Cúng cô hồn mùa COVID-19 bằng khẩu trang vàng mã giá 170.000 đồng/chiếc

Thị trường đang xuất hiện loại khẩu trang giấy vàng mã dành cho cô hồn để phòng dịch COVID-19, với giá 170.000 đồng/chiếc.

Ở nhiều quốc gia châu Á, hiện nay việc đeo khẩu trang là quy định hành chính bắt buộc tại nơi công cộng. Và như thế, việc đeo khẩu trang cũng không ngoại lệ đối với các cô hồn hay những người đã khuất ngay thời điểm này, trong tháng 7 âm lịch .

Một cửa hàng vàng mã ở Hong Kong vừa tung ra sản phẩm mặt nạ giấy vàng mã với công dụng “đề phòng đại dịch COVID-19 tìm đường xâm nhập vào thế giới linh hồn”. Hình ảnh sản phẩm được người chủ đăng lên một nhóm bán hàng online, với lời kêu gọi: “Sắp đến tháng cô hồn rồi, ai cần mặt nạ cho ông bà mình thì liên hệ chúng tôi nhé!”.

Khẩu trang giấy vàng mã được bán ở Hong Kong. Ảnh: Mothership Singapore
Khẩu trang giấy vàng mã được bán ở Hong Kong. Ảnh: Mothership Singapore

Theo trang Mothership Singapore, dòng chữ tiếng Trung được in trên bao bì nhựa của khẩu trang tạm dịch là “khẩu trang dành cho tổ tiên”. Một chiếc khẩu trang giấy vàng mã như vậy có giá 10 đô la Singapore, tương đương 170.000 đồng. Mức giá này so với khẩu trang y tế ở thị trường Việt Nam đang cao hơn gấp 7-10 lần.

Nhiều người cho rằng, đây là một sản phẩm khá hài hước, nhưng rất thích hợp giữa lúc đại dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường. Điều này thể hiện, ý thức đeo khẩu trang của dân châu Á rất cao, rằng đây là việc bắt buộc, dù là “người dương” hay “người âm”.

Đánh giá rất cao khẩu trang giấy vàng mã, nhiều khách hàng cho rằng những chiếc khẩu trang dành cho người chết này có thể là một món quà hữu ích cho những người từ chối đeo khẩu trang, để nhắc nhở họ về cái chết đang ngay trước mắt nếu họ còn lơ là đại dịch.

Trên Facebook, tấm ảnh khẩu trang giấy vàng mã này được lan truyền chóng mặt. Một số bạn trẻ nương theo sản phẩm này đã đưa ra nhiều ý kiến hài hước dựa trên nguyên tắc phòng dịch. 

Nhiều năm qua, ngành công nghiệp sản xuất vàng mã luôn theo kịp thời đại. Từ những ngôi nhà và ô tô bằng giấy lộng lẫy, đến những chiếc điện thoại di động bằng giấy tối tân, con cháu giờ đây có thể gửi cho ông bà những vật chất tượng trưng đầy đủ không khác dương gian.

Vàng mã ngày nay có đủ mọi sản phẩm thời thượng. Ảnh: Dân Việt
Vàng mã ngày nay có đủ mọi sản phẩm thời thượng. Ảnh: Dân Việt

Đốt vàng mã là một tập tục của dân châu Á, trong đó có người Việt Nam. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch, trung bình mỗi năm người Việt đã đốt hàng nghìn tấn vàng mã, tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây thực chất là hủ tục, chính các chức sắc có uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng lên tiếng, nhà Phật không có giáo huấn Phật tử về đốt vàng mã như sự thể hiện niềm tin tôn giáo. Chưa kể, việc đốt quá nhiều giấy vàng mã còn tạo lượng lớn khí thải, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều vụ việc cháy nổ thương tâm, gây thiệt hại lớn cũng bắt nguồn từ việc đốt giấy tiền vàng bạc cho “người âm”.

Theo Điều 2 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, hành vi đốt vàng mã, đốt lửa trong nhà chung cư, trừ địa điểm được đốt vàng mã theo quy định tại nhà chung cư bị cấm (được quy định tại). Nếu đốt vàng mã gây hậu quả nghiêm trọng, người thực hiện còn có thể đối diện với mức phạt tù lên đến 10 năm.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương