AI đã và đang thay đổi ngành thương mại điện tử như thế nào?

Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay nổi lên như một “trợ thủ đắc lực”, giúp doanh nghiệp giảm tải công việc lặp lại, tối ưu hiệu quả kinh doanh và nâng cao sự hài lòng của khách hàng.

Quy mô thương mại điện tử tại Việt Nam vượt ngưỡng 25 tỷ USD

Trong kỷ nguyên số, thương mại điện tử (TMĐT) đang định hình lại cách người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa, dịch vụ – và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi quy mô thị trường TMĐT Việt Nam chính thức vượt mốc 25 tỷ USD, theo báo cáo của Bộ Công Thương. Đây là con số tăng trưởng 20% so với năm 2023, đồng thời vượt xa dự báo 22 tỷ USD trong báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google, Temasek và Bain & Company.

Tổng giá trị giao dịch trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2024 đạt 13,8 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2023
Tổng giá trị giao dịch trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2024 đạt 13,8 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2023

TMĐT hiện chiếm khoảng 9% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng và đóng góp hơn 60% vào nền kinh tế số quốc gia. Những con số này phản ánh sự thay đổi rõ nét trong hành vi tiêu dùng: người Việt ngày càng ưu tiên mua sắm trực tuyến nhờ sự tiện lợi, tốc độ và cá nhân hóa ngày càng cao. Sự bùng nổ của TMĐT Việt Nam không phải là điều ngẫu nhiên, mà là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố thuận lợi:

Thứ 1 Việt Nam có hơn 70% dân số sử dụng Internet, trong đó phần lớn là người trẻ thuộc thế hệ Gen Z và Millennials – nhóm người tiêu dùng thích mua sắm trực tuyến, sử dụng smartphone và các nền tảng số hằng ngày.

Thứ 2 sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng số với hoạt động mua sắm thuận tiện, giá rẻ hơn thu hút động đảo người dân mua sắm. Các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu kỷ lục, với tổng giá trị giao dịch đạt 13,8 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2023.

Thứ  3: Hạ tầng logistics và thanh toán số được cải thiện: Hệ sinh thái giao hàng nhanh, thanh toán điện tử và hỗ trợ quản lý bán hàng ngày càng hoàn thiện, giúp cả người mua và người bán vận hành hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, đằng sau bức tranh tăng trưởng rực rỡ là một “cuộc đua sinh tồn” khốc liệt. Sự cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ – từ doanh nghiệp lớn đến tiểu thương online – ngày càng gay gắt. Bài toán đặt ra không chỉ là bán được hàng, mà là làm sao để giữ chân khách hàng, tạo trải nghiệm khác biệt và vận hành hiệu quả trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Đây chính là lúc trí tuệ nhân tạo (AI) phát huy vai trò như một trợ thủ đắc lực cho các nhà bán hàng.

Cánh tay nối dài trong thời đại số

Trước đây, AI được xem là công nghệ xa vời, nhưng hiện nay, các công cụ AI đã trở nên quen thuộc và dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Từ các chatbot thông minh, hệ thống gợi ý sản phẩm cá nhân hóa, đến phân tích dữ liệu người dùng theo thời gian thực – AI đang hiện diện trong từng bước vận hành của một doanh nghiệp bán lẻ hiện đại.

Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2025
Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2025

Bà Lê Minh Trang, Quản lý cấp cao của NielsenIQ Việt Nam, chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2025: "AI có tác động lớn đến hành vi tiêu dùng số, không chỉ giúp rút ngắn khoảng cách giữa nhà bán hàng và người mua, mà còn tối ưu quá trình tìm kiếm sản phẩm và tăng khả năng ra quyết định mua sắm."

AI giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng nhanh chóng, giảm chi phí vận hành và thúc đẩy doanh số bán hàng mạnh mẽ. Đồng thời, AI mở ra khả năng phục vụ khách hàng theo cách cá nhân hóa chưa từng có.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử, cũng đồng ý với nhận định trên. Ông nhấn mạnh rằng AI hiện nay đã không còn xa lạ với các doanh nghiệp tham gia thị trường TMĐT. Với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp cung cấp giải pháp AI, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc ứng dụng AI vào kinh doanh và đạt được hiệu quả tích cực.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM)
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM)

Khác với những giai đoạn công nghệ trước đây, khi doanh nghiệp phải đầu tư lớn và đào tạo đội ngũ chuyên sâu, AI ngày nay đã trở nên phổ biến, linh hoạt và dễ dàng tích hợp, phù hợp với cả doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), thậm chí các hộ kinh doanh cá thể. AI mang lại giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp qua ba lớp hỗ trợ chính: tự động hóa các quy trình lặp lại, giúp giải phóng nhân sự khỏi những công việc thủ công như phản hồi tin nhắn, nhập đơn hàng hay kiểm kê tồn kho; ra quyết định dựa trên dữ liệu, thông qua việc phân tích hành vi, xu hướng và hiệu suất kinh doanh để nhà quản lý có thể điều chỉnh chiến lược kịp thời; và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, đảm bảo mỗi khách hàng được phục vụ một cách riêng biệt, từ đó tăng tỷ lệ chuyển đổi và mức độ hài lòng.

Tuy nhiên, một trong những hiểu lầm phổ biến là lo ngại AI sẽ thay thế con người. Thực tế, trong TMĐT, AI không phải là kẻ thay thế mà là người bạn đồng hành chiến lược, là cánh tay nối dài cho những nhà bán hàng muốn vươn xa hơn. Con người vẫn là người ra quyết định, còn AI cung cấp công cụ, dữ liệu và tốc độ để họ ra quyết định nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn.

Quỳnh Anh

WTO kéo dài lệnh cấm áp thuế thương mại điện tử sang năm 2026

WTO kéo dài lệnh cấm áp thuế thương mại điện tử sang năm 2026

Lệnh cấm của Tổ chức Thương mại Thế giới về thuế hải quan đối với truyền kỹ thuật số, trụ cột chính của sự phát triển internet trong nhiều thập kỷ, đã giành được sự hoãn lại vào phút cuối trong ngày 1/3, nhưng thỏa thuận này sẽ buộc các công ty phải đối mặt với việc hết hạn vào năm 2026.