'Chính trị gia', 'Vị khách' và 'Người mạnh mẽ': Bộ ba quyền lực đằng sau Hamas

Israel tuyên bố sẽ tiêu diệt Hamas, cáo buộc rằng lực lượng này còn "tệ hơn cả IS".
  Một chiến binh người Palestine của Hamas tuần tra trên đường phố ở Gaza. Ảnh: Reuters

Một chiến binh người Palestine của Hamas tuần tra trên đường phố ở Gaza. Ảnh: Reuters

Cuộc xung đột Israel - Hamas ngày càng căng thẳng. Vào ngày 13/10, khi tổng số thương vong tăng lên gần 3.000 người, Hamas đã kêu gọi người dân Palestine tại Dải Gaza ở yên tại chỗ và và gọi yêu cầu sơ tán của Israel là "chiến tranh tâm lý".

Tuyên bố của Hamas trên trang mạng xã hội X được đưa ra sau khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) yêu cầu gần 1,1 triệu người Palestine di dời từ phía bắc Gaza đến phía nam Gaza trong vòng 24 giờ.

Phía Israel cáo buộc rằng, các thành viên Hamas đã thực hiện hành vi tàn bạo “tồi tệ hơn IS” - giết hại thường dân vô tội, phụ nữ, trẻ em và cắt xẻo cơ thể của họ.

Nhưng ai là những thủ lĩnh Hamas? Và họ đang ở đâu?

Ismail Haniyeh

Theo trang tin Firstpost (Ấn Độ), Ismail Haniyeh, 60 tuổi, là người đứng đầu cánh chính trị của Hamas. Được gọi là 'Chính trị gia', Haniyeh đảm nhận vị trí quyền lực này vào năm 2017, kế nhiệm Khaled Meshaal. Tuy nhiên, Haniyeh đã là một nhân vật được nhiều người biết đến khi trở thành Thủ tướng Palestine vào năm 2006 sau chiến thắng của Hamas trong cuộc bầu cử quốc hội Palestine năm đó.

  Ismail Haniyeh – lãnh đạo của Hamas, người bị Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố là kẻ khủng bố vào năm 2018 - được cho là đã dành nhiều thời gian của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar. Ảnh: Anadolu Agency

Ismail Haniyeh – lãnh đạo của Hamas, người bị Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố là kẻ khủng bố vào năm 2018 - được cho là đã dành nhiều thời gian của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar. Ảnh: Anadolu Agency

Được biết đến là người điềm tĩnh và thực dụng, Haniyeh gia nhập Hamas vào năm 1987 khi nhóm chiến binh này được thành lập với tư cách là cuộc nổi dậy đầu tiên của người Palestine, hay cuộc nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Israel, kéo dài cho đến năm 1993. Trong thời gian đó, Haniyeh đã bị Israel bỏ tù nhiều lần, và sau đó bị trục xuất đến miền nam Lebanon trong 6 tháng.

Haniyeh từ lâu đã tìm cách hòa giải giữa cuộc kháng chiến vũ trang chống lại Israel và lập trường chính trị của Hamas – vốn bị Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ liệt vào danh sách khủng bố.

Bị Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố là kẻ khủng bố vào năm 2018, Haniyeh được cho là đã dành nhiều thời gian của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar.

Trên thực tế, trong đoạn phim được phát bởi các kênh truyền thông có liên quan tới Hamas vào hôm 7/10, người ta thấy Haniyeh đang xem hình ảnh trên truyền hình về cuộc tấn công đang diễn ra nhằm vào Israel từ một địa điểm không xác định, trước khi cùng các thủ lĩnh Hamas khác cầu nguyện “cảm ơn Thánh Allah vì chiến thắng này”.

Mohammed Deif

Theo Firstpost, Mohammed Deif là thủ lĩnh “trong bóng tối” của Lữ đoàn Izzedine al-Qassam - cánh quân sự của Hamas - được thành lập vào khoảng năm 1991. Được biết đến nhiều hơn với biệt danh “Vị khách”, Deif là kẻ thù công khai số một của Israel và là người mà Israel từng cố gắng ám sát ít nhất 6 lần và nằm trong danh sách "những kẻ khủng bố quốc tế" của Mỹ kể từ năm 2015.

  Mohammed Deif là người đứng đầu cánh quân sự của Hamas từ năm 2002. Ảnh: AFP

Mohammed Deif là người đứng đầu cánh quân sự của Hamas từ năm 2002. Ảnh: AFP

Được Hamas coi là “tham mưu trưởng” của nhóm chiến binh này, Deif là người đã thông báo trong một tin nhắn thoại về việc bắt đầu cuộc tấn công của Hamas vào Israel có tên là “Cơn lũ Al-Aqsa”. Trong tin nhắn thoại, Deif nói rằng, “các vị trí và công sự của kẻ thù đã bị nhắm tới bởi 5.000 quả rocket và đạn pháo trong 20 phút đầu tiên” của cuộc tấn công.

