất ổn này, cô giáo không biết làm gì khác ngoài việc phê một lời phê rất dài: "Cô còn buồn hơn. Cô lớn thế này rồi mà chưa bao giờ gặp ngày nào gọi là ngày 30 tháng 2, cũng chưa bao giờ gặp ngày nắng mà không có mẳ trời, và đặc biệt là con cá vàng bị đuối nước".

Bài tập bất ổn này hút tới 2,1 triệu lượt theo dõi
Bài tập bất ổn này hút tới 2,1 triệu lượt theo dõi

Bài tập này tuy bị điểm 0 nhưng đã mang đến cho netizen những tràng cười không ngớt. Thậm chí bài đăng của cô giáo còn hút tới 2,1 triệu lượt xem.

Về cơ bản, không có gì lạ nếu học sinh tiểu học thường xuyên bị điểm thấp, thậm chí bị 0 điểm. Cha mẹ không cần phải lo lắng khi gặp tình huống này mà nên hướng dẫn con bằng thái độ kiên nhẫn.

Trước hết, cha mẹ cần phân biệt rõ tình huống. Có một vài học sinh bị điểm kém là do các em không nghe giảng và không hiểu mục đích của câu hỏi. Trong trường hợp này, phụ huynh cần phải cùng con ôn tập, kiểm tra tình trạng học tập của con mỗi tối để đảm bảo con đã học kỹ các nội dung thầy cô giảng dạy.

Một tình huống khác là học sinh chưa hiểu cách học và cảm thấy khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức. Lúc này, phụ huynh có thể trao đổi với giáo viên và yêu cầu hướng dẫn thêm cho con. Trong lớp học, giáo viên cũng cần đặc biệt chú ý đến việc thể hiện của những học sinh này. Nhưng hãy cẩn thận đừng đưa ra cho các em những câu hỏi quá khó cùng một lúc. Thay vào đó, hãy bắt đầu bằng những câu hỏi đơn giản để các em có thể nâng cao cảm giác thành tựu nếu làm đúng. Các em nên được hướng dẫn từ từ, mức độ các bài tập tăng dần độ khó, từ đó giúp các em dần dần thích nghi với nhịp độ học tập.

Cha mẹ đừng lo lắng khi con bị điểm thấp mà cần phối hợp với giáo viên để định hướng cho con
Cha mẹ đừng lo lắng khi con bị điểm thấp mà cần phối hợp với giáo viên để định hướng cho con

Khi một số học sinh không chịu học, làm ngơ trước điểm 0 hoặc điểm thấp trong các bài kiểm tra thì thái độ này cần phải được chấn chỉnh. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho con cái, cùng con làm bài tập, rèn luyện thái độ nghiêm túc cho con và để con hiểu rằng việc học không phải là thứ có thể qua loa đánh lừa được.

Đừng chỉ giúp con hoàn thành bài tập về nhà mà hãy thúc đẩy chúng tự suy nghĩ và giải quyết vấn đề cũng như đảm bảo rằng chúng thực sự hiểu những gì mình đọc, mình làm. Điều này có thể giúp trẻ hình thành ý thức về tầm quan trọng và trách nhiệm đối với việc học.

Đồng thời, phụ huynh cũng nên phối hợp chặt chẽ với giáo viên để thảo luận cách giúp đỡ những học sinh này một cách có mục tiêu. Nếu phụ huynh và giáo viên không có giao tiếp, học sinh có thể gặp rắc rối nghiêm trọng hơn.

Nguồn: 163

Thiên An