COVID-19 chiều 12/4: Có 9 ca mắc và 16 người khỏi bệnh

Cập nhật lúc 18h chiều 12/4, có 9 ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP.HCM, Đà Nẵng và Kiên Giang. Đây là các ca bệnh nhập cảnh được cách ly ngay. Trong ngày có 16 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Tính từ 6h đến 18h ngày 12/4, Việt Nam ghi nhận 9 ca mắc COVID-10, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Cụ thể, 9 ca mắc mới là các BN2697-2705 được cách ly tại Hà Nội (4), TP.HCM (2), Bắc Ninh (1), Kiên Giang (1) và Đà Nẵng (1).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, trong ngày 12/4 có 16 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy, tổng số bệnh nhân khỏi bệnh ở nước ta đến nay là 2.445 trong tổng số 2.705 bệnh nhân.

covid-19-ngay-12-4.jpg

6 người đầu tiên tiêm thử nghiệm mũi 2 vaccine COVIVAC của Việt Nam 

Trung tâm Dược lý lâm sàng, Đại học Y Hà Nội, cho biết trong sáng 12/4, sáu tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm lâm sàng mũi 1 vaccine COVID-19 của Việt Nam mang tên COVIVAC do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển vào ngày 15/3/2021 đã được tiêm mũi 2.

Theo kế hoạch tiêm thử nghiệm của vaccine này đối với người tình nguyện, khoảng thời gian giữa tiêm mũi 1 và mũi 2 của mỗi tình nguyện viên là 28 ngày. Giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng của vaccine COVIVAC có 120 tình nguyện viên tham gia tiêm.

vaccine-covivac2.jpg
Các tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm vaccine COVIVAC. 

Tính từ ngày tiêm đầu tiên của giai đoạn 1- ngày 15/3, đến nay đã hoàn thành tiêm cho 96 tình nguyện viên với 6 buổi tiêm  (mỗi buổi 15 tình nguyện viên, riêng buổi đầu tiên 15/3 tiêm 6 tình nguyện viên).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ  Phạm Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Dược lý lâm sàng, Đại học Y Hà Nội, cho biết đánh giá 24 giờ sau tiêm và 7 ngày sau tiêm ở 66 tình nguyện viên, cho thấy không xuất hiện các biến cố bất lợi nghiêm trọng. Các phản ứng đều nằm trong dự kiến, đa số là các triệu chứng nhẹ sau tiêm như đau tại vị trí tiêm, đau đầu thoáng qua.

Các triệu chứng trên đa số hết trong 24 giờ đầu sau tiêm, không cần điều trị gì. Chưa phát hiện bất thường trên xét nghiệm huyết học và sinh hóa đánh giá an toàn sau tiêm.

24 tình nguyện viên còn lại, hiện Trung tâm đã hoàn thành việc xếp lịch tiêm. Dự kiến ngày 18/4/2021 kết thúc việc tiêm mũi 1 đối với 120 tình nguyện viên.

Hiện các nhóm tiêm mũi 2 vào đợt nghỉ lễ 30/4 – 1/5 đã được tư vấn và sắp xếp lịch hợp lý, hỗ trợ để người tình nguyện có thể tham gia và không mất dấu người tình nguyện giữa chừng.

COVIVAC là vaccine thứ 2 của Việt Nam tham gia thử nghiệm lâm sàng sau Nano Covax hiện đã hoàn thành giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng. Sắp tới, Việt Nam sẽ có thêm vaccine của công ty Vabiotech thử nghiệm giai đoạn 1.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, nếu COVIVAC thành công, cùng với Nano Covax và Vabiotech sẽ giúp Việt Nam chủ động được nguồn vaccine COVID-19 trong nước. Bộ Y tế kỳ vọng cuối năm 2021, đầu 2022, Việt Nam sẽ có vaccine để sử dụng, thậm chí có thể thành công trong xuất khẩu.

vaccine-covivac.jpeg
Tiêm vaccine COVIVAC cho tình nguyện viên. Ảnh: Minh Quyết

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 18h ngày 12/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 136,733 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có 2,95 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 109,97 triệu người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với hơn 31,918 triệu ca nhiễm, trong đó 575.829 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ có 13,527 triệu bệnh nhân với 170.209 ca tử vong. Brazil có 13,482 triệu ca bệnh nhưng số ca tử vong lên tới 353.293 ca. 

Hàn Quốc: Không có mối liên quan nào giữa tiêm vaccine và tử vong

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), lực lượng chức năng đã hoàn tất cuộc điều tra về 11 trong số 47 người tử vong trong vài ngày sau khi tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca và Pfizer Inc, cũng như cuộc khảo sát dịch tễ về 32 trong số 47 trường hợp tử vong được ghi nhận.

KDCA cho biết toàn bộ 11 người trên 70 tuổi đều mắc các bệnh lý nền, và 7 người trong số này đã được đưa vào các cơ sở chăm sóc lâu dài. Nhà chức trách Hàn Quốc kết luận cái chết của những người này nhiều khả năng liên quan đến các bệnh lý nền mà họ đã mắc, trong đó có đột quỵ và sa sút trí tuệ. Cũng theo giới chức Hàn Quốc, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tiến hành các khảo sát dịch tễ về 15 trường hợp tử vong.

covid-19-han-quoc.jpg
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 của hãng dược AstraZeneca cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP

KDCA cho biết trong số 4 trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine, chỉ 1 trong số này được chứng minh là có liên quan đến vaccine. Theo đó, một người đàn ông trong độ tuổi 20 bị chẩn đoán mắc chứng huyết khối xoang tĩnh mạch não (CVST) sau khi được tiêm vaccine của AstraZeneca. Người này không mắc bệnh lý nền nào, và hội chứng này cũng rất ít khi xảy ra. Hiện người này đã hoàn toàn bình phục.

Trước đó, Cơ quan Dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) cũng cho biết không thể loại trừ mối liên quan giữa các trường hợp mắc CVST hiếm gặp và vaccine của AstraZeneca.

Kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 vào ngày 26/2 vừa qua, tổng cộng đã có 1.157.255 người đã được tiêm vaccine, trong đó có 916.780 người được tiêm vaccine của AstraZeneca, trong khi số người còn lại đã được tiêm vaccine của Pfizer.

Vài ngày sau khi tạm dừng chương trình tiêm vaccine AstraZeneca trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về tính an toàn của nó, ngày 12/4, Hàn Quốc đã quyết định tiếp tục triển khai tiêm loại vaccine này cho những người trên 30 tuổi.

Nhà chức trách y tế cho biết chính phủ sẽ bồi thường thỏa đáng cho những người gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, hoặc tác dụng phụ khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó có việc chi trả chi phí nằm viện và các loại chi phí điều trị khác.

AN DI