"Đàn bà ngáo quyền lực chốn công đường, chẳng qua là người bị bắt nạt ở nhà"?

Qua radio, những người phụ nữ hiện lên với những niềm u uẩn, vì những lý do khác nhau mà phải cam chịu những cuộc hôn nhân hay quan hệ bất xứng.

Tôi bị bạn gái giận vì một chuyện không đâu. Chỉ vì tôi buột miệng tỏ ra thương cảm đối với người nữ cán bộ bị truyền thông xỉ vả bởi thói hống hách với người dân. Tôi bảo: Đàn bà ngáo quyền lực chốn công đường, chẳng qua, họ là người bị bắt nạt ở nhà.

Bạn gái tôi giận, bởi cho rằng khi nói thế, tôi đã mặc định những người phụ nữ nền nã, mềm mại nơi công sở như cô ấy, hẳn ở nhà thường bắt nạt chồng con. Dĩ nhiên, dù oan hay không, tôi cũng không dám cãi. Chỉ hi vọng cơn giận của cô ấy sẽ từ từ qua đi.

Có điều, tôi vẫn tin phía sau sự phách lối, thể hiện quyền lực, những người đàn bà như cô cán bộ đang chịu thị phi ấy, luôn có một khuôn mặt u buồn, cam chịu nơi cuộc sống gia đình, hay trong quan hệ yêu đương.

Tranh minh họa: Trịnh Tú.
Tranh minh họa: Trịnh Tú.

Khi còn giữ các chuyên mục tâm sự trên Đài, trong số hàng ngàn thính giả nữ tâm sự chuyện đời với tôi, nhiều người có địa vị, có chức quyền lớn nhỏ ở đời. Hồi đó tôi còn trẻ, thấy ngạc nhiên ghê lắm, bởi vẫn nghĩ rằng chỉ khi cô đơn, oan trái, bi thảm lắm thì người ta mới gọi đến Đài mà tâm sự. Bởi thế, tôi chú ý tìm hiểu về những nữ thính giả đặc biệt ấy. Thật bất ngờ, họ hoàn toàn khác với hình dung của tôi khi nghe những câu chuyện của họ qua đường dây tâm sự.

Trong studio, nghe những lời tự sự qua radio, những người phụ nữ ấy hiện lên trong hình dung của tôi với những niềm u uẩn, vì những lý do khác nhau mà phải cam chịu duy trì những cuộc hôn nhân, hoặc quan hệ tình cảm với những người đàn ông bất xứng theo những cách khác nhau.

Còn ở vị trí xã hội của mình, họ đều cố gắng để dễ dàng nhìn thấy vẻ mặt cam chịu của những người xung quanh. Có lẽ, điều đó khiến họ phần nào thấy dễ chịu, thấy sự cam chịu trong cuộc sống riêng của mình không hẳn là bi kịch.

Một trong số những nữ thính giả đặc biệt ấy là sếp của bạn tôi. Chị ấy là một người đàn bà truân chuyên. Tất cả những người đàn ông mà chị yêu đều bắt nạt chị. Có người đánh chị thường xuyên cho đến khi chán. Có người bắt chị cung phụng tiền bạc đến khi chị không thể chịu nổi. Có người lấy việc kể tội chị với bất cứ ai làm niềm vui hàng ngày. Với mỗi giai đoạn yêu đương, chị lại bắt nhân viên của mình phải phục tùng tương ứng.

Đàn ông, ngã ở đâu đứng lên ở đó. Đàn bà nhẽ khác, như người xưa vẫn nói một cách hình ảnh là “giận cá chém thớt”, hay “đá thúng đụng nia” họ thường xả những nỗi ẩn ức của mình vào đối tượng thứ ba, những thứ không liên quan trực tiếp đến bi kịch đời họ.

Tôi bị bạn gái giận. Không biết giờ này cô ấy đã hết cơn giận đó hay chưa? Khi cô ấy share, và kèm theo những lời bình luận sắc bén về bài báo viết về người nữ cán bộ phách lối ở quận Thanh Xuân, tôi đã buột miệng nói ra những điều tôi nhìn thấy bằng trải nghiệm của mình.

Tôi đã nói với bạn gái của mình rằng: Sao em lại chửi mắng người ta? Biết đâu cô ấy đang phải chịu đựng một người đàn ông ngang ngược phách lối, người sẵn sàng làm những điều chướng tai gai mắt rồi lại bắt cô ấy phải xin lỗi chỉ bởi vì cô ấy đã dám tỏ ra không hài lòng? Điều đó khoa học đã chứng minh.

Tôi đă đọc một nghiên cứu nói rằng: Những đứa trẻ hôm nay là nạn nhân của bạo hành, lớn lên chúng đều có xu hướng thích bạo hành người khác. Còn với phụ nữ, những người phụ nữ thích thể hiện quyền lực, có lẽ họ đều đang, hoặc đã là nạn nhân của quyền lực.

Lão Phạm

Tại sao phải ngu ngốc để được yêu?

Tại sao phải ngu ngốc để được yêu?

Nếu bạn là một người phụ nữ sắc sảo mà phải băn khoăn nên sống thật với mình hay phải giả ngu nhún nhường bạn đời thì bạn chưa khôn ngoan lắm