Để nói về yêu thương, hãy bắt đầu bằng hận thù

Có những lúc, ban đầu ta chỉ thấy oán ghét nhưng đến khi tự cho mình thời gian để lặng lại, mình lại cảm thấy yêu thương có thể bắt đầu…

Yêu thương có trước, hay hận thù có trước? Ai trả lời giùm câu hỏi này đi. Con gà hay quả trứng. Ôi yêu thương và hận thù, sao mà nó giống “ra đường phải có giấy chứng nhận của UBND phường. Mà không ra đường sao lên phường chứng giấy?”. Nhưng anh Bèn nghĩ, nếu không hiểu thế nào là hận thù, rất có thể ta sẽ không biết thế nào là yêu thương cả. Và nhiều khi, hận thù lại bắt đầu từ yêu thương mà ra. Hoặc có những lúc, nhìn vào đâu đó, ban đầu ta chỉ thấy oán ghét nhưng đến khi tự cho mình thời gian để lặng lại, mình lại cảm thấy yêu thương có thể bắt đầu…

Anh Bèn kể lại một cuốn phim tư liệu mới xem, có tên là “Misha và đàn sói”. Câu chuyện trong cuốn phim được làm từ những phỏng vấn trực tiếp các nhân vật liên quan, tổng hợp thêm từ những tài liệu cũ, và xoay quanh một hiện tượng xuất bản có tên “Misha: hồi ức những năm tháng diệt chủng”. Cuốn sách xuất bản năm 1997 ấy đã được dịch ra 18 thứ tiếng, được làm thành phim, kể về ký ức của một cô gái 7 tuổi rời khỏi ngôi nhà mình được gửi gắm bảo bọc ở đó, đi xuyên rừng từ Bỉ sang Đức để kiếm tìm cha mẹ mình, những người Do Thái bị đưa vào trại tập trung ở thời Quốc xã. Và cô bé cố gắng tránh xa loài người. Giữa rừng, cô được nuôi dưỡng bởi bầy sói, như một thành viên cấp thấp trong bầy hoang dã ấy.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Câu chuyện trong cuốn hồi ký được kể bằng bút danh Misha Defonseca, đã gây chấn động thực sự. Nó mang lại rất nhiều tiền cho tác giả và cũng là nhân vật chính của hồi ký là Monique de Wael cũng như Jane Daniel, bà chủ của một công ty xuất bản nhỏ. Rồi Monique được mời đi nói chuyện trên các kênh truyền hình, kể lại câu chuyện mình trải qua, tất nhiên là trong nước mắt. Nhưng đỉnh điểm của mọi thứ bắt đầu từ vụ kiện giữa Monique de Wael đối với Jane Daniel, mà ở đó, tòa phán quyết Daniel phải trả cho Monique 25 triệu USD. Jane Daniel bắt đầu tìm những điểm sơ hở để hòng lật ngược lại phán quyết ấy.

Trong hành trình của mình, Jane, với sự trợ giúp của rất nhiều chuyên gia, đã đi ngược lại sợi dây lịch sử cuộc đời Monique và họ phát hiện ra một thứ còn chấn động hơn nhiều: toàn bộ những gì kể trong hồi ức kia là giả tạo. Chúng đều được Monique tường tượng ra. Đội ngũ của Jane lục tìm lại được nhiều hồ sơ của Monique từ khi cô còn 7 tuổi, từ bản chứng rửa tội ở nhà thờ cho tới học bạ ở trường tiểu học tại Bỉ. Và họ còn gặp gỡ cả bà dì ruột của Monique, người mà Monique đã sống chung khi còn nhỏ dưới mái nhà của ông bà ngoại mình.

Cảnh trong phim
Cảnh trong phim "Misha và đàn sói" (Ảnh: internet).

Hóa ra, cha của Monique là một người Bỉ ái quốc tham gia phong trào du kích chống phát xít Đức. Nhưng vì cái miệng hay bép xép, ông đã khiến cả một đường dây bị lộ và do đó, bị Đức Quốc xã tống giam. Mẹ của bà cũng bị bắt theo chồng và cô bé Monique mới 5 tuổi đầu đã phải sống cùng ông bà ngoại. Trong trại giam của Đức Quốc xã, cha của Monique đã thỏa hiệp, khai báo hết đồng chí của mình chỉ để đánh đổi lấy một điều: để vợ của ông không phải chịu những tra tấn cực hình.

