Chiếc váy của Bella Hadid và sự nâng tầm của thời trang digital

Khoảnh khắc chiếc váy phun sơn của Bella Hadid tại Tuần lễ thời trang vừa qua một lần nữa cho thấy được sự mới mẻ trong xu hướng thời trang digital.

Vừa qua, trong show diễn của thương hiệu Coperni, Bella Hadid để ngực trần khi trình diễn kết màn. Các thành viên trong ê-kíp nhà thiết kế phun sơn lên người cô. Chất liệu được phun lên người Bella Hadid là fabrican, đông đặc thành vải mặc.

Chiếc váy của Bella Hadid và sự nâng tầm của thời trang digital

Khán giả dành một tràng pháo tay tán thưởng nhà mốt và Bella Hadid. Khoảnh khắc này đã lập tức tạo nên cơn sốt không chỉ với giới thời trang mà còn viral trên mạng xã hội.

Nhà thiết kế Sébastien Meyer và Arnaud Vaillant là những người đứng sau thương hiệu Coperni. Nói về nguồn cảm hứng phía sau bộ sưu tập, bộ đôi nhà thiết kế cho biết: "Gửi đến các bạn - những người phụ nữ vượt lên giới hạn về cơ thể và không bao giờ cúi đầu trước các tiêu chuẩn đạo đức".

Trong show của Alexander McQueen, khi giới thiệu bộ sưu tập Xuân 1999, nhà thiết kế để 2 robot phun sơn lên chiếc váy xòe tông trắng được người mẫu Shalom Harlow mặc. Đây là một trong những khoảnh khắc thời trang nổi tiếng nhất trong lịch sử. 

Fabrican không phải là một sáng chế mới. Ông Manel Torres đã hoàn thiện kỹ thuật này từ năm 2003. Fabrican sử dụng rất nhiều thể loại sợi, từ sợi thiên nhiên (len, cotton) đến bán tổng hợp (viscose) và tổng hợp (nylon). Nhưng chủ yếu Fabrican được sử dụng cho ngành y tế làm băng gạc, băng quấn thuốc… chứ chưa được áp dụng sâu rộng trong ngành thời trang. Đó là lý do hiệu ứng của chiếc “váy phun sơn” trên người Bella Hadid tại show Coperni Xuân Hè 2023 mới gây ngỡ ngàng đến thế.

Nếu nhìn khoảnh khắc này của Bella chắc hẳn ai cũng liên tưởng đến người mẫu Shalom Harlow từng được phun sơn màu bởi cánh tay robot dùng trong lắp ráp xe hơi.

Chiếc váy của Bella Hadid và sự nâng tầm của thời trang digital

Sự đa dạng về thời trang tại các show diễn một lần nữa khiến nhiều người không khỏi trầm trồ. Trên thực tế, với sự phát triển của kỹ thuật số, thời trang cũng có những bước tiến vượt bậc chẳng hề kém cạnh với thời đại 4.0 hay 5.0. Khái niệm “Thời trang kỹ thuật số – hay còn gọi là Digital Fashion” được các nhãn hàng thời trang cực kỳ ưa chuộng và liên tiếp đưa ra các ý tưởng đột phá mới mẻ. 

Những ông lớn ngành thời trang đã chính thức góp mặt trong xu thế này. Đầu tiên là Louis Vuitton với một bộ sưu tập skin độc đáo dành cho game Liên Minh Huyền Thoại đã tung ra vào năm 2019.

The Fabricant – một start-up Hà Lan – là cái tên khá tiêu biểu khi thử sức với Digital fashion. Họ từng bước khẳng định mình trong giới thời trang như một nhà thiết kế chính thống với những bộ sưu tập quần áo ảo. The Fabricant luôn đi theo chủ trương: “Always digital, never physical” (tạm dịch: Chỉ có kỹ thuật số, không cần những sản phẩm khác).

Kerry Murphy – nhà sáng lập và CEO, cùng Amber Slooten – cùng sáng lập và Giám đốc nghệ thuật của Fabricant đều chia sẻ quan điểm “Thế giới không cần những bộ quần áo phải có tính vật lý. Những sáng tạo của chúng tôi vượt khỏi mọi khuôn khổ về catwalks, photographers, studios và cả sample sizes”.

Họ nhấn mạnh sự quan trọng của trí tưởng tượng được coi là tài sản nghệ thuật, là nguồn cảm hứng vô tận cho Digital Fashion. Họ tự do sáng tạo nên những câu chuyện riêng của mình trong từng bộ quần áo “ảo”. Đội ngũ của The Fabricant có sẵn những dụng cụ và kỹ thuật từ “VFX – Film Visual Effects – Kỹ xảo điện ảnh” để tạo nên những trải nghiệm thời trang “hyper-real – siêu thực”.

Năm 2019, họ từng gây sốt khi phát hành chiếc váy digital đầu tiên trên thế giới – “Iridescence”. Chiếc váy này đã được bán với giá 9.500 USD qua phiên đấu giá tại Ethereal Summit ở New York. 

  Chiếc váy “Iridescence” có giá hơn 9,5000 USD.

Chiếc váy “Iridescence” có giá hơn 9,5000 USD.

Thay vì các thợ may và nghệ nhân, các lập trình viên và nghệ sĩ animator sáng tạo ra tác phẩm. 

Cũng năm 2019, Chanel đã đặt hàng Mattrunks Studio tạo ra một ứng dụng tương tác VR làm nổi bật 3 chủ đề đặc trưng của J12: gốm hiệu suất cao, ô tô và cánh buồm. Từ đó đến nay, các thương hiệu trang sức và đồng hồ như Tissot, Tiffany & Co, Tacori, Helzberg Diamonds...đã tiếp cận AR/VR để mang lại sự đổi mới và tối ưu quy trình bán hàng của mình. 

Sau đó, Moschino đã bắt tay cùng Electronic Arts mang đến BST cảm hứng The Sims đầy hoài niệm. Gucci gửi ra một thông cáo báo chí, giới thiệu tính năng “thử giày” vừa được bổ sung vào ứng dụng của thương hiệu, từ đó cho phép khách hàng trải nghiệm AR trên những mẫu giày Ace sneakers. Nike cũng đã tạo ra NikeFit, một ứng dụng sử dụng body scanner để tìm các mẫu giày thể thao.

Puma LQD Cell Origin Air 2019, được bao phủ bởi QR Codes để mở khoá một loạt các trải nghiệm AR thông qua ứng dụng chuyên dụng, trở thành đôi giày thể thao AR đầu tiên trên thế giới.

Puma LQD Cell Origin Air 2019. 
Puma LQD Cell Origin Air 2019. 

Morten Grubak, giám đốc sáng tạo của thương hiệu quần áo kỹ thuật số Virtue Nordic từng nói về xu hướng này: “Trong thập kỷ qua, thời trang đã chuyển từ đường phố sang mạng xã hội…”. Ông nói thêm: “Xu hướng thời trang nhanh đang có tác động mạnh mẽ đến biến đổi khí hậu và văn hóa vứt bỏ thứ gì đó mặc một lần trước khi cất vào tủ quần áo của chúng ta là vô cùng lãng phí…”.

Digital Fashion sẽ mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm “độc nhất vô nhị”. Quần áo kỹ thuật số không đòi hỏi nguyên phụ liệu vật chất, không trải qua các công đoạn xử lý độc hại gây tác động đến môi trường... với hàng loạt lý do này, chắc hẳn ai cũng hiểu lý do xu thế này vì sao lại được ưa chuộng như vậy. 

Thanh Mai