Các "học bá" Việt chia sẻ bí quyết vào ĐH Thanh Hoa, vào được cũng cẩn thận kẻo phải học đến khóc!

Để vào được ngôi trường top đầu Trung Quốc này là điều không hề dễ dàng.

Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) - ngôi trường được mệnh danh là "Harvard Châu Á" là niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ. Đương nhiên để vào đây không phải là điều đơn gian, đối với các sinh viên Trung Quốc thì bạn phải là "học bá" của các "học bá", đạt điểm thật cao trong kỳ thi Gaokao - kỳ thi đại học tại của đất nước tỷ dân được xem là một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất trên thế giới. Còn đối với những du học sinh, bạn phải vượt qua vô vàn các vòng tuyển chọn gắt gao, vượt qua rất nhiều "đối thủ nghìn máu" từ các quốc gia mới may ra tranh suất được vào đây.

Du học sinh Việt Nam cũng không ít người đỗ vào ngôi trường hàng đầu châu Á này. Hãy cùng khám phá xem "bí quyết" để họ đỗ vào đây, cùng những sự thật về môi trường học tập của Thanh Hoa nhé!

Đại Học Thanh Hoa là niềm mơ ước của nhiều người
Đại Học Thanh Hoa là niềm mơ ước của nhiều người

Làm thế nào để có một bộ hồ sơ ấn tượng?

Mới đây, Khánh Linh (SN 2004, cựu học sinh lớp 12 chuyên Trung, THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã xuất sắc trúng tuyển vào ngành Kinh tế của Đại học Thanh Hoa. Ít ai biết được rằng, cô bạn chỉ có vỏn vẹn 1 tháng để chuẩn bị bộ hồ sơ du học. Song, nhờ khoảng thời gian dài Khánh Linh dành ra để rèn luyện, tích lũy kiến thức, kỹ năng cho bản thân trước đó, nên khi có kế hoạch du học, nữ sinh cứ thế mà "chinh chiến".

Với bài luận, Linh khuyên mọi người nên nêu rõ lý do tại sao muốn theo đuổi ngành học cùng với đó là định hướng tương lai. Để phô hết khả năng trong một mặt giấy, bản thân Khánh Linh phải sửa lại nhiều lần, chọn câu từ xúc tích nhưng vẫn phải có sức nặng.

Cụ thể, thay vì liệt kê thành tích, Linh kể trải nghiệm khi đi thực tập tại công ty của gia đình, nêu bật những kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo và giải quyết vấn đề mà mình đã học được. Chẳng hạn, khi bố mẹ dẫn đi gặp khách hàng, Linh thường ngại ngần vì sợ ăn nói không khéo, phật lòng đối tác. Song dưới sự hướng dẫn của bố mẹ, cô bạn đã biết cách giao tiếp hiệu quả hơn... Qua những điều này, Linh chứng minh được mình say mê và có khả năng theo đuổi chuyên ngành Kinh tế.

 Linh quan niệm mọi người cần nêu rõ lý do tại sao muốn theo đuổi ngành học cùng với đó là định hướng tương lai
 Linh quan niệm mọi người cần nêu rõ lý do tại sao muốn theo đuổi ngành học cùng với đó là định hướng tương lai

Ngoài ra, bộ hồ sơ ứng tuyển vào ĐH Thanh Hoa còn yêu cầu ứng viên phải có một đoạn video dài 3 phút để giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Với câu hỏi "Chúng tôi muốn hiểu hơn về bạn", Linh đã khéo léo nói về những khó khăn khi phải cân bằng việc học với các hoạt động ngoại khóa và cách mình vượt qua để thể hiện rõ tính cách và quyết tâm theo đuổi ngôi trường top đầu này.

Sau vòng này, cô bạn được gọi vào phỏng vấn với các giáo sư. Vì đề thi được yêu cầu bảo mật, nên nữ sinh không thể tiết lộ. Nhưng theo quan điểm của mình, cô bạn thấy câu hỏi không quá khó. Linh vượt qua "cửa ải" này khá dễ dàng vì đã chuẩn bị tốt bằng cách tập luyện các tình huống từ trước, biết vận dụng kiến thức xã hội để trả lời trôi chảy bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung.

