Một ngày, sau khi đi học về, Leo (5,5 tuổi), con trai chị Trương Dư Ngọc Trâm (TP.HCM) kể cho mẹ nghe chuyện mình bị bắt nạt. Theo lời cậu bé, khi con đang nằm sấp thì một anh lớp lớn đến và đạp chân lên lưng con, sau đó còn doạ dùng ghế đập vào đầu cho "chấn thương não".
Thay vì hốt hoảng, bà mẹ bình tĩnh chăm chú nghe con kể và tỏ vẻ bất ngờ: "Vậy hả, ghê vậy con, mà sao tự nhiên anh đòi đánh con vậy?". Cậu bé trả lời rằng mình không biết nguyên nhân. Sau khi được mẹ hỏi diễn biến tiếp theo, Leo kể: "Lúc anh tới đạp lên lưng con, con ngước qua nhìn anh vậy nè (Leo mô tả vẻ mặt ngước lên cũng cong cớn lắm), con hỏi: "Ủa anh làm gì vậy?", rồi anh đòi lấy ghế đánh con. Con làm vậy nè (Leo diễn tả nhún vai, giơ 2 tay ra 2 bên, miệng hơi trề, kiểu như không sợ nhưng cũng không chấp)".
Khi mẹ hỏi, con không sợ anh đánh thật hay sao, cậu bé tự tin khẳng định: "Không sợ, có cô đứng bên kia mà, anh đánh con cho cô xử lý anh luôn".
Chị Trâm lại tiếp tục hỏi "cắc cớ: "Rồi mẹ ví dụ lỡ anh đợi con vào toilet không có cô ở đó anh chặn đường đánh con con sẽ làm gì?" - "Con đi toilet xong sẽ chạy ra méc cô" - Con có đánh lại anh không? - "Không, anh lớn lắm sao con đánh lại".
Bà mẹ tiếp lời: "Hay vậy ta, biết lượng sức mình rồi đó hả. Rồi mẹ ví dụ sau này con lên lớp 1, học chung trường với rất nhiều anh lớn hơn con, các anh cứ chặn đường bắt nạt đòi đánh con, con sẽ làm gì?" - Leo tự tin: "Con sẽ học võ để tự vệ, mẹ nói con lớn xíu cho con đi học võ mà".
- Ừ mà lỡ chưa kịp học võ kìa, nếu có người đánh con thì con phải tìm cách chạy tới nơi có người lớn và nhờ giúp đỡ nhé, nếu bị đánh thì chống trả tìm đường chạy chứ không được đứng đó ráng đánh lại. Mà nếu sau đó mấy anh đó không cho nói với ba mẹ, anh hù là "nếu về kể ba mẹ sẽ đánh nhiều hơn" thì con sẽ làm sao, nghe lời luôn không?
- Dạ không!
- Ừa đúng rồi, phải kể ba mẹ nghe để ba mẹ giúp đỡ con, ba mẹ của mình mà không tin đi tin lời người khác đúng không con? Mấy người hay bắt nạt người khác thường nói vậy để hù con thôi, cho con không dám kể với ai thì họ bắt nạt được nhiều hơn.
Leo năm nay 5,5 tuổi. |
Khi con bị bắt nạt: Đừng dạy con đánh lại
Chị Trâm khẳng định, mình không dạy con nhẫn nhịn và không nghĩ mách cô là một cách xử lý hiệu quả (bởi đây chỉ là một cách để con giải tỏa uất ức ngay lúc đó). Chị hướng dẫn con đánh giá tình hình và tự đưa ra hướng xử lý tùy vào hoàn cảnh.
Thường Leo sẽ giải quyết như sau:
- Nếu bạn chỉ đánh nhẹ, không ảnh hưởng hay không gây cho bản thân cảm giác tức giận thì Leo sẽ dọa mách cô, mạnh giọng mắng lại "sao bạn đánh mình" rồi mặc kệ bạn, đi chỗ khác không chơi với bạn nữa. Có những lúc đang chơi chung nhau mà bạn đánh một cái nhưng cảm thấy không vấn đề gì con cũng mặc kệ chơi tiếp.
