Có những con đường phụ nữ mãi tự quản

Phải chăng phụ nữ Việt quá giỏi giang tháo vát nên được tôn vinh, và khi được tôn vinh thì lại phải tỏ ra giỏi giang gánh vác gấp đôi?

Vì sao chúng ta chỉ có Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mà lại không có Hội liên hiệp Đàn ông Việt Nam? Vì sao chúng ta có những ngày tặng hoa theo công thức hòng tôn vinh phụ nữ, là ngày 8/3 và 20/10 mà ngày đàn ông 19/11 ít ai nhắc đến? Vì sao chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những con đường mang tên “Phụ nữ tự quản”, hay “Dốc phụ nữ” mà tuyệt nhiên không tìm thấy những con đường mang tên “Đàn ông tự quản”, hay “cầu đàn ông”?! Và vì sao chúng ta luôn cứ phải tôn vinh Người mẹ Việt Nam anh hùng?

Vì đâu nên nỗi

Có phải bởi phụ nữ Việt từ nhiều năm nay vốn đã quá giỏi việc nước, quá đảm việc nhà và sẵn sàng gánh vác cả thế giới trên vai, như những người mẹ tần tảo gánh ông chồng cùng hai đứa con học đại học oằn trên đôi gánh cốm mỗi sáng? Có phải bởi khi giỏi giang tháo vát, bạn sẽ được tôn vinh, và ngược lại khi được tôn vinh, bạn sẽ càng phải tỏ ra giỏi giang gánh vác gấp đôi?

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Và liệu có phải những ngày sự ngợi ca phụ nữ, là một sản phẩm của đàn ông thiết kế ra? Cũng như tất cả những tác phẩm tráng lệ nhất về vẻ đẹp phụ nữ, hầu như đều được nhìn qua lăng kính đàn ông? Có phải những câu như “Đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm” hay “Làm trai rửa bát quét nhà, vợ gọi thì dạ thưa bà, con đây.” đều do đàn ông phát ngôn và lan truyền? Tất tật chỉ để phục vụ một việc, trốn trách nhiệm nhà.

Đàn ông Việt đã làm gì trong những diễn ngôn trên, họ đã đi đâu cả rồi? Họ đương bận làm trụ cột gia đình, làm rường cột quốc gia. Bạn đã từng thấy trụ cột nào phải đi quét nhà chưa? Chí làm trai phải biết thực hiện lần lượt những việc lớn: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Họ đương bận tối ngày làm điều khó khăn nhất “Bình luận chuyện thiên hạ” trên facebook và phần comment của báo mạng.

Đàn ông có tự biết chuyện ấy không? Chắc chắn là biết rất rõ ràng. Hãy xem cách đàn ông tự giễu bản thân khi không chia sẻ việc nhà cùng phụ nữ: “-Trong nhà này việc lớn tôi tất cả lo, việc nhỏ nhường cô ấy lo. -Thế anh đã làm được việc lớn gì rồi. -Từ khi cưới nhau tới giờ, chờ mãi chưa có việc gì đủ lớn cả”.

Và thêm cả chuyện này nữa để nhắc nhở chị em, về thời gian trong lời hứa của bổn phận đức ông chồng. “Khi một người đàn ông nói rằng anh ấy sẽ sửa cái mái nhà, chắc chắn anh ấy sẽ sửa cái mái nhà, đừng bao giờ nghi ngờ chồng mình, và cũng đừng cứ 6 tháng lại lôi chuyện ấy ra để hối thúc anh ấy. Anh ấy sẽ giận đấy”.

Nỗi ấy đi về đâu?

Ở xứ ta trong mỗi nhà, không hiếm để tìm thấy một người luôn nằm ườn đọc báo, xem TV hoặc chăm cây, nuôi chim hoặc thể dục thể thao rất đều đặn, cứ đến bữa là nhất định sẽ có mặt. Giới tính của người ấy thường là đàn ông. Và cũng dễ thấy ở xứ ta mới có những thanh niên được quyền nghỉ việc nằm khoèo nhiều tháng liền. Chưa tìm ngay công việc nhưng cũng không cần đụng tay làm việc nhà, việc ấy đã có mẹ già lo.

