Bèn nhìn lại một năm

Nhìn lại 2022 bằng đôi mắt quan sát từng sự kiện, anh Bèn cảm nhận được cái bàng hoàng của một kẻ dường như đứng ở bờ tuyệt vọng với thế giới.

2022 đã trôi qua, và đọng lại trong ta là gì? Mỗi người sẽ lựa chọn những điểm nhấn ấn tượng với mình nhất theo cách khác nhau, bằng đánh giá khác nhau. Anh Bèn nhìn lại 2022 bằng đôi mắt mình đã từng quan sát từng sự kiện, và thực sự cảm nhận được cái bàng hoàng của một kẻ dường như đã đứng ở bờ tuyệt vọng với thế giới này.

Sẽ không ai không lựa chọn cuộc chiến ở Ukraine như một điểm nhấn lớn nhất của năm 2022 này. Đó là một cuộc xô đẩy đúng nghĩa của những người từng được xem là anh em một nhà.

Cũng như cái câu anh em kiến giả nhất phận, Nga và Ukraine giằng xé trong cái “nhất phận” riêng, trong lựa chọn riêng và trong hành động riêng. Cái cách Ukraine ngả về phương Tây, thậm chí bóp méo cả lịch sử để ngày càng đề cao chủ nghĩa bài Nga hơn là lựa chọn tự do của họ, một lựa chọn có thể bị tác động nhưng không thể nào bị can thiệp.

Bèn nhìn lại một năm

Cái cách Nga kiên định với con đường của họ cũng vậy thôi. Nước lớn luôn suy nghĩ theo cách của nước lớn, và đa phần là nghĩ về mình như một đế quốc có quyền áp đặt lên các chư hầu. Người Nga lại luôn trong tâm thế bị xa lánh bởi châu Âu, một kiểu xa lánh không hề mất dạng từ cả trăm năm về trước. Với châu Âu, Nga không thuộc về họ mà thuộc về thế giới phương Đông.

Nhưng Nga khác với các quốc gia Á Đông khác trong mắt phương Tây. Ở họ, phương Tây không thấy sự thần bí nào cả mà chỉ nhìn thấy nét hoang dã, thô ráp, thiếu tinh tế và kém văn minh hơn. Nhưng cũng trong cả trăm năm ấy, phương Tây vẫn say mê nghệ thuật Nga, tôn vinh văn chương Nga và cả e sợ sức mạnh Nga.

Trong cuộc chiến ngấm ngầm đó, Ukraine là một thực thể giằng xé và kết cục là họ trở thành chiến địa, thứ mà vĩnh viễn sẽ để lại một vết nhơ trong lịch sử của chính phủ Ukraine thời nay. Khi một chính phủ để lãnh thổ của mình bị xâu xé trong một cuộc chiến tranh hoang tàn mà vốn dĩ hoàn toàn có thể né tránh cuộc chiến ấy, đó là một chính phủ có tội với nhân dân.

Người phương Tây phản ứng lại bằng các lệnh cấm lên người Nga, và cả động vật lẫn đồ vật của Nga. Đó là một dạng phản ứng kỳ dị mà lẽ ra các xã hội văn minh không nên có. Tịch thu tài sản của người khác chỉ vì họ có gốc gác đến từ một quốc gia đang gây chiến, đó không phải là cách đúng đắn và nó cũng chẳng giúp tạo ra được thêm sức ép từ chính người Nga lên chính phủ của ông Putin.

Nga phản ứng lại bằng cách cắt nguồn cung nhiên liệu, thứ gây tác hại lâu dài lên nền kinh tế các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ của Nga. Thiếu khí đốt khiến công nghiệp đình trệ nhưng ảnh hưởng nặng nề lại là sự khắc khổ mà dân cư phải chịu đựng trong một mùa đông giá lạnh.

Tác động ấy bây giờ mới bắt đầu hiện hình, khi thời điểm năm 2023 mới bắt đầu và cái lạnh hoành hành ác liệt nhất. Châu Âu có thể vượt qua được mùa lạnh này nhưng nếu kéo dài nhiều năm, tình hình sẽ không ổn chút nào. Mỹ có thể bù đắp khí đốt cho họ nhưng không thể một sớm một chiều và cơ bản là giá cả lại ở một mức cao hơn đến bất thường. Châu Âu kiệt quệ hơn là hình ảnh có thể dễ hình dung ra nhưng dường như họ chưa quen với việc đó.

Ví dụ điển hình là cái cách chính phủ Đức mới đây cảnh cáo hãng hàng không Lufthansa. Hãng này tưởng như đã phá sản sau đợt dịch Covid-19 nhưng được chính phủ cứu trợ 9 tỷ euro để thoát thảm cảnh. Ấy vậy mà ở cuối năm 2022 này, các nhân sự điều hành cấp cao của hãng lại được nhận tiền thưởng cho năm 2021 và 2022 lên tới con số hàng triệu euro. Cách trả thưởng đó vi phạm các điều khoản cứu trợ.

Bèn nhìn lại một năm

Nhưng nó còn vi phạm một thứ cao hơn các điều khoản kia rất nhiều. Đó chính là vi phạm tính nhân văn của con người. Khi mà đa số người dân Đức đang phải thắt lưng buộc bụng do ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, của chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine, của giá tiêu dùng tăng cao… thì lại có những nhà tư bản vẫn chia thưởng với nhau trong hoàn cảnh họ không được phép làm điều đó.