Chính vì những lời khai ấy của mình, cha của Monique bị xem là kẻ phản bội. Sau này, khi đã chiến thắng phát xít, thành phố nơi Monique sống có một bức tường khắc tên những chiến sĩ du kích đã tham gia phong trào kháng Quốc xã. Tên của cha Monique đầu tiên được khắc ở dưới cùng của bức tường tưởng niệm nhưng nhanh chóng sau đó đã bị đục bỏ. Còn Monique thì sao? Cô bé con sống với ông bà ngoại đã liên tục bị chính ông bà, cậu dì của mình rủa xả là “mày là đứa con của kẻ bội phản”.

“Mày là đứa con của kẻ bội phản”, ấy là thương yêu hay là hận thù? Khi một bé gái xinh xắn mất cả mẹ lẫn cha trong trại tập trung của Đức Quốc xã, lẽ ra những người thân còn lại với nó là ông bà, cậu, dì cần cho nó yêu thương đắp bù thì họ lại dành cho nó những hận thù cộng đồng lẽ ra cần trút lên đầu cha của nó thì đúng hơn. Và cha của Monique, sự bội phản là đáng oán ghét, nhất là bội phản đồng chí, đồng bào trước kẻ thù hung hiểm và tàn bạo. Nhưng cái đáng oán ghét của ông ta đến từ đâu? Nếu không phải là yêu thương dành cho mẹ của Monique, dù là yêu thương rất cá nhân, có lẽ nào ông ấy trở thành kẻ đáng căm ghét? Và ông ấy có căm ghét mình hay không? Chắc nếu còn sống, và chứng kiến Monique lớn lên, có lẽ ông ấy sẽ không chỉ căm ghét sự bội phản nơi mình mà còn hận thù cả những ai dồn căm ghét kia lên con gái mình.

Monique đánh lừa rất nhiều người khi để họ tin rằng ký ức kia là có thật. Cô bị “tuyên án” bởi cộng đồng là bán mình cho quỷ dữ khi lợi dụng một bi kịch nhân loại là nạn diệt chủng để bán sách, đổi lấy danh tiếng cho mình. Những học sinh ở Pháp đã từng được gặp gỡ, nói chuyện với Monique nhờ vào sự năng động mà giáo viên ngữ văn của mình đã thể hiện để nhằm mời bằng được tác giả sách cho cuộc giao lưu đã nổi loạn trong lớp học khi họ biết họ bị lừa. Rất nhiều tổn thương, đặc biệt là với những người Do Thái từng mất mát quá nhiều và phải may mắn quá nhiều mới sống sót qua được thời kỳ đen tối nhất. Monique đáng căm ghét quá. Jane Daniel chắc cũng hận Monique lắm.

Nhưng suy cho cùng, Monique đáng thương vô cùng. Một bé gái lớn lên lạc loài, và cuối cùng, tất cả trí tưởng tượng đã tạo cho bé gái ấy một nhân cách ảo để mình có thể sống một cuộc đời bình an hơn trong nó. Đó là nhân cách của một bé gái sống giữa bầy sói, được nuôi dưỡng bởi sói, bú sữa của chúng và ăn thịt rừng mà chúng săn bắt về. Trong trí tưởng tượng đi theo Monique từ tấm bé, cô đã thà muốn sống giữa bầy sói còn hơn là bầy người. Có một sự hận thù con người đã được nuôi dưỡng trong cô, bắt nguồn từ cái nôi gia đình và cộng đồng. Để cuối cùng, cô phải là kẻ đáng thương hơn là đáng hận.

Hận thù hay yêu thương, chúng ta dễ mắc kẹt trong nó, không hiểu nổi chính mình đang hận thù hay yêu thương.

