Bí quyết sống sót sau 7 ngày rơi xuống vực của người phụ nữ ở núi Yên Tử

Sau khi được đội cứu hộ đưa lên, bà Liên vẫn trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo. Theo bà Liên, bí quyết để sống sót phụ thuộc vào ý chí.

Sự việc bà Nguyễn Thị Bích Liên, 59 tuổi, trú tại Khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) sống sót sau 7 ngày bị rơi xuống vực sâu ở núi Yên Tử (Quảng Ninh) nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua. 

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử, cho biết thông tin này hoàn toàn có thật. Việc bà sống sót qua 7 ngày dưới vực sâu trước khi được đội cứu hộ của Ban giải cứu cũng là thật 100%.

Bà Liên sau khi được đội cứu hộ về trụ sở Ban Quản lý di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử.
Bà Liên sau khi được đội cứu hộ về trụ sở Ban Quản lý di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử.

Sau khi được đội cứu hộ đưa lên, bà Liên vẫn trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo. Bà còn nhớ từng chi tiết nhỏ trong 7 ngày vừa qua và sắp xếp từng sự việc về thời gian xảy ra. 

Chia sẻ với Tiền Phong, bà Liên cho biết ngày 27/4, bà bắt xe từ Hà Nội tới TP Hạ Long (Quảng Ninh) để lấy thuốc trị bệnh đau khớp. Tuy nhiên, khi đến ngã ba Dốc Đỏ (QL18), bà lại muốn đi chùa Yên Tử để cầu an.

Sau khi mua vé cáp treo và vé thắng cảnh, bà Liên bắt đầu hành trình lên núi Yên Tử. Sau khi lễ Phật tại chùa Đồng, bà xuống núi được vài chục mét. Lúc này bà thấy trong người mệt mỏi nên dựa vào lan can cạnh bờ vực để nghỉ ngơi. Khi đứng dậy, bà bị chóng mặt và ngã xuống vực, bà cố gắng kêu cứu và bám vào cây nhưng không ai nghe thấy. 

Sau đó bà bị ngất, đến khi tỉnh dậy thì trời đã nhá nhem tối. Bà tiếp tục đứng dậy kêu cứu nhưng vô tình dẫm vào túi rác và bị ngã lần nữa. Trong lúc cố gắng để trèo lên bà lại dẫm phải cành cây khô và tiếp tục ngã xuống sâu hơn. 

Thân thể bà Liên đầy vết trầy xước và côn trùng cắn. Ảnh: Tiền Phong
Thân thể bà Liên đầy vết trầy xước và côn trùng cắn. Ảnh: Tiền Phong

Lần bị trượt chân thứ 3 bà nghĩ mình chắc chết rồi nhưng lại rơi vào đúng bãi rác to, nên cơ thể không bị va chạm mạnh. Nhưng khi nhìn xuống dưới là bờ vực sâu hun hút. Nếu rơi 1 lần nữa thì chắc hết hi vọng sống sót.

Sau lần bị rơi thứ ba, bà Liên thấy một phiến đá khá rộng, có thể nằm được nên đã bám vào cây tre, cây trúc leo sang để quan sát và kêu cứu. Bà cũng cho biết thời điểm rơi xuống là lúc trời có sương mù và mưa nên không ai phát hiện ra. Bà có mang theo túi đeo người có điện thoại nhưng đã bị rơi trong quá trình ngã. 

Do mưa lớn nên quần áo, giày của bà bị ướt sũng. May mắn cạnh phiến đá có một bụi tre trúc nên bà tìm dây để kéo tán cây xuống trước mặt, tạo thành cái ô che phía trên. Bà bò ra vách đá nhặt bốn chiếc áo mưa tiện lợi còn mắc trên cây để mặc vào người cho ấm. Bà quấn chặt đầu để khỏi bị ướt và cho chân vào hốc đá cho đỡ lạnh. Ngày tiếp theo, khi trời sáng hơn, bà nhìn thấy chiếc túi của mình rơi cạnh nhưng trong túi không còn điện thoại, chỉ còn mấy chiếc bánh gạo và một mẩu cơm cháy và nửa chai nước. 

Bà quyết định chia nhỏ khẩu phần ăn ra từng bữa, mỗi bữa chỉ một miếng bánh gạo hoặc cơm cháy bằng 2 đốt ngón tay. Khi khát uống một ngụm nước. 

Bà cố gắng tạo ra lửa bằng cách dùng kính lão phản chiếu ánh mặt trời vào lá khô, nhưng vì trời ẩm ướt nên lá cây không thể cháy. 

Bà cho biết dưới vực là bãi rác có những chai nước của du khách ném xuống hoặc bị rơi lại, nên bà đã cố gom lại để uống. Rồi may mắn nhặt được một chai chanh muối có hạn từ năm 2019 nên uống được hơn một ngày. Ngoài ra, sau khi hết bánh gạo thì bà hái lá và cả rễ cây dương xỉ, củ lạc tiên và cả cây ngải cứu rừng để ăn.

Sau đó, bà tìm thấy một chiếc ấm nước bằng kim loại. Bà dùng que củi để ngay cạnh người, lúc nào nghe tiếng người thì gõ ra âm thanh để mọi người chú ý.

"Trước đó, chồng tôi và tôi cũng hay đi chơi một vài ngày mà không báo nên tôi chủ quan, nghĩ đi 1-2 ngày rồi về chứ không ngờ mọi chuyện lại như vậy" - bà Liên nói.

Bà Liên khẳng định bản thân không hề bịa đặt ra câu chuyện bởi vé cáp treo vẫn còn và ban quản lý tra lại đúng ngày 27-4. "Bản thân không phải người khổ tu, hành thiền, không có một lý do gì để tôi bịa ra chuyện này. Tôi kể ra câu chuyện sinh tồn ở dưới vực sâu trong 7 ngày để những ai có vào hoàn cảnh như tôi thì sẽ có ý thức sinh tồn" - bà Liên nói.

Ông Hoàng Phúc Khánh (65 tuổi), chồng bà Liên, cho biết trước khi gặp nạn vợ ông vẫn thường đi vài ngày. Từ sáng 24-4, bà Liên đi xe máy màu vàng ra khỏi nhà và từ đó không thấy về, điện thoại không liên lạc được. Hai ngày sau, ông Khánh viết đơn trình báo gửi công an và ban quản lý tòa nhà nơi cư trú, đồng thời thông báo tìm kiếm khắp nơi. Đến 10 giờ sáng 3-5, ông nhận được điện thoại bà Liên đã gặp nạn ở Yên Tử và may mắn được cứu thoát.

Theo bà Liên, bí quyết để sống sót trong những trường hợp như trên phụ thuộc vào ý chí của nạn nhân. Càng kiên cường thì càng có thêm động lực để sống và động lực sống của bà chính là gia đình. Trong tâm niệm của bà lúc nào cũng muốn gặp được gia đình dù chỉ là một lần trước khi chết.

Thanh Mai