Hamas – lực lượng công bố tin nhắn thoại - như thường lệ cũng đăng một bức ảnh của Deif trong bóng tối, nên không thể xác định được nhân dạng của ông ta.

Chỉ có một số bức ảnh chất lượng kém về Deif còn tồn tại, bức ảnh gần đây nhất được chụp cách đây khoảng 20 năm.

Nơi ẩn náu của Deif vẫn chưa được phát hiện, và ông ta được cho là bậc thầy cải trang, người có khả năng ẩn mình hoàn toàn vào đám đông.

Deif, tên thật là Mohammed Diab al-Masri, sinh năm 1965 tại trại tị nạn Khan Yunis ở Gaza. Deif đã gia nhập Hamas từ những năm 1980 và tham gia nhiều hoạt động của tổ chức này, bao gồm cả những vụ bắt cóc binh lính và đánh bom liều chết.

Deif được bổ nhiệm làm người đứng đầu cánh quân sự của Hamas vào năm 2002 sau cái chết của người tiền nhiệm Salah Shehade trong một cuộc đột kích.

Hai năm trước đó, khi bắt đầu cuộc intifada thứ hai vào năm 2000 (intifada được dùng để ám chỉ các cuộc nổi dậy đồng loạt, kéo dài nhiều năm của người Palestine chống lại Nhà nước Israel), Deif đã trốn thoát hoặc được giải thoát khỏi nhà tù do chính quyền của Tổng thống Palestine lúc đó là Yasser Arafat điều hành.

Ngay sau khi Deif được bổ nhiệm làm người đứng đầu cánh quân sự của Hamas, Israel đã thực hiện nỗ lực thứ năm nhằm ám sát Deif ở Gaza, trong một cuộc tấn công khiến ông ta bị thương nặng. Một số thông tin chưa được xác nhận cho rằng, Deif đã bị liệt nửa người.

Lần cuối cùng Israel cố gắng ám sát Deif là vào năm 2014 khi quân đội nước này tiến hành cuộc không kích vào Gaza, giết chết vợ của Deif và một trong những người con của ông ta.

Kẻ thù của Deif gọi ông ta là “con mèo chín mạng”, trong khi người Palestine coi ông là huyền thoại sống.

Yahya Sinwar

Theo Firstpost, Yahya Sinwar - cựu tư lệnh cánh quân sự Hamas, 61 tuổi, hiện nay được coi là 'người mạnh mẽ của Gaza'.

  Sinwar hiểu rõ về Israel, từng ngồi tù 23 năm ở Israel trước khi được thả tự do vào năm 2011 trong một cuộc trao đổi tù nhân. Ảnh: Reuters

Sinwar hiểu rõ về Israel, từng ngồi tù 23 năm ở Israel trước khi được thả tự do vào năm 2011 trong một cuộc trao đổi tù nhân. Ảnh: Reuters

Sinwar đã thăng tiến trong hàng ngũ Hamas với tư cách là người ủng hộ quyết liệt cuộc đấu tranh vũ trang chống lại Israel và được lực lượng này coi là “bộ trưởng quốc phòng” của họ.

Giống như Deif, Sinwar cũng nằm trong danh sách truy nã “những kẻ khủng bố quốc tế” của Mỹ kể từ năm 2015. Theo Washington Post, năm 2021, phía Israel đã nhắm mục tiêu vào chỗ ở và văn phòng của Sinwar ở phía nam Dải Gaza trong thời điểm xung đột gia tăng.

Hôm 12/10, Richard Hecht - phát ngôn viên của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF)- nói với các phóng viên rằng, cuộc tấn công vào Gaza nhằm vào các thủ lĩnh cấp cao của Hamas, bao gồm cả Sinwar.

Một ngày trước đó, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari – một phát ngôn viên khác của IDF - nói: “Yahya Sinwar là người chỉ huy chiến dịch và coi như là một người đã chết. Giới lãnh đạo quân sự và chính trị của Hamas, tất cả tài sản của tổ chức này, đều có thể bị tấn công và tiêu diệt.”

Hữu Hiển

'Bóng ma' suy thoái kinh tế rình rập trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas

'Bóng ma' suy thoái kinh tế rình rập trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas

Theo trang mạng abc.net.au, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về sự can dự của Tehran vào cuộc xung đột Israel-Gaza, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi một thông điệp rõ ràng tới chế độ Tehran: Hãy thận trọng.