Bão số 3 suy yếu, mưa như trút kéo dài từ Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất lan rộng

Tối 22/7, sau gần 8 giờ hoạt động trên đất liền, bão số 3 (Wipha) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Dù vậy, hoàn lưu bão vẫn tiếp tục gây mưa lớn diện rộng, đặc biệt là tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặt ra nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất.
Bão số 3 Wipha sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới: (VNDMS)
Bão số 3 Wipha sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới: (VNDMS)

Từ 11h trưa đến 19h tối cùng ngày, bão Wipha duy trì cường độ cấp 8, giật cấp 10 khi quét qua các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình và Thanh Hóa. Đến 19h, tâm áp thấp nhiệt đới đã nằm trên đất liền khu vực Ninh Bình – Thanh Hóa, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt cấp 7 (50–61 km/h), giật cấp 9. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong vòng ba giờ tới, áp thấp nhiệt đới gần như không di chuyển.

Dù đã suy yếu, hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa lớn kéo dài tại nhiều địa phương. Từ đêm 21/7 đến chiều 22/7, lượng mưa đo được ở một số nơi lên đến mức đặc biệt lớn: Trạm Sầm Sơn (Thanh Hóa) ghi nhận 398,6mm; Như Xuân (Thanh Hóa) 374mm; Châu Nga (Nghệ An) 316,8mm; Đồng Giao (Ninh Bình) 253,8mm. Những con số này vượt ngưỡng báo động, đẩy các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An trở thành “tâm mưa” trong khu vực.

Dự báo đến sáng 23/7, mưa rất to tiếp tục duy trì ở Thanh Hóa và Nghệ An với lượng phổ biến 50–100mm, có nơi trên 200mm. Hai địa phương này đang đối diện nguy cơ cao xảy ra lũ quét tại các vùng núi, ngập lụt tại vùng trũng và sạt lở tại khu vực ven sông, sườn dốc.

Mưa lớn cũng lan rộng đến các tỉnh phía Nam Phú Thọ và Sơn La với lượng mưa từ 40–80mm, cục bộ trên 120mm. Khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh cũng ghi nhận mưa vừa, có nơi mưa to vượt 100mm.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đặc điểm đáng chú ý của bão Wipha là phần mây dông gây mưa tập trung nhiều về phía Nam. Do đó, dù tâm bão đã đi sâu vào đất liền, các tỉnh như Thanh Hóa và Nghệ An vẫn hứng chịu mưa to đến rất to, với lượng mưa có thể lên tới 300mm trong một số khu vực.

Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ và sạt lở đất trên sườn dốc ở các huyện, xã thuộc Sơn La, Phú Thọ, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Đặc biệt, những nơi từng có tiền sử thiên tai hoặc đang có đất đá ngấm nước nhiều ngày qua sẽ là điểm nóng cần theo dõi sát sao.

Bão số 3 suy yếu, mưa như trút kéo dài từ Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất lan rộng

Trong khi đó, khu vực Hà Nội và vùng Đông Bắc Bộ đã ghi nhận mưa giảm rõ rệt so với ngày 21/7. Tuy nhiên, mưa vẫn có thể xuất hiện rải rác, gián đoạn theo từng thời điểm trong ngày.

Diễn biến mưa sau bão vẫn phức tạp. Chính quyền các địa phương được khuyến cáo tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, chủ động sơ tán dân khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, và kiểm tra các điểm xung yếu để giảm thiểu thiệt hại. Các lực lượng chức năng cũng cần sẵn sàng triển khai ứng phó với các tình huống khẩn cấp do mưa lũ.

Hoàng Toàn

Hải Phòng quyết liệt ứng phó siêu bão WIPHA

Hải Phòng quyết liệt ứng phó siêu bão WIPHA

Thành phố Hải Phòng đang khẩn trương triển khai mọi biện pháp ứng phó với cơn bão số 3 năm 2025, có tên quốc tế là WIPHA, khi siêu bão này đang tiến sát bờ biển Việt Nam.