Dấu ấn Viettel 2024

Viettel đã vượt qua những khó khăn ở cả trong và ngoài nước để biến 2024 trở thành một năm thành công trên tất cả các lĩnh vực, khẳng định tầm vóc của một tập đoàn tiên phong, chủ lực trong kỷ nguyên số - niềm tự hào của đất nước và người dân Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Viettel đã vượt qua những khó khăn ở cả trong và ngoài nước để biến 2024 trở thành một năm thành công trên tất cả các lĩnh vực, khẳng định tầm vóc của một tập đoàn tiên phong, chủ lực trong kỷ nguyên số - niềm tự hào của đất nước và người dân Việt Nam trên bản đồ thế giới.

1. Viettel đón nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước

Năm 2024, Viettel được đón nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.

Dấu ấn Viettel 2024

Chủ tịch nước Tô Lâm (hiện nay là Tổng Bí thư) thăm trụ sở Viettel tại Lào và Campuchia. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, làm việc với Unitel. Chủ tịch nước Lương Cường thăm và động viên CBNV Viettel tại Peru, trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Viện Hàng không Vũ trụ Viettel. Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Unitel, Metfone.

Viettel tiếp tục được tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ lớn của đất nước như triển khai dự án chuyển đổi số cho Văn phòng Trung ương Đảng, là thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Quốc hội.

Viettel cũng vinh dự đón tiếp Tổng thống Timor Leste, Tổng thống Mozambique, Tổng Thư ký Đảng cầm quyền Burundi… đến thăm, làm việc tại Tập đoàn.

Những sự kiện nêu trên thể hiện vị thế chiến lược, tầm quan trọng và đóng góp to lớn của Viettel trong công cuộc phát triển kinh tế, quốc phòng và ngoại giao quốc tế. Điều này cũng góp phần truyền cảm hứng, động lực cho CBNV vào vai trò của Tập đoàn trong sứ mệnh phát triển đất nước.

2. Bổ sung trụ cột chiến lược mới, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

Dấu ấn Viettel 2024

Viettel đã bổ nhiệm 2 Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn là Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt, đồng thời giao nhiệm vụ mới cho nhiều lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của các cơ quan, đơn vị nhằm đảm bảo tính kế thừa, ổn định và nâng cao năng lực lãnh đạo trong toàn hệ thống.

Tập đoàn thực hiện tốt đề án tái cơ cấu, thành lập Ban Công nghệ Bán dẫn, Công ty Dịch vụ Khách hàng, Trung tâm CNTT, Trung tâm Dịch vụ dùng chung và chuyển đổi một số đơn vị khác theo mô hình mới giúp Viettel thích ứng nhanh chóng với các xu hướng công nghệ và thị trường toàn cầu. 

Năm 2024, Viettel đưa AI (trí tuệ nhân tạo) trở thành trụ cột chiến lược quan trọng của Tập đoàn với mục tiêu dẫn dắt về hạ tầng, con người và nền tảng ứng dụng, đưa AI vào mọi hoạt động trong nội bộ và rộng khắp trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

3. Tăng trưởng 2 con số sau 7 năm

Doanh thu hợp nhất của Viettel năm 2024 là 190 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 103% kế hoạch, tăng trưởng 10,3% - mức tăng cao nhất ngành và đạt 2 con số sau 7 năm.

Lợi nhuận trước thuế hơn 51 nghìn tỷ đồng, đạt 111% kế hoạch, tăng trưởng 11,3%. Tập đoàn nộp ngân sách Nhà nước 42,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3%. Thu nhập bình quân của CBNV trong toàn Tập đoàn tăng 6%. Viettel tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả nhất.

Viettel hỗ trợ 100 tỷ đồng cho người dân bị ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi, tài trợ 240 tỷ đồng cho 4.000 hộ nghèo theo chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột của Chính phủ và Bộ Quốc phòng…

Tập đoàn hoàn thành vượt tiến độ các dự án trọng điểm chào mừng 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, đặc biệt có Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam năm 2024 và các nhà máy nghiên cứu, sản xuất khí tài tại Thái Nguyên, tổ hợp công nghiệp công nghệ cao tại Hòa Lạc (Hà Nội) tạo tiền đề vững chắc về cơ sở hạ tầng để Viettel trở thành hạt nhân trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.