Không hiếm thấy cảnh người đàn ông nằm ườn ở nhà trong mỗi gia đình (Ảnh: internet).
Không hiếm thấy cảnh người đàn ông nằm ườn ở nhà trong mỗi gia đình (Ảnh: internet).

Một người mẹ thường dạy con gái: “Làm vợ nhà người ta phải lễ phép siêng năng chịu khó, không nhà chồng đuổi về”. Cũng người mẹ đó dạy con trai: “Làm chồng thì phải biết yêu thương vợ, ngoài lúc làm việc, phải biết dành thời gian đỡ đần phụ giúp vợ kẻo nó tủi thân”. Ơ kìa, tại sao lại cứ phải là giúp vợ, như ban phát ơn huệ, trong khi việc nhà là việc chung? Việc nhà là việc của chính anh! Rác anh xả ra. Quần áo anh nhanh hôi hơn. Cơm anh ăn nhiều hơn. Con anh lao động ít hơn để đẻ ra. Duy có tiền anh mang về hiếm khi nhiều hơn.

Các mẹ Việt đã dạy sai rồi, dạy sai cả con trai và con gái. Để đến nỗi giờ đây xã hội cứ theo chu kỳ, lại rộ lên những tranh cãi: “Đàn ông có nên rửa bát giúp vợ không?” hay “Đàn ông Việt và đàn ông Tây, tôi sẽ chọn ai”, “Đàn ông Việt có khác gì con lợn?”. Và mỗi lần như thế, tất cả đàn ông lại được dịp cất tiếng nói, và lại lên đồng tập thể trên mạng. Vì đây vẫn là chuyện “bình thiên hạ”.

Có lẽ không phải phụ nữ Việt cần một người đàn ông, chính đàn ông Việt cần học làm một người đàn ông có đầy đủ chức năng, dù đã muộn. Các mẹ Việt đã dạy sai rồi Còn các cha Việt vì sao không tham gia dạy con trai thành đàn ông và dạy con gái cách cư xử với đàn ông? Hay chính họ cũng còn đương bận làm trụ cột.

Anh không làm thì ai làm?

Xuân thu nhị kỳ, đàn ông Việt lại nằm khoèo làm thơ thương vợ trong những ngày phụ nữ, để ra vẻ tự oán trách bản thân, và để tôn vinh phụ nữ như Tú Xương viết “Thương vợ”. Quanh năm buôn bán ở mom sông, Nuôi đủ năm con với một chồng. Lặn lội thân cò khi quãng vắng, Eo sèo mặt nước buổi đò đông. Một duyên hai nợ âu đành phận Năm nắng mười mưa dám quản công. Cha mẹ thói đời ăn ở bạc, Có chồng hờ hững cũng như không.

Nhưng sẽ tử tế hơn nếu những Tú Xương hiện đại đăng bài thơ thương vợ lên facebook, và trong lúc chờ like, anh bèn đứng phắt dậy xoa tay xắn áo rửa bát quét nhà đổ rác ngâm quần áo, thực hiện phần trách nhiệm của mình. Và vợ anh sẽ có thể giúp anh, nếu cô ấy rảnh, và cô ấy vui. Và nhớ đừng ngâm riêng đồ trắng với đồ dễ phai mầu. Và đồ lụa không được giặt máy đâu. Với lại đi cái găng tay vào. Bởi vì thời phong kiến đã là chuyện của hơn trăm năm trước, vợ Tú Xương không sẵn sàng từ hôn, nhưng ở những ngày này nếu đàn ông không học cách chăm sóc vợ con gia đình của mình, sẽ rất sớm có người làm tất cả những điều ấy giúp bạn. Mà chắc chắn họ sẽ làm tốt hơn.

Đinh Trần Tuấn Linh

Đàn ông tử tế: có nhất thiết phải thạo việc nhà?

Đàn ông tử tế: có nhất thiết phải thạo việc nhà?

Lan man chẳng đâu vào đâu tôi chỉ muốn nói điều này, đàn ông tôi biết để làm được người tử tế dĩ nhiên phải thạo việc nhà.