Cách đây vài chục năm, phụ huynh không phải nghĩ nhiều đến việc chọn trường bởi trường công là lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những ngôi trường tư, trường quốc tế ngày nay khiến việc lựa chọn môi trường học trở nên đa dạng hơn. Dần dà, "chọn trường công hay trường tư" là câu hỏi khiến nhiều cha mẹ "đau đầu" mỗi mùa tuyển sinh đến!
Trường tư có nhiều ưu điểm, tuy nhiên đi kèm với đó là vấn đề khá đau đầu, đó là chi phí. Nhiều người có thu nhập cao nhưng vẫn đắn đo có nên lựa chọn trường tư cho con hay không bởi sợ không thể theo đường dài.
Một bà mẹ ở Hà Nội mới đây cũng bày tỏ nỗi trăn trở trước việc chọn trường cho con. Chị cho biết, mình hiện có 1 bé 4 tuổi và đang bầu bé thứ hai. Chị là công chức nhà nước thu nhập 7 triệu, chồng làm quản lý ngân hàng, một tháng đưa cho vợ từ 50 - 80 triệu để chi tiêu. Tuy nhiên chồng vẫn lo một vài khoản: Học phí của con, tiền điện, xăng xe.
Vợ chồng chị hiện có 1 bất động sản tại Hà Nội, khi mua giá 8 tỷ, còn nợ bố mẹ 1 tỷ và một chiếc xe ô tô bình dân. Hàng tháng gia đình sẽ tiêu hết khoảng 40 - 50 triệu, trong đó tiền cho con học là 8 triệu. Với tình hình hiện tại, chị tính lớp 1 cho con vào học trường công để đỡ áp lực kinh tế. Chồng chị lại muốn cho con học trường tư vì bảo có thể lo được nhưng bản thân chị không tin lắm vì biết tính chồng mình hay "cố".
"Em tính sau này khi bé lớn đi tiểu học thì bé nhỏ cũng có thể đi mẫu giáo, em có thể cắt được 7 triệu tiền giúp việc mỗi tháng vì em cũng rảnh và lo được việc nhà. Theo các bác em có nên cố cho con theo học trường tư như là Marie curie, Archimedes, Newton,… hay chọn trường công ạ?", người mẹ băn khoăn.
Chị cũng cho biết thêm, ông bà nội già yếu đi thì càng nhiều khoản phải chi hơn, nên theo hướng tư đường dài chắc không được. Học trường công thì "dễ thở" về học phí, cho con học thêm các lớp năng khiếu bên ngoài thoải mái hơn.
Ảnh minh họa |
Dưới bài viết, nhiều phụ huynh đưa ra các ý kiến trái chiều. Một số cho rằng, với mức thu nhập như trên, việc lo cho con học trường tư trong khoảng học phí 10 - 15 triệu như bà mẹ này ước chừng là hoàn toàn khả thi. Họ không hiểu bà mẹ này phân vân điều gì, khi chồng đưa về 50 - 80 triệu đồng/tháng và sẵn sàng lo hết chi phí học hành cho con?
Hơn nữa, hiện mức học phí của con đã là 8 triệu/tháng, mẹ có thể cắt giảm khoản thuê giúp việc 7 triệu/tháng sẽ dư sức cho con học trường tư, trong trường hợp người chồng không lo được lâu dài.
Một người gợi ý: "Nếu thu nhập như bạn là mình cho học tư. Bản thân mình thì con đã học tư rồi. Có nhiều cái mà công không thể bằng. Cố gắng cho con vào được lớp 0 (lớp tốt của trường) thì cũng không cần phải học "thêm nếm" gì đâu. Cứ làm được hết các bài trên lớp là có thể thi ra trường ngoài. Hoặc cần lắm thì năm cuối cấp cho đi ôn luyện.
