Bỗng thèm cái “mùa xuân đi ngược lại” năm xưa...

Bỗng thèm cái “mùa xuân đi ngược lại” năm xưa, cái mùa những gánh cà chua, su hào, cải bắp và những bu gà trên con đường ra ngoại ô năm nào!

Ngày xưa ông Tế Hanh thốt lên: “Tôi từ nội thành ra ngoại thành gặp gỡ mùa xuân đi ngược lại. Trong một tiếng chim kêu rất thanh. Con trống đang đi tìm con mái” là hình ảnh một thời, những ngày trước Tết, sát Tết, thời của xe đạp, xe thồ, những người gồng gánh từ ngoại ô, họ chuyên chở cả một mùa xuân vào Hà Nội. Là những cành đào mơn mởn, những sọt cà chua đỏ lựng, những gánh rau xanh ngát, và những bu gà… Mùa xuân ấy là buổi sớm mai, hay một chiều cuối năm se lạnh, mờ mờ mưa bụi giăng trên các nẻo đường xuôi ngược, mùa xuân chộn rộn, hối hả trôi. Những gói quà Tết đỏ rực từ thành phố đi ra, gặp mầu xanh của lá, của rau quả đi vào... Là một thời xa lắc. Tết đi xe đạp, Tết chèn trên những chuyến xe tải, xe hàng, xe bộ đội...

Bây giờ, Tết đi tầu bay! Nên hay gặp mùa xuân đi cùng chiều, lúc xuân sớm, khi xuân muộn, thì cũng luôn “cùng chiều”. Gặp nhau trong cái liếc mắt ngược chiều là cái nhìn, cái cảm của khoảnh khắc. Gặp nhau trong chuyến đi cùng chiều là ánh nhìn của cuộc hành trình. Khoảnh khắc là sự thoáng qua, là chắt lọc, là cô đọng một cái gì tinh chất nhất. Nó biết bỏ qua và không chấp nhặt. Hành trình là sự quan sát, là soi mói, nhiều dự cảm và những linh tính lắm điều. Những chuyến bay Hà Nội- Sài Gòn và ngược lại những ngày giáp Tết là như thế, thường là cuộc hành trình mang dư vị như thế.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Mọi khi những chuyến bay sau Tết mới hay gặp người từ Sài Gòn ra Hà Nội ăn Tết xong trở vào tay ôm những bó violet tím, những ôm thược dược đủ sắc mầu hay bó đào răm hậu Tết, là thứ đặc sản, biểu trưng của những ngày nồm ẩm ướt tết nhất Hà Nội ôm vào Sài Gòn. Nhưng bây giờ nhiều người Sài Gòn thích ra Hà Nội ăn Tết sớm, hay những người Hà Nội muốn vào Sài Gòn tranh thủ mấy ngày cuối năm xả hơi sau một năm làm việc, nhân tiện ôm những bó hoa, cành đào Tết làm quà, thứ quà vật chất nhưng chất chứa trong nó những giá trị “phi vật thể” vô cùng quý giá, những giá trị tinh thần chứa đầy kỷ niệm cho những người sống ly hương.

Chiều nay cũng thế, những ngày cuối của đợt rét đầu tiên của mùa đông. Chưa Tết, nhưng Tết đang cùng chiều trên chuyến bay xuôi Nam. Một bó to violet tươi rói tím lịm thò ra khỏi bọc giấy báo trên tay người đàn bà áo dạ đen váy đỏ sậm mầu huyết dụ. Lúng túng quá, cái túi hàng hiệu như chực rơi xuống khỏi vai. Bó hoa to mà khoang hành lý lại nhỏ. Hoa và hàng hiệu, biết nâng niu cái nào? Ông khách ngồi sau có cái ba lô quăng quật đâu chả được, thôi thì lôi xuống vứt dưới chân, thỉnh thoảng lôi ra tờ báo, cuốn sách cũng tiện.

Người phụ nữ váy đỏ dạ đen ngồi hàng trên. Thỉnh thoảng đứng lên loay hoay với violet tím. Thế nên làm ai cũng phải nhìn. Là nhìn violet thôi, nhưng vô tình đập luôn vào mắt là cả áo dạ đen váy đỏ. Nhìn hoa thì buộc phải thấy người. Làm thế nào để nhận biết được những ánh mắt nhìn hoa, nhìn người? Ánh mắt đắm đuối nhìn hoa là ánh mắt thân thiện, ánh mắt thẳng thắn chả ngại ngần. Ánh nhìn người là ánh mắt đầy phỏng đoán và có lúc vụt ngần ngại, lảng tránh, hoặc cố nhập nhằng. Không thân thiện, chả lạnh lùng là ánh nhìn vô cảm với cả người lẫn hoa. Là ánh nhìn như bị đè nặng bởi nỗi lo toan, hay nỗi buồn đau mất mát trong những ngày tháng không bình yên trong năm?

Bỗng thoáng đâu trong khoang tầu dậy lên một mùi hương dịu nhẹ, cái mùi hương nồng nàn, mộc mạc tinh khiết cỏ cây. Thì ra từ một cái túi bên trong ken chặt bó lá mùi, cái thứ cây có những cánh hoa li ti, những tia lá sắc nhọn, cái gốc đầy rễ khô tua tủa và dậy một mùi nức nở, thơm tho, thanh sạch tẩy trần cho buổi tắm cuối năm. Ôi cái mùi gợi nhớ muôn đời muôn thuở, gợi đến quê, đến người, đến không chỉ buổi chiều ba mươi Tết mà gợi đến cả mùi khói, hơi ẩm và làn mưa mờ mờ giăng mắc. Gợi đến con đường xưa lầy lội trong làng, gợi đến sự chờ mong, đến sự hối hả vội vã và bận rộn cuối năm nhiều mùi vị. Hoa và lá mùi, sắc và hương của Tết, áo đen váy đỏ và những ánh nhìn, tâm trạng của Tết, Tết của sự vừa thoát qua một thảm cảnh, Tết của sự cầu mong, hy vọng, của đón chờ.

Bỗng thấy thèm cái “mùa xuân đi ngược lại” của năm xưa, cái mùa tất tả những gánh cà chua, su hào, cải bắp và những bu gà trên con đường ra ngoại ô năm nào! Và giờ đây là một mùa xuôi Nam ngược Bắc trên chuyến bay của thời hiện đại, của niềm vui miên man xen lẫn lo âu, mệt mỏi. Và thấy vui vui với chút “mùa xuân”, chút “Tết sớm” đang lèn trong những cái túi căng đầy hương sắc. Khoang tầu Tết có mùi nước hoa nồng nàn, có sắc áo rực rỡ chói lọi của thời trang, nhưng vẫn chen vào đấy là những sắc cây hoa lá mang hương hoa đồng nội, như cô gái quê còn sót lại cuối cùng của thời loạn lạc và cũng đầy hoan lạc này! Dù gì thì vòng đời vẫn cứ bắt đầu vào mỗi mùa xuân!

Tạ Mỹ Dương

Những người đàn bà trong phiên chợ Tết

Những người đàn bà trong phiên chợ Tết

Bà ngoại tôi chỉ làm lụng suốt ngày, lúc nghỉ ngơi là nhớ đến những chuyện buồn thương. Chỉ khi đến chợ, tôi mới thấy bà cười, bà vui như thế.