Đặc biệt, Linh cũng nhấn mạnh các ứng viên cần nêu bật lý do tại sao trường lại cần mình. Mình sẽ mang lại gì cho trường chứ không phải là mình phù hợp với trường ra sao.

Làm sao để đạt học bổng tại Thanh Hoa?

Ở một diễn biến khác, không ít bạn trẻ thắc mắc làm sao để giành học bổng tại Đại học Thanh Hoa. Thật ra mà nói, trúng tuyển vào Đại học Thanh Hoa đã khó nhưng để đạt được học bổng lại càng trở nên khó hơn bao giờ hết. Nhưng không phải là bất khả thi đâu, bạn Đỗ Phạm Ngọc Diễm (SN 2004, Hà Nội) từng giành được học bổng 50% chuyên ngành Luật tại Đại học Thanh Hoa. Được biết, cô bạn giành được suất học bổng trong năm học đầu tiên. Sau mỗi năm học, như bao sinh viên khác, nữ sinh phải giành lấy cơ hội "apply" học bổng tiếp và đề xuất mức hỗ trợ mới.

Nữ sinh chia sẻ, nếu muốn apply học bổng vào Đại học Thanh Hoa thì cần "tích trữ" cho mình kha khá giấy khen bởi tính cạnh tranh ở đây rất cao. Hãy chuẩn bị giấy khen về học thuật, thành tích tham gia các hoạt động khác. Ngoài ra, bạn nên nộp kèm chứng chỉ tiếng Anh (IELTS, TOELF) và tiếng Trung (HSK, HSKK).

Ngọc Diễm khuyên mọi người nên 
Ngọc Diễm khuyên mọi người nên "tích trữ" cho mình kha khá giấy khen trước khi ứng tuyển vào Thanh Hoa

Để vào Thanh Hoa, thí sinh phải trải qua 2 vòng. Đầu tiên là vòng nộp hồ sơ, nó được chia thành 3 đợt dành cho các đối tượng học sinh khác nhau. Hồ sơ bao gồm: 1 bản word với nội dung giới thiệu bản thân; sơ yếu lý lịch; học bạ THPT, GPA; thư giới thiệu của giáo viên; chứng chỉ HSK5 hoặc HSK6, HSKK; chứng chỉ TOEFL hoặc IELTS (SAT/ACT/A - LEVEL/AP/IB đều có thể); thông tin người đảm bảo nguồn tài chính; video giới thiệu bản thân trong vòng 3 phút. Các bạn cần cố gắng thực hiện cẩn thận, chỉn chu, nêu bật được thế mạnh của mình.

Ở vòng này, Ngọc Diễm đưa ra lời khuyên mọi người nên kiểm tra cẩn thận trên hệ thống trước khi nhấn nút nộp hồ sơ vì khi đã nộp sẽ không được sửa đổi hay bổ sung thông tin. Ngoài ra, các bạn cần cố gắng thực hiện cẩn thận, chỉn chu, nêu bật được thế mạnh của mình. Nếu hồ sơ được duyệt, các bạn sẽ bước tiếp vào vòng thứ 2 là phỏng vấn.

Vòng phỏng vấn gồm 2 phần: Viết bài và trả lời phỏng vấn với các giảng viên. Ở phần viết bài, ban tuyển sinh sẽ đưa ra đề bài bằng tiếng Trung, yêu cầu thí sinh trả lời bằng tiếng Anh. Ở phần này, Ngọc Diễm đã giới thiệu về bản thân, nêu lý do muốn học tập tại Đại học Thanh Hoa và trả lời một số câu hỏi mà đề bài đưa ra. Còn ở vòng phỏng vấn, có 3 giảng viên đặt câu hỏi nhằm kiểm tra trình độ học vấn, khả năng ngoại ngữ và một số kỹ năng của thí sinh.

