Chiều 24.1, tại cuộc họp do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết đến nay cả nước có 14 địa phương đang cho học sinh (HS) đi học trực tiếp, 30 địa phương học trực tiếp kết hợp trực tuyến, 19 địa phương còn đang học trực tuyến hoặc qua truyền hình.
“Theo kiến nghị của các địa phương, đến ngày 7.2, dự kiến có 49 tỉnh, TP triển khai học trực tiếp, 14 tỉnh dự kiến cho trẻ trở lại trường vào ngày 12.2. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GD-ĐT là đưa trẻ trở lại trường trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm quyền lợi của các cháu”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn bày tỏ: “Chúng ta đã có những điều kiện, căn cứ để đưa trẻ trở lại trường học an toàn như: tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cho người từ 18 tuổi trong nhóm cao nhất thế giới, tỷ lệ ca bệnh nặng, số ca tử vong thấp, kinh nghiệm chống dịch của các địa phương, ý thức của người dân được nâng cao, tỷ lệ tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 tuổi cao (dự kiến hoàn thành tiêm mũi 2 sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần) và tăng cường tiếp cận vắc xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi”.
Ông Sơn nhấn mạnh Bộ Y tế “cơ bản ủng hộ kế hoạch đưa trẻ trở lại trường sau tết”, tuy nhiên cũng cần hết sức cảnh giác, theo dõi sát diễn biến dịch bệnh trong tết, nhất là đối với biến chủng Omicron.
“Sau tết, Bộ Y tế sẽ có đánh giá cụ thể tình hình dịch để góp ý cho Bộ GD-ĐT về kế hoạch đưa trẻ trở lại trường”, ông Sơn nói thêm.
Ngày 24.1, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng ký văn bản số 234 về việc HS trở lại trường học trực tiếp. UBND TP thống nhất về nguyên tắc theo đề xuất của Sở GD-ĐT tại Tờ trình số 148 của Sở GD-ĐT ngày 19.1 về việc cho HS trở lại trường học sau thời gian dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19.
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, HS các khối từ lớp 7 đến lớp 12 trên địa bàn TP sẽ đi học trực tiếp; HS cấp tiểu học và khối lớp 6 của cấp THCS tiếp tục học trực tuyến. Trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà.
Tuy nhiên, Sở GD-ĐT đề xuất nguyên tắc thực hiện: chỉ tổ chức dạy học trực tiếp ở các địa bàn có mức độ dịch cấp độ 1, 2; các địa bàn ở cấp độ 3, 4 tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến.
HS cư trú tại địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 không đến trường học mà ở nhà học trực tuyến, nhà trường có trách nhiệm phân công giáo viên dạy cho các em. Giáo viên chưa tiêm đủ vắc xin Covid-19 theo quy định chỉ dạy học trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp. Không tổ chức bán trú, căn tin ăn uống trong trường, chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày.
Theo kế hoạch, từ nay tới trước kỳ nghỉ tết, các phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã, các đơn vị trực thuộc sẽ triển khai công tác diễn tập, sẵn sàng các điều kiện an toàn để đón HS trở lại trường học khi có thông báo.
Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thế Cương cho rằng thời gian tới theo quy trình xử lý F0, F1 được quy định tại hướng dẫn liên ngành của Sở GD-ĐT, Sở Y tế Hà Nội, khi phát hiện trường hợp HS là F0 tại lớp, giáo viên tạm dừng việc giảng dạy, tạm thời cách ly HS tại chỗ, báo cáo ban giám hiệu và triển khai các bước tiếp theo, trong đó có việc xác định các trường hợp tiếp xúc gần. Theo hướng dẫn, chỉ có trường hợp F0 được đưa đi cách ly để điều trị, các trường hợp F1 thực hiện cách ly tại nhà.
Ông Cương khẳng định quyết định tiêm vắc xin Covid-19 cho HS là hoàn toàn tự nguyện và đây không phải là điều kiện bắt buộc để HS có được đến trường hay không. Tuy nhiên, ông Cương cũng thông tin, đến thời điểm này, hơn 97% HS từ 12 - 17 tuổi ở Hà Nội đã tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19; tỷ lệ này ở giáo viên là 99,6%.
Các địa phương cần ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất