55 ngày không có ca nhiễm ngoài cộng đồng, thế giới có hơn 7,3 triệu ca nhiễm

Bản tin lúc 6h ngày 10/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã 55 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng.

- Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 10/6: 55 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

- Tính đến 6h ngày 10/6: Việt Nam có tổng cộng 192 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Thế giới ghi nhận hơn 7,3 triệu ca nhiễm Covid-19.
Thế giới ghi nhận hơn 7,3 triệu ca nhiễm Covid -19.

- Tính từ 18h ngày 9/6 đến 6h ngày 10/6: 0 ca mắc mới.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 9.136, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 151

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 8.087

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 902

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này Việt Nam đã chữa khỏi 317/332 bệnh nhân (chiếm 95,2% tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam), trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi.

Hiện còn 15 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế, đa số có sức khỏe ổn định.

Tính đến sáng ngày 10/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 3 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 11 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Trong khi đó, hôm nay thế giới ghi nhận hơn 7,3 triệu ca nhiễm với gần 413.000 ca tử vong , nhiều nước đã nới phong tỏa.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 7.309.428 ca nhiễm và 412.968 ca tử vong do Covid-19 tăng lần lượt 125.521 và 4.940 so với hôm qua. Tổng cộng 3.593.948 người đã bình phục. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tình hình ở châu Âu được cải thiện nhưng trên toàn cầu đang xấu đi.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 2.044.460 người nhiễm và 114.127 người chết, tăng lần lượt 17.967 và 1.072.

Tất cả 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở các cấp độ khác nhau. Thành phố New York, tâm dịch ở Mỹ, đã bắt đầu mở lại một phần nền kinh tế hôm 8/6 sau gần ba tháng bị phong tỏa. Cửa hàng, quán bar, nhà hàng hoạt động trở lại ở một số khu vực nhưng trường học vẫn đóng cửa. Tổng thống Donald Trump nói nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh hơn nếu các bang và địa phương chấm dứt lệnh phong tỏa.

Vùng dịch lớn thứ hai thế giới Brazil báo cáo thêm 31.197 ca nhiễm và 1.185 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 742.084 và 38.497.

Website của Bộ Y tế Brazil, cổng thông tin quan trọng để theo dõi tình hình Covid-19 ở nước này, bị đóng hôm 5/6 và mở lại vào ngày 6/6 với giao diện mới, chỉ thể hiện số ca nhiễm, trường hợp tử vong và hồi phục trong 24 giờ qua. Toàn bộ số liệu Covid-19 thời gian qua, ở từng bang và thành phố đều không còn. Tổng số ca nhiễm và ca tử vong ở nước này cũng không hiển thị. Các nhà phê bình đang cáo buộc Tổng thống Jair Bolsonaro thao túng các số liệu dịch bệnh.

Bất chấp tình hình nghiêm trọng, chính quyền Rio de Janeiro đã khởi động quá trình nới lỏng hạn chế từ ngày 2/6, bắt đầu với tái mở cửa những địa điểm tôn giáo và khu thể thao dưới nước.

Mỹ Latinh là tâm dịch toàn cầu mới. WHO cảnh báo về tình trạng quá tải đối với hệ thống y tế tại Peru, Chile và Mexico. Mặc dù Thứ trưởng Y tế Hugo Lopez-Gatell ngày 9/6 cho biết Mexico chưa qua đỉnh dịch, Mexico vẫn khởi động lại nền kinh tế sau hơn hai tháng đình trệ, cho phép các ngành công nghiệp ôtô, khai thác mỏ và xây dựng hoạt động trở lại.

Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 171 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người chết lên 6.142. Số ca nhiễm tăng thêm 8.595, lên 485.253. Nước này bắt đầu nới dần phong tỏa từ ngày 12/5 và các địa phương được phép áp dụng cách chống dịch khác nhau.

Mặc dù Moskva vẫn ghi nhận 1.000 ca mới mỗi ngày, 13 triệu dân thủ đô từ ngày 9/6 được phép tự do ra ngoài và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Hầu hết các nước châu Âu đã qua đỉnh dịch. Tây Ban Nha ghi nhận thêm 249 ca nhiễm, nâng tổng số lên 289.046, trong khi số ca tử vong vẫn là 27.136, không tăng ca mới. Nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế từ hôm 25/5, nhưng tình trạng khẩn cấp vẫn được duy trì ít nhất tới 21/6. Bộ trưởng Y tế Salvador Illa cho biết người Tây Ban Nha vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang nếu không thể giữ khoảng cách 1,5 m với nhau, cả trong nhà và ngoài trời.