4. Hoàn thành xuất sắc chương trình chuyển đổi 2G lên 4G

Dấu ấn Viettel 2024

Viettel đã chuyển đổi thành công 6,5 triệu thuê bao 2G lên 4G trước thời điểm dừng cung cấp dịch vụ 2G Only, đồng thời lắp đặt thêm hơn 6.000 trạm BTS giúp mở rộng vùng phủ 4G tới 98% dân số.

Dù thị phần chiếm tới 53%, sở hữu nhiều thuê bao 2G nhất, Viettel vẫn về đích với kết quả tốt nhất với thời gian 10 tháng, trong khi các nhà mạng khác trên thế giới làm trong 3 năm. 

Đây là quyết tâm lớn của Viettel để không người dân nào bị gián đoạn liên lạc, không ai bị bỏ lại phía sau.

5. Chính thức kinh doanh 5G đầu tiên tại nhiều quốc gia

Viettel là doanh nghiệp đầu tiên chính thức cung cấp dịch vụ 5G tại Việt Nam, với vùng phủ rộng nhất, công nghệ hiện đại nhất, chất lượng tốt nhất, dịch vụ đa dạng nhất. Viettel thuộc 5% nhà mạng triển khai đồng thời cả hai nền tảng kiến trúc 5G SA và NSA.

Bên cạnh Việt Nam, Viettel cũng đã chính thức kinh doanh dịch vụ 5G tại Peru và Lào. Tại Burundi, Viettel là nhà mạng đầu tiên và duy nhất được Chính phủ cấp phép miễn phí tần số thử nghiệm 5G.

Những bước tiến thần tốc về 5G của Viettel hướng đến khát vọng mỗi người dân sở hữu một smartphone siêu tốc độ, siêu kết nối để có một cuộc sống mới trong kỷ nguyên số.

6. Các thị trường nước ngoài của Viettel tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ

Dấu ấn Viettel 2024

Năm 2024, dù tiếp tục đối mặt với bất ổn chính trị, lạm phát cao, biến động tỷ giá…, doanh thu dịch vụ từ các thị trường quốc tế của Viettel tăng 17,3%, đóng góp 80% vào mức tăng trưởng chung của toàn Tập đoàn và cao hơn 7 lần mức trung bình trên thế giới. Đây là năm thứ 8 liên tiếp khối thị trường nước ngoài của Viettel tăng trưởng 2 con số. Dịch vụ ví tiếp tục là điểm sáng đột phá, đặc biệt tại châu Phi, đóng góp hơn 20% doanh thu tăng thêm.

Các công ty nước ngoài đều hoàn thành mục tiêu thách thức, dòng tiền chuyển về nước hơn 467 triệu USD, vượt kế hoạch năm. Viettel đã hoàn vốn tại 5 thị trường là Campuchia, Lào, Đông Timor, Natcom và Mozambique. Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư ra nước ngoài của Viettel 85%, sớm hơn lộ trình đề ra.

Đặc biệt, Movitel đã vươn lên dẫn đầu tại Mozambique, đưa Viettel giữ vị trí số 1 về thị phần tại 7 thị trường nước ngoài. Doanh thu của Movitel tăng trưởng 20% trong 5 năm liên tục, lợi nhuận 130 triệu USD - cao nhất trong các thị trường.

Bitel đã vượt qua Movistar - nhà mạng thuộc tập đoàn Telefónica với lịch sử lâu đời nhất tại Peru và vươn lên thứ 3 tại thị trường này.

7. Khai trương trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam

Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc đi vào hoạt động với 60.000 máy chủ, hơn 2.400 rack, 21.000m2 mặt sàn, công suất 30MW, gấp 2 lần mức trung bình, đáp ứng xu thế phát triển của AI với yêu cầu về chip hiệu năng cao, gia tăng khả năng tính toán.

Đây là data center lớn nhất của Việt Nam, tương đương một siêu data center của thế giới, thể hiện cam kết Viettel trong việc thúc đẩy hạ tầng số hiện đại, an toàn cho quốc gia.

Data Center Viettel Hòa Lạc cũng sở hữu công nghệ xanh mới nhất, sử dụng năng lượng tái tạo để cung cấp 30% lượng điện tiêu thụ.

8. Hai đơn vị trong Tập đoàn nhận danh hiệu Anh hùng

Dấu ấn Viettel 2024

Viện Hàng không Vũ trụ Viettel nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì thành tích đặc biệt xuất sắc trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản xuất vũ khí chiến lược công nghệ cao, thế hệ mới, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch nước Lương Cường đã đến chúc mừng và trao tặng danh hiệu cao quý này.

