5G sẽ thay đổi tất cả, Việt Nam phải làm gì để bước vào cuộc chơi mới?

Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào - ông Denis Brunetti, tin rằng Việt Nam đang sở hữu nhiều yếu tố cần để phát triển khoa học công nghệ nói chung và 5G nói riêng.

Tại diễn đàn Tech Summit 2020 với chủ đề "Khám phá kho báu Midas” do Forbes Việt Nam vừa tổ chức, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam , Myanmar, Campuchia và Lào - ông Denis Brunetti, khẳng định công nghệ 5G với ưu điểm vượt trội sẽ làm thay đổi tất cả. 

Trái với quan điểm công nghệ càng phát triển, nhiều công việc do con người thực hiện sẽ bị thay thế và khai tử, chuyên gia cho rằng thực tế 5G sẽ thay đổi, làm sản sinh ra nhiều công việc hơn và Việt Nam sẽ tận dụng tốt làn sóng này để “hoá rồng”.

Công nghệ 5G sẽ thay đổi tất cả 

Ông Denis Brunetti là chuyên gia công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) toàn cầu, với khoảng 30 năm kinh nghiệm trong ngành. Trước khi được bổ nhiệm vị trí điều hành tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, ông từng nắm giữ nhiều vị trí quản lí quan trọng của Ericsson tại Úc, Hồng Kông, Thụy Điển, Việt Nam và Sri Lanka.

Ông Denis Brunetti khẳng định 5G với ưu điểm vượt trội sẽ làm thay đổi tất cả. Ảnh: Forbes Việt Nam.
Ông Denis Brunetti khẳng định 5G với ưu điểm vượt trội sẽ làm thay đổi tất cả. Ảnh: Forbes Việt Nam.

Ông cho rằng nếu 3G vẫn còn hạn chế, 4G gia tăng tỷ lệ sử dụng nhưng đòi hỏi băng thông rộng thì với 5G, tất cả ngành nghề sẽ thay đổi. 

“Các ngành sản xuất, nông nghiệp, thậm chí y tế sẽ thay da đổi thịt với sự xuất hiện của các robot và hệ thống 5G truyền tải thông tin. Nhờ công nghệ 5G, chúng ta có thể xoá bỏ độ trễ trong truyền tải dữ liệu thông tin”, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào nhận định.

Theo ông, các robot này có thể điều khiển từ xa trong nhà máy, từ đó cải thiện mạnh mẽ năng suất lao động. Trong lĩnh vực nông nghiệp, trước đây, nông dân đảm nhận nhưng tương lai có thể thay thế bằng các cỗ máy. Thậm chí, trong y tế, các chuyên gia, bác sĩ tại Bình Dương cũng sẽ có thể thực hiện giải phẫu cho một bệnh nhân nằm tại Hà Nội.

Tuy vậy, ông Denis Brunetti cho rằng điều này không đồng nghĩa máy móc và công nghệ sẽ thay thế con người. Ngược lại, những ngành công nghiệp mới sẽ xuất hiện, kéo theo đó là sự xuất hiện của những ngành nghề mới. 

Để củng cố quan điểm này, chuyên gia cho biết từ lúc 4G xuất hiện thì thời đại đầu tư, thời đại đổi mới sáng tạo cũng đến, hàng loạt ngành nghề mới ra đời. Ông tin mọi người sẽ có cơ hội hiện thực hoá ý tưởng nhờ công nghệ để tạo ra nhiều việc làm hơn cho xã hội.

“Những ngành nghề mới sản sinh từ những ngành công nghiệp mới sẽ đóng góp nhiều hơn nữa, chứ không chỉ bù đắp cho những công việc bị biến mất trong lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp”, ông Denis Brunetti nói.

2045, Việt Nam sẽ thành một nước phát triển

Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào tin rằng Việt Nam đang sở hữu nhiều yếu tố cần để phát triển khoa học công nghệ nói chung và 5G nói riêng, trong đó bao gồm nền kinh tế và chính trị ổn định. 

Ông cho biết 30 năm trước, Việt Nam từng có tỷ lệ người nghèo cao, GPD tăng trưởng thấp, thu nhập thấp, nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp và hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn chưa phát triển thì hiện nay nền kinh tế đã thay đổi rất nhiều.

“Sau vài thập niên, tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam xấp xỉ 6%, tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển và cơ hội kinh doanh tại Việt Nam ngày càng rộng mở”, ông nói.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia ký nhiều hiệp định tự do thương mại nhất thế giới, mới nhất là Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 8 tới. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã vươn lên top 3 trong 6 nước lớn nhất ASEAN. 

Chuyên gia cho rằng gần đây nhất, việc kiểm soát được COVID-19 trong cộng đồng đã giúp chính phủ và người dân Việt Nam minh chứng sự đồng lòng trong thời gian khó khăn. 

Những yếu tố trên, cộng với mức độ phủ sóng điện thoại và mạng viễn thông ngày một cao, chính là phần nền để các công nghệ đổi mới sáng tạo, bao gồm cả 5G phát triển. 

Ông Denis Brunetti cập nhật thêm vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam vẫn đang rất ổn định giai đoạn qua. Hay với Ericsson, ông nói, khi đầu tư vào bất cứ quốc gia nào thì tập đoàn cũng nhìn vào hệ thống cơ sở hạ tầng. Một nơi sở hữu thành phố thông minh với mạng lưới băng thông rộng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn.

Theo chuyên gia, bài toán đặt ra là Việt Nam cần phải tập trung vào phát triển khoa học, giáo dục và dạy nghề để chuẩn bị tốt nhất cho lực lượng lao động trong tương lai.

“Chúng tôi tin vào viễn cảnh năm 2045, Việt Nam trở thành một nền kinh tế phát triển. Ericsson đang bắt tay cùng những doanh nghiệp viễn thông hàng đầu quốc gia để hiện thực hoá tầm nhìn này,” ông Brunetti khẳng định. 

NGUYÊN PHƯƠNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương