Coteccons có đơn hàng tồn đọng kỷ lục gần 37.000 tỷ đồng.

Tính đến hết quý III năm tài chính 2025, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons) ghi nhận đơn hàng tồn đọng (backlog) gần 37.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử công ty.

Trong đó bao gồm khoảng 23.000 tỷ đồng trúng thầu trong 9 tháng qua. Đáng chú ý, khoảng 69% giá trị trúng thầu đến từ các dự án của các chủ đầu tư đã từng hợp tác trước đó như Ecopark, SonKim Land, Sun Group và Masterise Homes. Ngoài ra, Coteccons cũng tham gia các dự án hạ tầng và đầu tư công như nhà để xe sân bay Long Thành và tiểu dự án Đại học Quốc gia TP.HCM.

Hình ảnh công nhân của Coteccons đang thi công tháp thép đỉnh mái (Spire) của Tòa nhà Land mark 81, một trong những hạng mục quan trọng và phức tạp nhất của công trình (ảnh: Coteccons)
Hình ảnh công nhân của Coteccons đang thi công tháp thép đỉnh mái (Spire) của Tòa nhà Land mark 81, một trong những hạng mục quan trọng và phức tạp nhất của công trình (ảnh: Coteccons)

Ngay trong cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của Coteccons lại giảm tới 46%, dù doanh thu tăng hơn 7%. Đây là dấu hiệu cho thấy nhiều đơn hàng tồn đọng lớn chưa được chuyển hóa hiệu quả thành lợi nhuận.

Công ty hiện có tổng tài sản gần 26.200 tỷ đồng nhưng trong đó khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng lên tới hơn 13.000 tỷ đồng, tương đương một nửa tổng tài sản. Điều này cho thấy doanh nghiệp có nhiều giá trị hợp đồng chưa thu được tiền, tiềm ẩn rủi ro dòng tiền và khả năng xoay vòng vốn.

Nếu Coteccons không kiểm soát tốt tốc độ thi công, tiến độ thanh toán và chi phí nguyên vật liệu, backlog lớn có thể trở thành gánh nặng, thay vì lợi thế. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường xây dựng có tính cạnh tranh cao và các chủ đầu tư ngày càng siết chặt chi phí, doanh nghiệp xây dựng cần không chỉ giỏi “giành hợp đồng” mà còn phải triển khai hiệu quả và an toàn về tài chính.

Đơn hàng tồn đọng (Backlog) thường được xem là dấu hiệu tích cực phản ánh triển vọng doanh thu trong tương lai của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu không được quản lý hiệu quả, backlog có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Trước hết, backlog quá lớn so với năng lực triển khai thực tế sẽ tạo áp lực quá tải cho doanh nghiệp, dẫn đến chậm tiến độ, giảm chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, từ đó ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu. Bên cạnh đó, nhiều hợp đồng tồn đọng có thể không mang lại dòng tiền kịp thời do chậm thanh toán hoặc bị giữ lại bảo lãnh, gây căng thẳng vốn lưu động và khiến doanh nghiệp phải vay nợ để duy trì hoạt động, làm tăng chi phí tài chính. Một rủi ro khác là biến động chi phí đầu vào.

nếu hợp đồng là loại cố định giá trong khi nguyên vật liệu hoặc nhân công tăng giá, doanh nghiệp sẽ chịu thiệt, dẫn đến biên lợi nhuận giảm mạnh. Ngoài ra, việc ghi nhận doanh thu từ backlog một cách quá lạc quan còn tiềm ẩn nguy cơ sai lệch trong báo cáo tài chính, gây hiểu nhầm cho nhà đầu tư.

Quỳnh Anh

Coteccons báo lãi cao nhất 10 quý trong kỳ đầu tiên của niên độ mới

Coteccons báo lãi cao nhất 10 quý trong kỳ đầu tiên của niên độ mới

Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) công bố báo cáo tài chính quý 1 của niên độ tài chính mới vừa được thay đổi. Theo đó, niên độ mới bắt đầu từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024.