Hận thù hay yêu thương, chúng ta hoàn toàn có thể sa lầy vào câu hỏi khó ấy khi chứng kiến mảnh đời của một cậu bé Pakistan tàn tật cũng được đưa lên phim, lần này là phim điện ảnh. Nhân vật Saawan trong bộ phim cùng tên là một đứa bé Pakistan què một chân, suốt ngày chỉ lết đi nhờ vào đôi tay và phần thân dưới và bị cả làng đặt biệt danh là “Cà lết”. Cha nó quá hà khắc với nó và suốt ngày chỉ có roi vọt.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Rồi một ngày, cả nhà dọn lên thành phố sống nhưng không may là chuyến xe mà cha nó trả tiền vé trước rồi chỉ còn lại chỗ cho 3 người trong khi gia đình nó có 4 người. Khi mẹ và em gái đã lên xe, chiếc xe bỏ đi và cha nó bế nó đuổi theo xe một cách vô vọng. Nó đã cắn cha mình, để ông buộc phải buông tay, và nó bảo “Cha đi đi, vì mẹ và em cần cha hơn con”. Cha nó đuổi kịp chuyến xe và thứ còn lại duy nhất với nó chỉ là chiếc khăn burqa màu da cam mà mẹ nó bỏ lại. Saawan, với chiếc khăn ấy, cùng chiếc súng cao su (ná thun) đeo trên cổ, đã tự chế cái chân giả cho mình, tự tập đi tập tễnh bằng cái chân giả ấy, cố gắng mọi cách đi xuyên sa mạc theo lời mẹ nó từng kể trong những câu chuyện để tìm lên thành phố với cha mẹ. Cha của Saawan, trong những day dứt của một người dân nhập cư ở đô thị, đã bị thôi thúc để trở lại tìm con mình. Hai chuyến đi ngược chiều, xuyên sa mạc với nhiều biến cố cuối cùng cũng đã tìm được đến với nhau.

Tất nhiên là nước mắt. Ai xem những phim dạng này mà chả khóc. Nhưng trong nước mắt ấy ta tìm được gì? Ta tìm được yêu thương, đúng vậy rồi. Song ta cũng tìm được một chút hận thù nhen nhóm. Thứ độc ác nào đã khiến những phận đời như thế tồn tại? Và trên phim, chú bé Saawan phỏng từ câu chuyện có thật còn may mắn sống sót và gặp lại cha một cách thần kỳ. Còn ngoài đời, bao nhiêu đứa trẻ khác chỉ tìm được một thứ duy nhất: sự chết???

Anh Bèn kể lại chuyện phim Saawan cũng chẳng qua là mấy nay ồn ào quá câu chuyện thời sự mang tên Taliban. Nếu được hỏi về Taliban, chắc sẽ không ít người trả lời bằng nỗi sợ. Và chắc chắn, cũng sẽ vô số người thể hiện sự ghét bỏ mà họ dành cho lực lượng này. Những câu chuyện được nghe, những hình ảnh được thấy khiến người ta có một hình dung cụ thể về Taliban.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Nhưng có mấy ai thật sự biết được rằng đa số những chiến binh Taliban có một xuất xứ thế nào. Cuộc chiến tranh chống xâm lược và những nội chiến dai dẳng mà Afghanistan đã phải gánh chịu suốt từ thập niên 1970 tới nay đã tạo ra thứ gì? Hàng loạt trẻ mồ côi bị giằng ra khỏi gia đình, khỏi quê hương, khỏi ruộng đồng, khỏi làng xóm mà chúng đã sống. Chúng có thể may mắn được gom lại ở một trại tị nạn nào đó ở biên giới Pakistan, hoặc được đưa vào các trường dạy đạo của Hồi giáo Sunni. Và từ đó, cuộc đời chúng thay đổi. Chúng được trao súng, chúng được trang bị vũ khí là hận thù, dồn vào lực lượng mà người ta cùng cho rằng vì lực lượng ấy chúng đã mồ côi.

Nếu ở tuổi mười ba một đứa bé có thể nã AK47 để giết chết một mạng người thì mười năm sau, nó có thể xả súng tước đi sinh mạng cả chục người, trăm người mà không run tay chút nào. Chúng là hiện thân của quỷ dữ nhưng ai đã tạo ra quỷ dữ? Hận thù nào đã giết chết yêu thương mà lẽ ra chúng cần có để rồi sau này, chúng tiếp tục gieo hận thù để giết tiếp các yêu thương.

Tất cả cái vòng xoáy hận thù - yêu thương kia đã biến một mảnh đất như Afghanistan trở thành cái gì? 100 năm trước, phụ nữ ở Afghan có thể tới trường, có thể ra đường không cần burqa che mặt, không cần đi cùng chồng hay cha của mình thì 100 năm sau họ phải giam mình trong nhà và nếu có tư tưởng tiến bộ như Malala, họ có thể sẽ bị giết. 100 năm trôi qua để không có thêm một phát triển nào mà thay vào đó là thụt lùi. 100 năm ấy là 1 thế kỷ.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Và ai tạo ra một thế kỷ chỉ toàn hận thù? Ngay cả Omar, thủ lĩnh của Taliban cũng bắt đầu khởi sự bằng yêu thương trộn lẫn hận thù. Những cô gái Afghanistan bị kẻ cường quyền hiếp dâm đã tạo nên phản kháng do Omar dẫn đầu và từ đó khởi phát phong trào Taliban. Và ngay cả việc Omar gặp Bin Laden cũng vậy thôi. Bin Laden, từ một người tham gia Mujahideen đã bắt tay với Omar, người đối đầu với Mujahideen. Họ chung một kẻ thù là những đế quốc đã tạo nên chiến tranh ở Afghanistan, ở Iraq. Nếu không có các cuộc chiến ấy thì sao? Chắc hẳn Bin Laden đã không tạo ra những vụ khủng bố như ngày 11/9 đi vào lịch sử bi thương của nước Mỹ. Họ đã dùng hận thù để đền đáp cho các yêu thương của riêng mình. Đó là một sự thật. Không ai cổ vũ cho chủ nghĩa khủng bố cả nhưng khi họ yêu đồng đạo, đồng tộc và đồng bào của mình, họ sẽ nhân danh cái yêu thương đó mà biện minh cho hận thù họ tạo nên.

