Decision to leave (2022) (Tựa tiếng Việt: Quyết tâm chia tay) bộ phim mới nhất của đạo diễn Park Chan Wook là câu chuyện về "cuộc rượt đuổi", và cũng là một mối tình câm lặng của Hae Joon (Park Hae Il) và Seo Rae (Thang Duy). Hae Joon, một viên thanh tra tài trí và tận tụy với nghề, anh thường xuyên theo dõi các nghi phạm và mắc chứng mất ngủ vì những vụ án chưa thể giải mã, chúng ám ảnh theo anh lên tận giường ngủ trong những lần làm tình "cách nhật" - đều đặn như được lên lịch sẵn với vợ sau những ngày mệt nhoài vì công việc.
Trong một vụ án, sau khi điều tra về cái chết của một người đàn ông rơi xuống từ một đỉnh núi hiểm trở, Hae Joon thẩm vấn Seo Rae (Thang Duy) vợ của nạn nhân và là nghi can số một. Và kỳ lạ thay, về nhà anh có những luồng suy nghĩ kỳ quặc và lạ lùng. Hae Joon đã nói dối vợ mình rằng đó là vụ án về một cô vợ bị chồng bạo hành, nhảy xuống từ vách núi. Từ đó, bộ phim bắt đầu dẫn dắt người xem vào vào hàng loạt những bí ẩn, vừa lãng mạn, vừa đau nhói, vừa ngay gần mà như ảo ảnh không thể nắm bắt, để rồi cuối cùng, thứ mà người ta tìm thấy lại là vực đá chênh vênh và biển xanh sâu thẳm.
Decision to leave bộ phim mới nhất của đạo diễn Park Chan Wook với sự tham gia của Thang Duy trong vai Seo Rae, và Park Hae Il vai thanh tra Hae Joon. |
Thang Duy: Biểu tượng nữ tính mới trong phim của Park Chan Wook
Từ Sắc, giới (2007) tới Thu muộn (2010) đến Quyết tâm chia tay (2022), Hoa đán Thang Duy đã trải qua một con đường đầy chông gai, mà ở đó những nhân vật nữ của cô đều có số phận vô cùng ám ảnh và khốc liệt. Họ đều có những tình yêu vượt ra khỏi những ranh giới, quốc tịch, văn hóa, ngôn ngữ, với những mối tình trái ngang. Trong Sắc, giới là cô sinh viên năm nhất được cài làm "nội gián" đem lòng yêu kẻ thù, tới Thu muộn là góa phụ giết chồng mới ra tù, rồi đến Decision to leave, Thang Duy vượt thoát được bóng đen quá khứ không chỉ của các nhân vật nữ trước đó mà còn là chính cuộc đời cô. Nhờ Park Chan Wook, Thang Duy đã có một vai diễn xuất sắc, trở thành một biểu tượng nữ tính mới trong phim của Park Chan Wook, và cũng là bản lĩnh của một Thang Duy với những trải nghiệm, cảm xúc, tâm lý, sắc vóc đang ở độ tuổi "chín muồi"
Hình tượng nhân vật nữ trong phim của Park Chan Wook luôn được ông tôn vinh một cách tinh tế. Họ bản lĩnh, mạnh mẽ, độc lập và tự chủ; dù có bị chà đạp, dẫu có mắc sai lầm, nhưng không run sợ, hoài nghi, do dự, mà luôn sống hết mình, cháy hết mình vì tình yêu. Không bạo liệt như Sympathy for Mr. Vengeance (2002) Oldboy (2003) Sympathy for Lady Vengeance (2005), dù vẫn có yếu tố của sự báo thù nhưng Decision to leave (2022) được thể hiện qua hình tượng nhân vật Seo Rae vừa bí ẩn vừa tự nhiên, vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối. Với màn trình diễn xuất thần của Thang Duy, nhân vật Seo Rae đã trở thành hình tượng nhân vật nữ đẹp nhất trong các bộ phim của Park Chan Wook, tính đến thời điểm hiện tại.
Có lẽ, từ đầu tới cuối phim, khán giả vẫn thực sự không hiểu nhân vật Seo Rae là người như thế nào. Với vẻ đẹp vừa tự nhiên vừa từng trải, vừa ngây thơ vừa mạnh mẽ, Thang Duy đào sâu vào nội tâm nhân vật với ánh mắt khi sắc lạnh, lúc lại hồn nhiên; đôi môi mỉm cười đầy tinh quái khi bị thẩm vấn về cái chết của chồng, lúc lại phụng phịu như một đứa trẻ khi ăn kem. Cô vừa là Thang Duy vừa là Seo Rae, cả hai đều mạnh mẽ như núi với vẻ ngoài cứng cỏi, nhưng ẩn chứa bên trong là một trái tim dạt dào cảm xúc như sóng biển âm ỷ cuộn trào. Nếu nhân vật Seo Rae mang dòng máu đấu tranh được thừa hưởng từ truyền thống gia đình với người ông từng được nhận huân chương chiến đấu, thì Thang Duy có sự từng trải sau những sóng gió trong sự nghiệp từ sau bộ phim Sắc, Giới. Họ đều thể hiện bản lĩnh và sức mạnh bí ẩn của người phụ nữ.