Tổng Công ty Công trình Viettel cũng được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì thành tích xuất sắc trong lao động, sáng tạo, ứng dụng, đổi mới công nghệ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, củng cố an ninh, quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.

Đến nay, các tập thể, cá nhân của Viettel đã 4 lần nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 5 lần nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Đây sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Quân đội với đóng góp quan trọng của Viettel trong cả lĩnh vực kinh tế và quốc phòng.

Vào dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập, Viettel cũng đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.

9. Viettel công bố thương mại hóa diện rộng trạm 5G

Dấu ấn Viettel 2024

Viettel đã thương mại hóa trạm phát sóng 5G Open RAN đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset do Viettel và Qualcomm đồng nghiên cứu phát triển. Với thiết bị này, Viettel đã hoàn thiện danh mục các giải pháp 5G toàn diện từ mạng lõi đến các khối vô tuyến, có thể cung cấp giải pháp cho khách hàng triển khai mạng riêng hoặc mạng công cộng.

Hiện Viettel đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất trạm 5G Open RAN 32T32R, mục tiêu đưa vào vận hành 500 trạm trên mạng lưới tại Việt Nam vào năm 2025 và mở rộng ra quốc tế, khẳng định khả năng làm chủ công nghệ trong lĩnh vực điện tử viễn thông.

10. Đưa công viên logistics đầu tiên ở Việt Nam vào hoạt động

Viettel đã khai trương Công viên Logistics Viettel tại Lạng Sơn, cung cấp dịch vụ logistics toàn trình nhằm nâng cao năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa, rút ngắn thời gian thông quan. Đây là công viên logistics đầu tiên tại Việt Nam với sứ mệnh trở thành một trong những nền tảng hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số.

Dấu ấn Viettel 2024

Viettel sẽ hoàn thiện mạng lưới các trung tâm logistics trên toàn quốc với 5 định hướng: Cửa khẩu thông minh; trung tâm logistics nông sản; trung tâm logistics trong khu công nghiệp; hạ tầng chuỗi cung ứng; mạng lưới vận tải đa phương thức.

Viettel sẽ tạo ra hệ sinh thái logistics thông minh, tự động hóa, kết nối đa phương thức, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến hàng không, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm logistics quan trọng của khu vực.

11. Vô địch 2 năm liên tiếp tại “World Cup” của ngành an ninh mạng

Dấu ấn Viettel 2024

Đội ngũ an ninh mạng Viettel lần thứ 2 giành ngôi vô địch tại cuộc thi lớn nhất thế giới về bảo mật Pwn2Own.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng, khen ngợi thành tích và sự tiến bộ vượt bậc của các kỹ sư Viettel tại cuộc thi tấn công mạng lớn nhất thế giới. Thủ tướng nhấn mạnh đây là niềm vui, niềm tự hào chung của cộng đồng an ninh mạng Việt Nam.

12. Thương hiệu hàng đầu thế giới về phát triển bền vững

Dấu ấn Viettel 2024

Tại bảng xếp hạng “Change the world 2024” của Fortune, Viettel đứng thứ 3/50 doanh nghiệp toàn cầu có đóng góp quan trọng vào phát triển bền vững, tác động tích cực đến xã hội.

Viettel là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất đứng trong bảng xếp hạng và gây ấn tượng vì các nỗ lực cải thiện chất lượng giáo dục thông qua dự án Internet trường học tại Việt Nam và 10 thị trường nước ngoài. Tính đến năm 2024, chương trình đã giúp 25 triệu học sinh, sinh viên và giáo viên tiếp cận Internet, góp phần tăng tỷ lệ tiếp cận Internet ở Việt Nam từ 15% lên 85%.

Năm 2024, Brand Finance cũng công bố, Viettel có 9 năm liên tiếp là thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, đồng thời là thương hiệu viễn thông số 1 Đông Nam Á, xếp hạng thứ 9 châu Á và thứ 16 toàn cầu. Viettel đứng thứ 2 thế giới về sức mạnh thương hiệu trong lĩnh vực viễn thông và là doanh nghiệp được đánh giá cao nhất về phát triển bền vững.

PV

Doanh thu Tập đoàn Viettel tăng trưởng mạnh trong năm 2024

Doanh thu Tập đoàn Viettel tăng trưởng mạnh trong năm 2024

Động lực tăng trưởng của Tập đoàn Viettel đến từ việc duy trì tăng trưởng viễn thông trong nước, phát triển kinh doanh quốc tế, nghiên cứu.