Bức ảnh "xuyên không" của 2 cha con bốc vác khiến tôi hiểu: Con cái lớn lên hiếu thảo hay không, thực ra đã có dấu hiệu từ sớm

Việc giáo dục con cái không phải là tạo ra những đứa trẻ thiên tài theo tiêu chuẩn của xã hội.

* Bài viết của Mẹ Phương Đông - một blogger chuyên viết về nuôi dạy con ở Trung Quốc.

14 năm trước, một bức ảnh của cha con người lao động ở Trùng Khánh (Trung Quốc) đã khiến rất nhiều người xúc động. Trong bức ảnh, người cha, ông Nhiệm Quang Huy, mang trên vai hơn một trăm cân hàng hóa, còn tay phải thì nắm chặt tay con trai Nhiệm Tuấn Siêu.

Cộng đồng mạng bình luận: "Trên vai ông gánh vác cuộc sống, trong tay ông nắm giữ hy vọng". 14 năm sau, nhiếp ảnh gia lại chụp một bức ảnh mới cho hai cha con ở cùng một địa điểm. Cậu con trai ngày nào được cha nắm tay giờ đây đã cao hơn cả người cha của mình.

Hiện nay, Nhiệm Tuấn Siêu, 18 tuổi, rất hiểu chuyện. Trong những bài kiểm tra ở trường, cậu thường viết nghề nghiệp của cha là "người bốc vác". Cậu nói: "Cha tôi đã nuôi tôi lớn bằng mồ hôi và sự vất vả, ông là người tôi kính trọng nhất trên thế giới".

Bức ảnh
Hiện nay, Nhiệm Tuấn Siêu, 18 tuổi, rất hiểu chuyện.
Hiện nay, Nhiệm Tuấn Siêu, 18 tuổi, rất hiểu chuyện.

Nhiều người sau khi nhìn thấy hai bức ảnh này và nghe câu chuyện đằng sau đã cảm thán: "Con cái biết ơn, đó là phúc lớn nhất của cha mẹ".

Đúng vậy, trên thế giới này, chẳng có gì khiến cha mẹ vui mừng bằng việc nuôi dạy một đứa con biết ơn và biết yêu thương người khác. Tuy nhiên, cũng có những đứa con, vừa yêu cầu cha mẹ vô hạn mà lại than vãn rằng cha mẹ chưa cho chúng đủ. Chúng chỉ quan tâm đến việc ăn chơi, không bao giờ để ý đến sự mệt mỏi hay vất vả của cha mẹ. Nhưng cũng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho con cái, vì chúng không sinh ra đã như vậy.

Thực ra, việc con cái có hiểu và cảm thông với cha mẹ hay không đã được dự báo từ lâu, ngay trong những tương tác hàng ngày giữa cha mẹ và con cái.

Nếu bạn cho phép con làm những điều này thì xin chúc mừng, sau này con sẽ rất hiếu thảo:

Con muốn giúp đỡ: Bạn cho chúng cơ hội hay chỉ yêu cầu chúng lo học là được?

Đôi khi không phải là con cái không muốn làm những việc mà chúng có thể làm, mà là cha mẹ vô tình tước đi quyền giúp đỡ của con và làm giảm động lực muốn cống hiến của con cái. Dần dần, con cái không còn muốn giúp đỡ nữa vì cha mẹ chẳng cần đến chúng.

Cha mẹ luôn lo lắng rằng con cái sẽ không làm tốt công việc, vì vậy cứ làm hết mọi thứ cho con, điều này nhìn thì có vẻ là yêu thương, nhưng thực tế lại cướp đi cơ hội trưởng thành của con cái. Chỉ khi tham gia vào công việc gia đình, con cái mới có thể cảm nhận được sự khó khăn của cha mẹ, học được lòng biết ơn và biết cống hiến.

Vì vậy, khi con cái chủ động đề nghị giúp đỡ trong việc nhà, cha mẹ nên để cho chúng thử sức, dù cho con làm chưa hoàn hảo cũng không sao. Bởi vì trong quá trình đó, sự trưởng thành và cảm nhận mà con cái nhận được quan trọng hơn rất nhiều so với kết quả.

