Báo động về tình trạng bệnh tay chân miệng tại TP. HCM

Chỉ trong vòng 11 tuần đầu năm 2021, TP.HCM đã ghi nhận 2.564 ca tay chân miệng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết tháng 3 và 4 là thời điểm số ca mắc bệnh tay chân miệng thường tăng cao khi trẻ trở lại trường học sau khi nghỉ tết.

Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng mức độ nặng đang được điều trị tích cực tại bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM)
Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng mức độ nặng đang được điều trị tích cực tại bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM)

Theo thống kê của HCDC, từ đầu năm đến giữa tháng 3, TP.HCM đã ghi nhận 2.564 ca bệnh mắc tay chân miệng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020 (1.044 ca). Chỉ riêng trong tuần từ ngày 8 đến 14-3 đã có 346 ca, tăng gấp 2,2 lần so với trung bình 4 tuần trước (152 ca).

Số ca bệnh gia tăng ở mức báo động tại 21/24 quận, huyện; tập trung tại các quận 1, 4, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và thành phố Thủ Đức.

Trước tình trạnh các ca nhiễm bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh chóng, tối ngày 26-3, khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phát thông báo cảnh báo. Đồng thời, phối hợp với Sở Y tế TP. HCM xây dựng kế hoạch giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống bệnh tay chân miệng hằng tuần tại các quận huyện có số ca báo động.

HCDC yêu cầu các trường học cần tuân thủ thực hiện các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, các trường cần lưu ý theo dõi, giám sát phát hiện sớm trẻ bệnh để cách ly kịp thời thông qua hoạt động điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì nhiễm bệnh mỗi ngày.

Theo đó, nhà trường cũng cần đề nghị phụ huynh nêu rõ lý do nếu con em mình nghỉ học. Khi có con mắc bệnh phụ huynh hãy chủ động cho trẻ nghỉ học, thông báo rõ lý do trẻ nghỉ học cho nhà trường để hạn chế tình trạng lây lan của dịch bệnh.

Các Trung tâm Y tế quận huyện cũng cần tuân thủ thực hiện theo các hướng dẫn của HCDC về điều tra xử lý, giám sát bệnh tay chân miệng , tăng cường phối hợp với ngành giáo dục để giám sát phát hiện sớm các ca bệnh trong trường học, đặc biệt lưu ý các ca bệnh điều trị tại nhà. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, các Trung tâm y tế cần triển khai các biện pháp phòng chống dịch ở cả nơi sống và nơi học tập của bệnh nhân.

Theo HCDC, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, hiện chưa có vắc xin dự phòng.

Do đó, người chăm sóc và trông giữ trẻ cần giữ gìn vệ sinh cho mình và cho trẻ bằng cách: rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hằng ngày và khử khuẩn hằng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.

Phụ huynh cần lưu ý đó là theo dõi, phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng của bệnh để đưa trẻ đến cơ sở điều trị sớm, tránh xảy ra những biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Ngọc Hiền (t/h)

Ai nên đi khám hậu COVID-19?

Ai nên đi khám hậu COVID-19?

Di chứng của COVID-19 khiến nhiều F0 sau khi khỏi bệnh phải đi khám, thậm chí nhập viện cấp cứu. Vì thế việc kiểm tra sức khỏe sau nhiễm COVID-19 là cần thiết.