- Nếu bạn quá đáng không chấp nhận được và cảm thấy bạn với mình cân sức, bạn cũng không phải kiểu "hổ báo cáo chồn" gây khiếp sợ thì con đánh lại và về kể với mẹ là "bạn đánh con thì con phải đánh lại để bảo vệ cơ thể mình chứ".
- Nếu bạn bự con hoặc anh chị lớn, cảm thấy tình hình không đánh lại nổi thì sẽ tỏ vẻ bất cần, không tỏ ra sợ sệt nhưng cũng không dám lớn giọng phản đối. Nếu nhắm không đánh lại mà có ba mẹ ở đó nữa thì im im chạy đi mách, dẫn ba mẹ tới nói chuyện. Nếu bạn hay có xu hướng bạo lực thì không chơi chung.
Theo chị Trâm, dạy con đánh lại có 2 vấn đề rất nguy hiểm:
1. Đối với những bé thuần tính, yêu cầu con đánh lại cũng là một dạng áp lực với trẻ. Áp lực sẽ trở thành động lực nếu áp lực không vượt xa so với nội lực bên trong của trẻ nhưng nếu mẹ liên tục thúc ép con phản ứng theo hướng mẹ yêu cầu thì áp lực đó sẽ khiến trẻ ngày càng co rúm lại, dần dần không còn dám kể mẹ nghe những việc đã xảy ra với mình, vì sợ mẹ lại yêu cầu và thúc ép con làm những việc con cảm thấy bản thân không thể làm.
2. Nếu trẻ đồng ý làm theo lời mẹ dạy là đánh lại bạn, đến một ngày trẻ gặp bạn khỏe hơn, anh chị lớn hơn và bị đánh lại mạnh hơn, trẻ sẽ cảm thấy hoảng loạn và mất phương hướng, trẻ không còn tin vào điều mà trước giờ bản thân luôn tin là đúng.
Nếu bản tính trẻ cá tính, mạnh mẽ thì không sao, nhưng nếu bản tính trẻ nhẹ nhàng và thuần tính, lúc này trẻ sẽ có xu hướng thu mình lại và sợ sệt khi tiếp xúc với người lạ, cản trở khả năng hòa nhập sau này.
Chính người lớn mình ra đường đâu phải lúc nào bị đánh cũng dám đánh lại, gặp côn đồ thì chỉ có "dạ dạ em xin lỗi" để chuồn đi cho xong chuyện. Người EQ tốt là người phải hiểu mình và hiểu người để sống cho hòa hợp chứ không phải ai đánh mình là mình cũng phải đánh lại.
Vậy nếu con bị bắt nạt, chúng ta nên dạy con làm gì?
1. Đối với bé dưới 3 tuổi, người có trách nhiệm chính bảo vệ sự an toàn của trẻ là ba mẹ chứ không phải bản thân trẻ. Chị Trâm cho Leo đi học lúc hơn 3 tuổi, giai đoạn dưới 3 khi con chơi cùng bạn hay làm gì hầu như đều có mẹ ở gần hoặc ít nhất ngồi từ xa quan sát và can thiệp kịp lúc.
"Mình dạy khi có bạn đánh con, làm con khó chịu thì con đẩy bạn ra và đi tìm mẹ giúp, sau đó mình thường nói chuyện với con về hành vi đánh người khác, chẳng hạn: "Bạn đó kì quá chơi chung nhau mà tự nhiên đánh người khác, con thấy làm vậy có đúng không, đáng lẽ ra bạn nên làm gì? Bạn làm vậy con có thấy khó chịu không, con có muốn chơi với bạn hay đánh người khác vậy không?".
Giai đoạn này mình muốn giúp con tạo được quan điểm rõ ràng, từ chối chấp nhận hành vi không tốt mà người khác đối xử với bản thân, không đánh lại nhưng quyết liệt phản đối không chấp nhận chịu trận. Với những bé đi học sớm thì vấn đề này nan giải hơn nhiều, phụ thuộc vào hoàn cảnh và hướng giải quyết giữa mẹ và giáo viên", chị Trâm nói.