Khi bạn mệt mỏi: Thể hiện sự yếu đuối hay cố gồng gánh?

Rất nhiều bậc phụ huynh có chung thắc mắc này: Mình đã hy sinh rất nhiều cho con cái, nhưng sao con lại không biết ơn, thậm chí còn coi sự hy sinh của mình là điều đương nhiên. Trên thực tế, nguyên nhân gây ra tình trạng này thường là do cha mẹ quá "mạnh mẽ" trước mặt con cái, họ không bao giờ để con thấy mình yếu đuối.

Mỗi ngày cha mẹ âm thầm gánh vác mọi trọng trách trong gia đình nhưng lại không bao giờ than vãn với con, không để con thấy mình mệt mỏi. Dần dần, con cái sẽ nghĩ rằng sự hy sinh của cha mẹ là điều hiển nhiên, và sẽ không hiểu được nỗi vất vả, khó khăn của cha mẹ.

Cha mẹ nên biết cách thể hiện sự yếu đuối một cách hợp lý trước mặt con cái, điều này không phải là sbất lực mà là một sự khôn ngoan trong giáo dục. Việc này sẽ giúp con cái biết đặt mình vào vị trí của cha mẹ, từ đó thấu hiểu được những khó khăn của cha mẹ.

Vì vậy, khi bạn cảm thấy mệt mỏi, đừng ngần ngại chia sẻ cảm xúc của mình với con: "Mẹ hôm nay làm việc rất mệt, con có thể giúp mẹ rót một ly nước không?" hoặc "Cha hôm nay vác rất nhiều đồ, tay cha đau lắm, con có thể giúp cha xoa bóp không?". Khi con cái cảm nhận được sự mệt mỏi và nhu cầu của bạn, chúng sẽ biết trân trọng những hy sinh của cha mẹ mình.

Những bậc phụ huynh biết cách thể hiện sự yếu đuối đúng lúc thường dễ dàng nuôi dưỡng được những đứa trẻ biết cảm thông, hiểu chuyện và yêu thương cha mẹ.

Khi con cái yêu cầu: Bạn thỏa mãn vô hạn hay dạy dỗ theo nguyên tắc?

Có câu nói: "Nuông chiều con cái như giết hại chúng". Việc cha mẹ thỏa mãn mọi yêu cầu của con cái mà không có giới hạn chỉ khiến con cái trở nên ích kỷ, không biết cảm ơn và trân trọng những gì mình có. Trong khi đó, những cha mẹ biết từ chối yêu cầu vô lý của con cái lại có thể nuôi dưỡng những đứa trẻ biết yêu thương và cảm thông.

Một đứa trẻ giỏi không chỉ cần đạt thành tích học tập tốt mà còn phải có nhân cách vững vàng và khả năng sống độc lập. Cha mẹ không thể thỏa mãn vô hạn mọi yêu cầu của con cái, vì điều này chỉ khiến con cái trở nên ích kỷ và thiếu sự cảm thông.

Vì vậy, khi con cái đưa ra yêu cầu, cha mẹ phải kiên định với nguyên tắc. Với những yêu cầu hợp lý, cha mẹ có thể đáp ứng; còn những yêu cầu không hợp lý, cần phải từ chối. 

Việc giáo dục con cái không phải là tạo ra những đứa trẻ thiên tài theo tiêu chuẩn của xã hội, mà là hướng dẫn chúng biết cảm ơn, biết yêu thương và đặc biệt là biết kính trọng và biết ơn cha mẹ.

Hiểu Đan

10 cách nuôi dạy con cái đáng ngưỡng mộ của người Pháp

10 cách nuôi dạy con cái đáng ngưỡng mộ của người Pháp

Phong cách nuôi dạy con cái của người Pháp nổi bật với sự nghiêm khắc nhưng vẫn luôn thể hiện tình yêu thương và sự tôn trọng đối với trẻ.