Môi trường học tập tại Thanh Hoa ra sao?

Chia sẻ về độ "gắt" khi học tập tại Thanh Hoa, Thu Hà (SN 1985, Hải Phòng) - Nữ tiến sĩ Việt duy nhất tại Viện nghiên cứu học thuật của Thanh Hoa chia sẻ, khi theo học hệ đại học ở đây các bạn phải hoàn thành 160 học phần, trượt 1 môn được thi lại duy nhất 1 lần. Nếu lần thi lại đó vẫn "tạch" thì mời về nước luôn, không có nợ môn. Cả sinh viên bản địa và du học sinh đều học hành rất căng, có sinh viên đeo balo nặng trịch ngồi gốc cây trong trường khóc vì áp lực. Giờ học của đại học là 7h50 đến 12h. Thư viện 11h đêm vẫn sáng trưng và rất đông đúc. Nhiều sinh viên chỉ cắm đầu vào học và thi.

Không chỉ có áp lực học tập, mà Đại học Thanh Hoa cũng nổi tiếng với các hoạt động thể thao, hoạt động văn nghệ cực kỳ sôi nổi. Được biết, trường có riêng một toà để tổ chức các đêm diễn vào cuối tuần. Vé được phát theo từng học viện. Có gala âm nhạc còn mời cả nhóm nhạc nổi tiếng về biểu diễn.

Thu Hà - nữ tiến sĩ Việt duy nhất tại Viện nghiên cứu học thuật của Thanh Hoa 
Thu Hà - nữ tiến sĩ Việt duy nhất tại Viện nghiên cứu học thuật của Thanh Hoa 

Còn dưới góc nhìn của mình, Hà Kiara (SN 2000, Lào Cai) - du học sinh Trung Quốc, người từng có cơ hội trải nghiệm không khí ở Thanh Hoa, lại đem đến những góc nhìn cực hay ho về ngôi trường này. Hà Kiara chia sẻ khuôn viên Thanh Hoa siêu rộng, khoảng 442,14 ha, với rất nhiều cây cối, hoa cỏ. Thậm chí, trường rộng đến mức có xe buýt chạy vòng quanh để đưa mọi người đến điểm muốn tới. Còn sinh viên thường sẽ đi xe đạp hoặc xe điện vì quá rộng để đi bộ. Các tòa nhà trong trường được xây dựng với lối kiến trúc mang nét hoài cổ.

Người ta thường nói "một người có thể sống cả đời ở Thanh Hoa" bởi trong đại học này có đầy đủ cơ sở vật chất từ bệnh viện, trường học từ mầm non đến đại học. Học Thạc sĩ, Tiến sĩ xong, bạn có thể ở lại trường làm giảng viên. Khi nghỉ hưu thì bạn có thể sinh hoạt ngay Câu lạc bộ hưu trí trong trường. Chính vì vậy không khó để bắt gặp các cụ già hay em nhỏ trong khuôn viên trường Đại học Thanh Hoa.

Ngoài ra, cơm canteen ở Thanh Hoa cực ngon. Ở đây có 10 canteen khác nhau, đa dạng món ăn đến từ nhiều quốc gia khác nhau, sạch sẽ tiện lợi tha hồ để sinh viên lựa chọn.

Hà Kiara lại có cái nhìn khác về Thanh Hoa
Hà Kiara lại có cái nhìn khác về Thanh Hoa

Tổng hợp

Đông - Design: Minh Trang

Nữ sinh đại học trong kỳ án đầu độc 30 năm trước vừa qua đời: 1 thiếu sót của cha mẹ khi dạy con có thể dẫn đến bi kịch

Nữ sinh đại học trong kỳ án đầu độc 30 năm trước vừa qua đời: 1 thiếu sót của cha mẹ khi dạy con có thể dẫn đến bi kịch

Ghen tỵ là bản năng, nhưng một khi ghen tỵ phát triển thành oán giận, chúng ta sẽ trở thành con rối cho cảm xúc của mình.