Cái được là ở môi trường tư đua nhau học, sĩ số thấp, tiếng Anh được chú trọng, chứ học công xong tháng tháng vẫn 4 triệu cho học trung tâm tiếng Anh cũng không thể bằng được vì số buổi học quá ít. Sau con có nền tảng rồi cứ thế học. Con mình học tư 9 năm rồi ra công chuyên cấp 3 bình thường luôn (chứ không phải học tư là muôn đời chỉ học tư đâu). Tháng nào ở trường tư cũng có thi tháng, nếu dưới điểm trung bình là nhà trường phụ đạo miễn phí, tháng tiếp lên điểm mới thôi".
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khuyên bà mẹ này, nếu với tình hình kinh tế như vậy thì nên cho con học trường công, rồi cho con học thêm các môn khác ở ngoài. Vì nuôi con phải nuôi đường dài, trong trường hợp nhà xảy ra biến cố thì việc chuyển sang trường công cũng khó. Học trường công hay trường tư, bố mẹ đều phải xác định mục tiêu sau này là gì. Đi du học hay thi được các trường "top" trong nước.
"Theo các mẹ review thì trường tư thì sẽ chú trọng tiếng Anh và các kỹ năng mềm hơn. Nhưng quan điểm của mình thì có "học giời học biển", giáo dục gia đình là quan trọng nhất", một phụ huynh nêu ý kiến.
Chọn trường công hay trường tư?
Nói về chuyện chọn trường công hay tư, chị Lê Nghĩa (Thanh Hóa) cũng từng cân nhắc rất nhiều khi đưa ra quyết định lựa chọn ngôi trường nào phù hợp nhất với con và với hoàn cảnh kinh tế gia đình.
Ban đầu, như nhiều phụ huynh khác, chị đánh giá cao môi trường học tập ở các trường tư. Lý do vì cơ sở vật chất tốt hơn, giáo viên nhiệt tình, tận tâm hơn, sĩ số lớp ít hơn. Chưa kể chị còn được nhà trường chia sẻ rằng các con sẽ được học nhiều chương trình tân tiến, được tôn trọng, lắng nghe ý kiến... Tuy nhiên, qua tìm hiểu, bà mẹ này cho rằng, việc học ở trường tư cũng có những nhược điểm riêng. Chẳng hạn, họ có xu hướng nhẹ nhàng hóa và bao bọc các con, sức cạnh tranh không được như trường công.
Việc con học trường tư, trường quốc tế cũng chưa chắc đã đảm bảo việc con ra đời thành công hơn, đặc biệt nếu hoàn cảnh kinh tế gia đình có xáo trộn giữa chừng. Không hiếm học sinh trường công đạt được thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế hoặc về điểm SAT, TOEFL, IELTS…, giành được học bổng đi du học, về sau trở thành người thành đạt.
Vậy nên, theo chị Nghĩa, nếu có điều kiện cho con học trường tư hay quốc tế thì rất tốt, còn không học trường công cũng không sao cả. Chúng ta cần dựa trên hoàn cảnh kinh tế gia đình, khoảng cách địa lý... để lựa chọn những ngôi trường phù hợp với trẻ. Dù học ở loại trường nào thì vai trò của chính học sinh và của gia đình vẫn là yếu tố quyết định.
Chị Lê Nghĩa |
Dưới đây là những lý do được chỉ Nghĩa đưa ra.
1. Thời đại thông tin mở (trường internet)
Nhiều cha mẹ cứ mải miết đi chọn trường, chọn lớp cho con mà quên mất bây giờ là thời đại của thông tin mở. Con của chúng ta dù ở bất cứ nơi đâu, từ thành thị cho đến nông thôn hoàn toàn có thể tiếp cận với những giáo trình tiên tiến nhất trên thế giới.
Chỉ bằng một cú kích chuột, con có thể học được với bất cứ thầy cô giỏi nào của Việt Nam, của thế giới với chi phí cực kì thấp, thậm chí là miễn phí. Chỉ cần con có ý chí, tinh thần kỷ luật và kỹ năng tự học tốt thì không gì là không thể học được.
