Đâu là thời điểm thích hợp để Hà Nội cho học sinh đi học trở lại?

Chuyên gia cho rằng trẻ em cần được đến trường để phát triển đầy đủ cả thể chất và trí tuệ.

Mới đây, UBND Hà Nội vừa quyết định tiếp tục nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ. Quyết định được đưa ra khi hơn một tuần qua, số ca nhiễm tại Hà Nội duy trì ngưỡng trung bình 6 ca/ngày, trong đó có 3 ngày liên tiếp không phát sinh ca bệnh cộng đồng.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế), việc đảm bảo các điều kiện an toàn để cho học sinh quay trở lại trường học cũng là nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội xác định trong thời gian tới.

Đâu là thời điểm thích hợp để Hà Nội cho học sinh đi học trở lại?

Các ổ dịch hiện hữu không phát sinh ca nhiễm mới cộng đồng, cộng với việc số lượng F0 những ngày qua ở mức thấp, cho thấy dịch bệnh không còn xu hướng lan rộng và đang được kiểm soát. Theo ông, TP chưa đề cập đến kế hoạch học tập trung không phải do chưa đủ điều kiện. 

Để học sinh quay lại trường học, bên cạnh chuẩn bị các công tác phòng dịch, cần đào tạo, tập huấn cho cán bộ nhà trường, giáo viên phương án xử trí khi có yếu tố dịch tễ. Từng giáo viên phải nắm bắt, theo sát biểu hiện của học sinh, khi có biểu hiện ho, sốt thì xử lý thế nào. Nhà trường cũng cần xây dựng phương án đối với từng trường hợp cụ thể.

Theo ông Phu, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng có nhiều nghiên cứu nhấn mạnh việc học sinh sớm quay trở lại trường là nhu cầu cấp thiết, chính đáng. Đây là thời điểm thích hợp và cần thiết để cho học sinh quay trở lại trường học, đảm bảo sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ cho các cháu.

Về việc chưa có vaccine cho trẻ em, nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng cho rằng điều này là khó khăn chung của các nước trên thế giới nhưng việc đảm bảo điều kiện học tập nên được đặt lên trên. Ông Phu dự đoán trong vài ngày tới, UBND Hà Nội sẽ có quyết định chính thức về vấn đề này.

Trước đó trong dự thảo bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học, Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra 7 tiêu chí để chuẩn bị cho học sinh học tập trung.

Thứ nhất, trường phải đảm bảo cơ sở vật chấttrang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế tại trường học (thiết bị đo thân nhiệt, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nước uống, nơi rửa tay bằng nước sạch).

Tiêu chí 2 là xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và thực tiễn dịch bệnh tại địa phương.

Thứ 3, 100% học sinh, cán bộ giáo viên thực hiện khai báo sức khỏe, đo thân nhiệt ở nhà trước khi đến trường.

Sở cũng yêu cầu thường xuyên vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón (nếu có) theo đúng hướng dẫn của ngành y tế; nhân viên y tế trường học, phòng cách ly, phòng y tế đảm bảo theo quy định, có tổ chức tư vấn tâm lý học đường.

Trường tổ chức tập huấn cho học sinh, cán bộ, giáo viên về quy trình phòng chống dịch bệnh và xây dựng phương án xử trí trường hợp có sốt, ho, khó, thở hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 trong trường học. Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng có thêm 6 tiêu chí khác cho giai đoạn khi học sinh đến trường.

Mỗi tiêu chí được đánh giá ở 2 mức đạt và không đạtSố tiêu chí đạt càng nhiều, mức độ an toàn càng cao, trường học càng an toàn và ngược lại.

Nếu đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học được đánh giá đạt mức độ: Thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động.

Thanh Mai