Thang Duy có sự nhập vai xuất thần trong phim |
Với màn trình diễn xuất sắc của Thang Duy, nhân vật Seo Rae đã trở thành hình tượng nhân vật nữ đẹp nhất trong các bộ phim của Park Chan Wook, tính đến thời điểm hiện tại |
Theo chân Park Chan Wook , Decision to leave đưa ra hàng loạt những bí ẩn, vừa chua xót vừa đau nhói: Làm thế nào một phụ nữ lại có thể chịu đựng cả một cuộc vượt biên dài lênh đênh trên biển, trải qua những thời khắc kinh khủng để bắt đầu một cuộc đời mới? Làm thế nào một người phụ nữ lại có thể chịu sự kiểm soát của người chồng mắc bệnh sở hữu khi đánh dấu “chủ quyền” lên tất cả đồ đạc, vật dụng cá nhân và thậm chí là khắc cả tên trên thân thể vợ? Vậy nhưng Seo Rae chịu đựng tất cả, cô không ngại vượt ra khỏi những giới hạn của bản thân, để rồi cuối cùng cô làm chủ cuộc đời và số phận của mình.
Người phụ nữ trong Decision to leave được Park Chan Wook thể hiện đúng như hình tượng của nước, nhưng là nước biển với sức mạnh nội tại khủng khiếp. Vừa cuồng nhiệt lại vừa bình thản.
“Khi yêu say đắm một người đàn ông, lúc ấy người phụ nữ là nước. Cô ấy mềm mại, dịu dàng như làn nước. Cũng giống như nước, cô ấy len lỏi vào mọi ngóc ngách, mọi lỗ hổng và cứ muốn đắp đầy lên những lỗ hổng của một người đàn ông. Rồi lại đến một ngày nào đó, cô ấy biến thành hơi. Tình yêu đã đến hồi cuối, làn nước ngày nào cũng biến thành hơi bốc lên trời cao, tan biến vào hư không. Từ đó trở đi, cô ấy sống một cuộc sống mới, mãi cho đến khi gặp được một người đàn ông khác, cô ấy lại biến thành nước.” (Tuyển tập tản văn hay, Trương Tiểu Nhàn).
Sức mạnh bí ẩn của người phụ nữ còn được đạo diễn Park Chan Wook cài cắm đầy khéo léo và tinh tế qua những chi tiết tương phản. Ví dụ như ở cảnh mở đầu, 2 thanh tra tập bắn. Họ rèn luyện đôi mắt để nhắm trúng mục tiêu, và đó cũng là cách họ phá án. Họ đôi khi quá tin tưởng vào những gì nhìn thấy mà quên đi yếu tố của cảm xúc, con tim. Nhưng cuối cùng, chính cô, chỉ cần nghe anh kể về tình tiết của vụ án, với cảm quan của người phụ nữ cô đã giúp anh phá được vụ án mà bấy lâu anh theo đuổi. Anh luôn tự tin vào những tính toán và phán đoán nhạy bén của mình, phủ nhận cả cảm xúc, nhưng với cô, chẳng cần phải nói: anh yêu em, anh từ bỏ những nguyên tắc của bản thân mà nhắc cô hãy ném chiếc điện thoại xuống biển sâu, với cô đó là một lời tỏ tình.
Decision to leave là câu chuyện về cuộc rượt đuổi, và cũng là một mối tình câm lặng của Hae Joon (Park Hae Il) và Seo Rae (Thang Duy) |
Mối quan hệ của họ khiến người xem một lần nữa làm nổi bật thế giới phim của đạo diễn Park Chan Wook luôn đặt khán giả đứng giữa lằn ranh giữa cái tốt/xấu - thiện/ác – đúng/sai, để họ chật vật trước những vấn đề đạo đức và chông chênh trước những điều trái với luân thường đạo lý.
“Khổng Tử nói: người nhân đức vui với núi, còn người trí tuệ thì vui với nước, tôi thích biển.” Câu nói của nhân vật Seo Rae đã lý giải cho mối quan hệ giữa anh và cô. Đàn ông như đá núi đại diện cho sự tự tin, cho khát vọng trinh phục những đỉnh cao nhưng cũng rất khó lay chuyển. Đàn bà như nước biển sâu, khó nắm bắt và chẳng thể hiểu nổi những xa xăm trong tâm hồn nàng. Cái vời vợi của núi, cái thẳm sâu của biển; cái cô độc nơi đỉnh cao, cái mênh mông nơi biển xa, tất cả những yếu tố đó được đạo diễn Park Chan Wook xây dựng xuyên suốt trong phim với ngôn ngữ hình ảnh giàu tính ẩn dụ, nhưng không quá "hack não", mà vừa đủ để bất kỳ khán giả nào cũng có thể cảm nhận và hiểu bộ phim theo góc nhìn riêng.