2. Sự đồng hành của cha mẹ
Học ở đâu thì học, công hay tư thì cha mẹ vẫn phải dành thời gian để đồng hành cùng con mỗi ngày. Ngày xưa dù gia đình chị Nghĩa rất nghèo, bố vất vả chạy xe, mẹ làm việc đồng áng nhưng cứ 7h tối là chị em trong nhà bắt đầu ngồi vào bàn học. Bố mẹ bận lại không được học nhiều nên chủ yếu là động viên, khích lệ con học tập. Luôn nhắc nhở con học là vì cuộc sống, tương lai sau này của bản thân. Vậy nên con cái đều cố gắng quyến tâm học thật tốt để không phụ sự hi sinh, cố gắng của bố mẹ. Chị Nghĩa rất cảm ơn bố mẹ vì đã xây dựng cho mình cùng các em những thói quen tốt từ ngày con bé, đó là lý do vì sao chị không hề đi học thêm ngày nhỏ mà vẫn học giỏi.
3. Sự nỗ lực của trẻ
Vì sao cùng học cùng một trường, cùng một thầy cô, cùng có sự quan tâm của cha mẹ nhưng có trẻ thì đạt kết quả cao, nhưng có những trẻ thì đạt kết quả rất thấp. Một trong những lý do nằm ở sự nỗ lực và cố gắng của đứa trẻ ấy. Mà muốn khơi gợi được sự nỗ lực và cố gắng ấy, cha mẹ phải theo sát, thấu hiểu và đồng hành cùng với trẻ.
Nhiều gia đình cha mẹ chưa làm được điều này, mẹ dạy con học mà quát con như hát hay, đứa trẻ vừa làm bài vừa khóc. Mẹ dạy con xong thì mặt đùng đùng sát khí, doạ nạt con, nếu không học thì phạt cấm túc một ngày, không được ra ngoài chơi. Chúng ta luôn nghĩ làm vậy là tốt cho trẻ, là rèn cho con sự kỉ luật, sự chăm chỉ học tập nhưng thực chất cách đó sẽ khiến trẻ chán trường, ác cảm với việc học. Điểm kém không quan trọng, quan trọng là khơi dậy được sự yêu thích của con với việc học, điểm số của con sẽ được cải thiện rõ nét nhờ sự yêu thích ấy theo thời gian.
4. Tư duy của cha mẹ trong việc giáo dục con
Nhiều cha mẹ nói rằng đứa trẻ học trường công giỏi mấy thì giỏi sau này vẫn thua những đứa trẻ học ở trường tư. Lý do vì những đứa trẻ học trường tư có kỹ năng xã hội tốt hơn, ăn nói khôn khéo hơn lại có gia thế nên thành ra thành công hơn hẳn. Nếu con học trường công nhưng biết cách kết nối với thầy cô, bạn bè, luôn tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường thì kỹ năng xã hội của con không kém bất cứ bạn nào học ở trường tư cả.
"Thứ chúng ta cần giúp con chính là xây dựng cho con sự yêu thích, say mê học tập, khám phá thế giới, thấu hiểu bản thân thông qua quá trình tìm tòi, khám phá và học hỏi... Để mỗi ngày trôi qua con hiểu hơn con là ai, con thích làm gì, con muốn trở thành người như thế nào, con muốn mang lại giá trị gì để phục vụ cho xã hội...
Đó mới là điều chúng ta cần hướng tới chứ không phải chuyện mải miết đi lựa chọn trường công hay là trường tư. Vì dù học trường gì đi chăng nữa nếu không có sự nỗ lực của con, sự đồng hành của cha mẹ thì con sẽ không tài nào thành công trong tương lai được", chị Nghĩa nói.
Cha mẹ thông thái dạy con ghi nhớ 5 nguyên tắc cứu mạng này: Không mất thời gian nhưng có thể "cứu" con vào những thời điểm quan trọng
Để đảm bảo trẻ có thể phản ứng nhanh, chính xác khi gặp nguy hiểm và bảo vệ tính mạng, cha mẹ cần dạy con một số nguyên tắc cơ bản.