Cả nghìn năm người Hồi giáo sống không xung đột lớn với các tôn giáo khác, nhưng tại sao chỉ có ở thời hiện đại mới xảy ra các mâu thuẫn không thể dung hòa? Người ta dùng nhiều thứ để lý giải, từ khác biệt tôn giáo cho tới khác biệt sắc tộc. Nhưng liệu có phải như thế không? Hay là đành lý giải theo kiểu truyền thuyết là khi Allah tạo ra thế giới xong rồi, thấy còn đống vật lidaệu dư thừa, ngài không biết làm gì đành trộn lẫn lại ném xuống trần gian và tạo ra Afghanistan?

Hận thù hay yêu thương, nó chỉ là sản phẩm siêu hình của loài người mà thôi. Lòng tham lam của con người mới là căn nguyên của tất cả. Chiếm hữu lấy những gì có thể chiếm hữu được để thể hiện sức mạnh của một con đực đầu đàn là thứ luôn còn sót lại của loài thú trong lốt con người. Nhưng loài thú tinh khôn đến mấy thì cũng không có âm mưu và sự hiểm độc. Thế nên, từ cái cạnh tranh rất tự nhiên của các cá thể, con người mới tạo ra sự ác do chính căn cốt người mưu mô của mình. Và mưu mô hơn, họ mệnh danh những điều cao đẹp nhưng cách gì đi nữa, chúng cũng chỉ là cái cao đẹp riêng trong mắt họ chứ không phải cái cao đẹp mà vốn dĩ vũ trụ này vẫn ôm chứa.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Tại sao người Anh, người Mỹ, người Nga phải tranh giành ở Afghanistan khi mà ở đó vốn dĩ những người Pashtun, Uzbek, Tajiks, Hazaras vẫn đang sống yên ổn bên nhau? Để chống lại ngoại xâm và phản loạn, các quốc vương Afghan từng đã vay tiền những cư dân Do Thái, Turk… ở vương quốc của mình. Nhưng bây giờ, những người “ngoại tộc” ấy liệu có thể tồn tại bình an và làm ăn bình an tại Kabul hay Kandahar hay không khi mà chính những nhân vật lịch sử của loài người đã thổi ngọn lửa căm thù ở mảnh đất này?

Anh Bèn quay về với Việt Nam cũng chỉ để muốn nhắc một điều. Cái gọi là hận thù đội lốt yêu thương chẳng phải chỉ tồn tại ở xứ người. Hãy đọc Facebook của các KOLs đi rồi sẽ hiểu. Họ thường nói những lời yêu thương cao đẹp chứa chan tình người lắm. Nhưng họ bày tỏ hận thù cũng tinh vi lắm. Nhìn cái cách họ ví von lực lượng Taliban tràn vào Kabul với những người lính Bắc Việt năm 1975 thôi là đủ biết họ đang nuôi dưỡng hận thù ngu xuẩn nào. Chả trách mà đời vẫn bảo rằng, “bọn nói đạo lý thường sống như… à mà thôi”.

Bèn nghĩ, nhẹ nhàng thôi, đừng nói yêu thương làm gì khi ta chưa hiểu rõ bản chất của thù hận. Hiểu được bản chất của thù hận ngay trong chính mình và tìm cách diệt hận cũng đã đủ gọi là biết cách yêu thương rồi…

Anh Bèn

Hạnh phúc không là nòng súng ấm…

Hạnh phúc không là nòng súng ấm…

Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc nhưng để kiếm tìm hạnh phúc cho mình, nòng súng ấm chính là một giải pháp bệnh hoạn nhất.