Park Chan Wook – Người đưa điện ảnh Hàn Quốc tới đỉnh cao
Với Decision to leave (2022), một lần nữa đạo diễn Park Chan Wook đưa điện ảnh Hàn Quốc đạt tới đỉnh cao không chỉ bởi những giải thưởng danh giá tại Cannes, mà phim còn tiệm cận được đến nhiều đối tượng khán giả khi kết hợp được nhiều yếu tố cả yếu tố hàn lâm, giải trí và kịch tính hồi hộp. Decision to leave dễ dàng cuốn hút những khán giả ưa thích dòng phim giật gân, kỳ bí, còn với những người đam mê dòng phim hàn lâm với tính nghệ thuật cao với nhiều tầng nghĩa sẽ được thỏa mãn bởi phim giàu tính ẩn dụ. Tuy nhiên kịch bản phim không quá khó để giải mã, thậm chí lời thoại còn được dụng ý rất rõ ràng. Bên cạnh đó phim vẫn cài cắm những yếu tố về chính trị, văn hóa một cách ý nhị, đủ để dẫn dắt khán giả đi tìm sự bí ẩn trong từng chi tiết.
Đạo diễn Park Chan Wook |
Kịch bản với nhiều nút thắt nhưng cao trào không được đẩy theo cấu trúc của núi để gây mệt mỏi, mà là nhịp điệu của sóng du dương và lãng mạn. Nhịp phim nhè nhẹ, bồng bềnh, lênh đênh, đưa người xem trôi theo cảm xúc của nhân vật. Từng khung hình được chau chuốt, dàn cảnh với nhiều dụng ý sâu xa. Đôi lúc được biến tấu bằng cách dựng phim tạo sự dập dìu như phân đoạn quay cảnh 2 người lái xe đến văn phòng cảnh sát, chỉ với tiếng cần gạt, khúc cua của đoạn đường, người xem như cảm nhận được những xung động đồng điệu trong cảm xúc của nhân vật. Và không thể không nhắc đến vẻ đẹp hoàn hảo từ màu sắc của ánh sáng, trang phục, bối cảnh với sự pha trộn hài hòa, tinh tế, không phô trương, nhưng vẫn đầy tính kỹ thuật.
Decision to Leave mang đến cho những trái tim đang yêu một sự đồng điệu về cảm xúc, và cho những ánh mắt khán giả sâu sắc những chiêm nghiệm về tình yêu và cuộc sống. Những mối quan hệ trong phim của Park Chan Wook và cả những nhân vật nữ của Thang Duy đều vượt ra khỏi những ranh giới, những nền văn hóa khác nhau, điều đó phần nào gây ra những xung đột đòi hỏi một trái tim bản lĩnh, sẵn sàng chấp nhận đánh đổi tất cả dẫu phải ra đi, chia tay để được sống với tình yêu. Đó là những trái tim không ngủ yên, vì những mối tình không thể chạm tới mới là mối tình khiến người ta day dứt. Đó là một thế giới không ngủ yên, vì con người mãi phải truy lùng cái ác. Để rồi, con người mất niềm tin với con người, với ngay cả những người mà họ đã rung động, với cái tốt trước mặt mà khó mà tin. Để rồi con người cứ mãi hoài nghi về nhau, hoài nghi với chính bản thân mình và rồi chính sự nghi ngờ giết chết tình yêu.
Park Chan Wook, Thang Duy và Park Hae Il tại Cannes 2022 |
Cân bằng yếu tố giải trí và giải thưởng, Decision to leave là không khó xem nhưng cũng không dễ để hiểu hết được các tầng lớp ý nghĩa. Đó là tài năng của Park Chan Wook khiến khán giả xem rồi phải xem lại và mỗi lần xem đều có thể tìm ra những điều mới, nhưng chắc chắn sẽ vẫn nhiều cảm xúc như lần đầu.
Decision to Leave mang về cho Park Chan Wook giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Cannes lần thứ 75 với lễ trao giải diễn ra vào 28/5 vừa qua.
Với chiến thắng gần nhất này, Park Chan Wook trở thành nghệ sĩ thứ hai của Hàn Quốc giành được vinh dự tại Cannes, sau Im Kwon-taek với bộ phim lịch sử năm 2002 "Chihwaseon".
Đây cũng đánh dấu giải thưởng thứ ba Park Chan Wook được trao tại liên hoan phim danh giá này sau Giải Grand Prix cho bộ phim kinh dị năm 2003 "Oldboy" và Giải thưởng Ban giám khảo cho bộ phim kinh dị năm 2009 "Thirst".
Ma Trận: biểu tượng của phim hành động - viễn tưởng qua hai thập kỷ
“Ma Trận” sẽ trở lại với phần phim thứ tư mang tên “Ma Trận: Hồi Sinh (tựa gốc: The Matrix Resurrections)” vào dịp Giáng sinh 24.12.2021 sắp tới.