Chị Trâm không dạy con đánh lại nhưng cũng không áp đặt cách phán ứng của con |
2. Đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên chính là lúc thích hợp để chúng ta bắt đầu dạy trẻ về cách phản ứng để bảo vệ bản thân nhưng vẫn hòa hợp được với thế giới bên ngoài.
Chị Trâm thường hỏi: "Con cảm thấy thế nào khi bạn làm vậy?", thay vì: "Bạn làm A thì con cần làm B". Người lớn thường có suy nghĩ sai lầm rằng trẻ còn nhỏ lắm làm sao biết phải làm gì, khi thấy con bị ức hiếp ba mẹ thường dùng cảm giác của mình để đánh giá vấn đề và hướng dẫn trẻ cách giải quyết. Điều này sẽ vướng phải một trở ngại là trẻ bị áp đặt cảm xúc của ba mẹ và hành động của trẻ không khớp với cảm xúc thật sự của trẻ.
Con cần tự đặt câu hỏi cho chính mình, đâu là giới hạn khiến bản thân cảm thấy không chấp nhận được, sau đó con cần suy nghĩ hướng giải quyết dựa trên thảo luận và gợi ý của ba mẹ (nếu bé cần).
Chị Trâm không dạy con đánh lại nhưng cũng không áp đặt cách phán ứng của con. Rất nhiều lần bị bạn đánh thì Leo đánh lại và tự nói rằng: "Bạn đánh con thì con phải đánh lại để bảo vệ cơ thể mình chứ". Đó là suy nghĩ tự Leo bộc phát và dựa trên sự cân nhắc và đánh giá của bản thân con, con tự cảm nhận được khi nào nên làm gì.
Mục tiêu lớn nhất của ba mẹ là giúp con hiểu được giới hạn của bản thân và biết cách hòa hợp với môi trường xung quanh, như thế mới giúp nội lực bên trong con ngày càng vững chãi. Hành trình của con rất dài, càng lớn các mối quan hệ xung quanh càng phức tạp không đơn giản như tuổi mầm non hay tiểu học toàn chuyện trẻ con đánh qua đánh lại vài cái. Khi mối quan hệ xung quanh phức tạp hơn, nếu trong đầu con chỉ nghĩ đơn giản rằng ai đánh mình thì mình đánh lại thì quá nguy hiểm.
"Leo từng chia sẻ 2 cách con thường làm quen bạn mới khi chưa biết gì về nhau, bao gồm: 1. Bạn làm gì mình tới làm theo, bạn chơi gì mình đi tới chơi cùng. 2. Bạn đang chơi mình đến nói chuyện với bạn. Từ khi đi học Leo đổi khá nhiều trường, nhưng ở đâu con cũng có bạn thân và hòa nhập tốt.
Mình dạy con cách xây dựng mối quan hệ và quan tâm vào chính bản thân con cảm thấy thế nào mới là quan trọng nhất. Vì những đứa hay đi bắt nạt người khác cũng nhìn mặt lựa người, mặt con mình không dễ ăn hiếp, năng động, nhiều bạn bè không lủi thủi một mình, năng lượng dồi dào, tự tin thì xác suất bị bắt nạt sẽ giảm đi rất nhiều.
Quan trọng là: Không đánh con để con cảm thấy việc làm sai hoặc làm người khác không hài lòng sẽ bị đánh là chuyện hiển nhiên; Thường xuyên trao đổi thảo luận cùng về hành vi của bản thân và những người con tiếp xúc, tạo cho con quan điểm góc nhìn riêng con sẽ không dễ dàng chấp nhận việc bị người khác bắt nạt", bà mẹ chia sẻ.
Đoạn đối đáp vỏn vẹn vài dòng về chuyện mua giày của Hồ Ngọc Hà và con gái Lisa khiến ai nấy thốt lên: Dạy con sao đỉnh quá!
Câu trả lời của con gái Lisa cũng khiến mẹ Hà "choáng váng".