Anh báo cáo thêm 1.741 ca nhiễm và 286 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 289.140 và 40.883. Một số trường học đã mở cửa, chợ ngoài trời và phương tiện giao thông công cộng được hoạt động trở lại nhưng nhà hàng và quán bar vẫn phải đóng cửa.

Italy ghi nhận thêm 283 ca nhiễm và 79 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 235.561 và 34.043. Italy đã mở lại toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar, phương tiện công cộng và cho phép người dân tự do di chuyển khắp đất nước. Tuy nhiên, trường học vẫn đóng cửa.

Đức báo cáo thêm 311 ca nhiễm và 48 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 186.516 và 8.831. Nước này sẽ duy trì các biện pháp cách biệt cộng đồng đến ngày 29/6, trong khi cảnh báo công dân không đến các nước EU sẽ được gỡ từ ngày 15/6.

Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.095 ca nhiễm, nâng tổng số lên 175.927, trong đó 8.425 người chết, tăng 74 trường hợp so với hôm qua.

Hoạt động gần như đã trở lại bình thường ở hầu hết 31 tỉnh của đất nước song chính phủ Iran lo ngại về tình trạng người dân phớt lờ các biện pháp cách biệt cộng đồng. Bộ Y tế Iran hôm 8/6 kêu gọi người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng.

Arab Saudi ghi nhận thêm 3.288 ca nhiễm và 37 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 108.571 và 783. Chính phủ Arab Saudi cho biết sẽ chấm dứt lệnh giới nghiêm toàn quốc vì nCoV từ ngày 21/6, trừ thành phố Mecca, sau hơn hai tháng kiểm soát nghiêm ngặt. Các tín đồ được phép tới cầu nguyện tại tất cả nhà thờ ngoài Mecca từ ngày 31/5.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo thêm 528 ca nhiễm và 2 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 39.904 và 281. Các biện pháp hạn chế tại nước này cũng đã được nới lỏng, cho phép cửa hàng bán lẻ, phòng gym, rạp chiếu phim và nhiều địa điểm giải trí khác hoạt động trở lại, nhưng vẫn cần tuân thủ các quy tắc cách biệt cộng đồng. Trường học vẫn đóng cửa.

Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 276.146 ca nhiễm và 7.750 ca tử vong, tăng lần lượt 10.218 và 277. Tỷ lệ tử vong tại Ấn Độ tương đối thấp, song các chuyên gia cảnh báo đại dịch tại đây chưa đạt đỉnh. Ấn Độ đứng thứ 6 thế giới về số ca nhiễm.

Những cơ sở tôn giáo, khách sạn, nhà hàng và trung tâm thương mại nằm ngoài các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao được mở cửa từ 8/6. Các trường học sẽ nối lại hoạt động sau khi chính phủ thảo luận với chính quyền địa phương, quyết định dự kiến được đưa ra vào tháng 7.

Tại Đông Nam Á, Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 38.514 ca nhiễm, tăng 218, trong đó 25 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. Singapore cho phép phương tiện công cộng, một số trường và một số cửa hàng như tiệm bán đồ dùng học sinh mở lại. Nhà hàng và quán bar vẫn không được tiếp khách, họ chỉ phục vụ bán mang về hoặc giao hàng tận nơi. 

Indonesia xếp thứ hai với 33.076 ca nhiễm và 1.923 người chết, tăng lần lượt 1.043 và 40. Trung tâm thương mại mở lại từ 5/6, nhà hàng và quán bar vẫn dừng hoạt động, trường học đóng cửa cho đến 13/7. 

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timorlà các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do Covid-19 nào.

New Zealand và Cuba tuyên bố đã kiểm soát được dịch bệnh. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern dự kiến sẽ tuyên bố dỡ bỏ mọi hạn chế trong nội địa vào 11/6 trong khi lệnh kiểm soát biên giới nghiêm ngặt vẫn giữ nguyên. Cuba dự kiến thông báo chiến lược dỡ phong tỏa tuần tới.

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương