Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y Tế) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam. Ông Tân cho biết, tình trạng này ở nước ta xảy ra muộn nhưng lại tăng rất nhanh so với một số nước trên thế giới.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đã giảm nhưng vẫn ở mức cao (Ảnh minh họa) |
Theo thống kê vào năm 2006, tỷ lệ về giới tính là 109 bé trai trên 100 bé gái sinh ra, đến năm 2013 là 113 bé trai trên 100 bé gái và đến 2018 có 114,5 bé trai. Hiện nay, tỷ lệ giảm xuống còn 111 bé trai trên 100 bé gái nhưng vẫn ở mức cao. Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ diễn ra tình trạng dư thừa khoảng 2,3 đến 4,3 triệu đàn ông.
Gần đây, xuất hiện nhiều hiện tượng “xuất khẩu” cô dâu đi các nước như Đài Loan, Hàn Quốc với con số lên đến hàng trăm nghìn người, chưa kể là thị trường Trung Quốc cũng thu hút nhiều cô dâu Việt.
Theo ông Tân, các nước "nhập khẩu" dâu Việt đang nhiều, nhưng đến 2033 thì chính chúng ta mới là nước phải đi “nhập khẩu” cô dâu.
Việc mất cân bằng giới tính xuất phát từ tập quán ưa thích con trai theo truyền thống xa xưa, nhiều gia đình còn can thiệp công nghệ để lựa chọn giới tính cho con. Các chính sách an sinh xã hội hiện giờ cũng chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc người cao tuổi hay việc hạn chế số lượng sinh với một gia đình cũng là một vấn đề.
Theo các chuyên gia, hiện nay sự phát triển kỹ thuật phát hiện sớm giới tính khi mới 1 – 2 tuần tuổi ngày càng phổ biến, cần có biện pháp ngăn chặn nhập khẩu công nghệ này sớm nhất có thể. Tốt nhất nên nghiêm cấm các hình thức chọn giới tính qua sàng lọc tinh trùng, siêu âm, chẩn đoán, phá thai vì giới tính thai nhi. Mặc dù sai phạm này diễn ra nhiều nhưng vẫn khó có thể kiểm soát chặt chẽ được.
Việt Nam là nước có dân số già hóa thuộc top đầu thế giới
Dự báo 30 năm tới, 8,3% dân số Việt Nam hơn 65 tuổi tương đương với 8,5 triệu người.