Nó không khác gì vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam, một quốc gia với thể chế chính trị khác hẳn. Và điều anh Bèn rút ra là sự tha hoá của giống người trên mặt đất này là một bản năng có sẵn chứ không phải nó được hun đúc bởi thể chế chính trị, môi trường chính trị xã hội hay thuộc tính dân tộc.

Trong cái bàng hoàng về lòng tin đã mất vào một nhân loại có thể văn minh và tốt đẹp hơn, anh Bèn nghĩ về chính sách Zero Covid của Trung Quốc. Tại sao khi các quốc gia khác đã mở cửa hoàn toàn và Covid cũng không còn đáng sợ như thời điểm mới bùng phát nữa, Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách cứng rắn này? Nó có đến từ toan tính chống dịch đơn thuần hay không, hay đó là một kịch bản chính trị hoàn hảo?

Anh Bèn suy diễn âm mưu, người Trung Quốc muốn bẻ gãy chuỗi cung ứng và tạo ra một hoàn cảnh bi đát về kinh tế trên toàn cầu. Cùng lúc ấy, họ kiểm chứng lại năng lực tự cung ứng, tự túc nội địa của mình. Đó là một sự chuẩn bị cho các biến cố còn lớn hơn nữa. Điều gì sẽ xảy ra nếu chiến tranh ở Ukraine kéo dài, và Mỹ cùng châu Âu đổ dồn mọi nguồn lực cho Ukraine chỉ để hoàn thành mục tiêu đánh gục nước Nga?

Khi ấy, nếu có một biến động nào giữa Trung Quốc với Đài Loan, phương Tây cũng kiệt quệ rồi và khó có thể hỗ trợ cho đồng minh của mình ở Đông Á. Cái lợi thuộc về người Trung Quốc là cái lợi rõ rệt nhất. Tất nhiên âm mưu chì là âm mưu mà thôi nhưng cũng không ai dám gạt bỏ hoàn toàn một khả năng dù nó chỉ có 0,01% xảy ra.

Và nhắc tới Covid, anh Bèn không thể không nhắc tới hàng loạt phòng thí nghiệm sinh học được phát hiện ở Ukraine mà bộ quốc phòng Mỹ lại là nhà tài trợ. Có thể nào các dịch bệnh bùng phát từ đó mà ra hay không? Câu hỏi này, anh Bèn hỏi những “nhà yêu Mỹ” vậy?

Chỉ có bóng đá là cứu rỗi chúng ta thôi. Qatar đã tổ chức một kỳ World Cup tuyệt vời. Họ vượt qua mọi chỉ trích đầy thuyết âm mưu về nhân quyền, về việc dàn xếp kết quả bằng cái cách của con nhà đại gia. Việc đội bóng của họ thua bét nhè ở vòng bảng cho thấy họ là kẻ bày tiệc ra, mời tất cả các danh gia vọng tộc khắp nơi về mua vui cho mình. Cách chơi đó, Mỹ không dám chơi, Anh không biết chơi, Pháp không đủ khả năng chơi và Trung Quốc thì không bao giờ chơi.

Bèn nhìn lại một năm

Và điều đáng nói nhất là một tháng mùa đông diễn ra World Cup đã đủ khiến rất nhiều người quên đi chiến sự đang xảy ra, quên đi sức ép nặng nề của kinh tế suy thoái, quên đi nỗi buồn của một năm thu nhập giảm sút buộc phải thắt lưng buộc bụng. Cái quên ấy chỉ là tạm thời thôi nhưng nó cũng đủ để con người ta gắng gượng mà sống tiếp. Nó không như liều morphin chỉ để giảm cơn đau chứ không thể giúp vượt qua trọng bệnh. Nó là động lực để người ta hiểu “ừ thì dù gì, trái bóng vẫn lăn, trái đất vẫn quay và kiểu gì ta cũng sẽ sống”.

Nhưng sống thế nào mới là điều đáng nói? Có thể trở lại với những tháng năm bình an hội hè mua sắm thả phanh hay không? 2023 có nhiều điều đáng ngại như bóng mây đen vẫn còn phủ che phía trước. Tất cả đều có nguyên nhân từ các chuỗi hành động của những năm trước đó, mà 2022 là năm có tác động mạnh nhất. Và anh Bèn sực nhớ, 2022, nước Anh đưa tiễn nữ hoàng của họ và đón một tân vương, người từng là trữ vương lâu năm nhất thế giới. Quốc ca của họ đã đổi từ “God save the Queen” thành “God save the King”. Vâng, Chúa chỉ phù hộ các hoàng đế mà thôi, còn Chúa có độ trì cho nhân dân hay không thì… chỉ có Chúa mới biết.

Thế nhé, bèn cố gắng để tự có một năm 2023 đủ tốt nhé mọi người.

Anh Bèn

Mãn nhãn với lễ khai mạc World Cup 2022 tại Qatar

Mãn nhãn với lễ khai mạc World Cup 2022 tại Qatar

Giải vô địch bóng đá thế giới đầu tiên được tổ chức ở Trung Đông đã khởi động bằng buổi lễ khai mạc hoành tráng bên trong Sân vận động Al Bayt, một sân vận động được thiết kế giống như chiếc lều truyền thống của người Bedouin.

Đọc nhiều nhất