Doanh nghiệp thực hiện "ba tại chỗ" và 'một cung đường hai địa điểm"

Nhiều đơn vị xoay xở không kịp nên chấp nhận đóng cửa nhà máy hoặc thu hẹp quy mô hoạt động.

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, những doanh nghiệp (DN) không đáp ứng được quy định vừa sản xuất vừa cách ly cho công nhân theo phương châm làm tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và “một cung đường hai địa điểm” thì phải dừng hoạt động từ ngày 15-7. Tuy nhiên, nhiều đơn vị xoay xở không kịp nên chấp nhận đóng cửa nhà máy hoặc thu hẹp quy mô hoạt động.

Ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn cho biết kể ngày 14-7, ban lãnh đạo công ty đã gấp rút triển khai chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tiêu chí “ba tại chỗ” cho lực lượng lao động sản xuất tại nhà máy. Công ty tiến hành làm vệ sinh khu vực hội trường, khu vực tiếp khách, văn phòng chưa sử dụng… để làm chỗ ở cho khoảng 200 người lao động (NLĐ). Việc thực hiện tiêu chí “ba tại chỗ” không hề đơn giản vì thời gian quá gấp gáp và có nhiều việc phát sinh. Tuy nhiên, NLĐ ở ngay trong nhà máy cũng là một cách để bảo vệ họ trước nguy cơ bị lây nhiễm từ bên ngoài.

Doanh nghiệp thực hiện

“Tôi là một trong những người đầu tiên xách valy vào nhà máy ở vì khi có tôi mọi người sẽ yên tâm hơn. Bản thân tôi cũng cố gắng tìm nguồn nguyên liệu để chế biến thực phẩm nhằm đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cho NLĐ. Bằng tất cả giải pháp của chính quyền và doanh nghiệp, hy vọng TP.HCM sớm ngăn chặn được dịch bệnh” - ông Dũng bày tỏ.

Đại diện Acecook Việt Nam thông tin, trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, công ty đã lên phương án “ba tại chỗ”. Theo đó, hiện có khoảng 1.000 nhân viên công ty ở lại theo phương châm này.

Ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hansae Việt Nam, cho biết đơn hàng hiện đảm bảo cho hơn 8.000 công nhân của công ty làm việc ổn định. Song do dịch bệnh diễn biến khó lường nên gặp nhiều khó khăn do gia tăng các biện pháp y tế để phòng chống dịch. Đặc biệt với quy mô sản xuất và số lao động hiện tại công ty khó đáp ứng hai phương án trên.

“Với những đơn vị có quy mô lao động thấp thì mới có thời gian để chuẩn bị và đáp ứng phương án “ba tại chỗ”. Còn với những công ty có hàng ngàn người thì khó khả thi. Do vậy chúng tôi đang tính toán một số phương án, trong đó nếu tạm dừng hoạt động trong thời gian ngắn thì vẫn trả lương cho NLĐ. Còn nếu dịch vẫn tiếp tục kéo dài thì phương án tạm dừng hợp đồng cũng cần tính đến” - đại diện Hansae Việt Nam nói.

Nhiều công ty khác cũng chia sẻ hiện đơn hàng xuất khẩu khá ổn định nhưng , phương án “ba tại chỗ” không dễ thực hiện.

Nhiều công ty sản xuất mặt hàng thực phẩm, hàng xuất khẩu lo ngại nếu đóng cửa nhà máy sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu. Do vậy, các DN kiến nghị cơ quan chức năng cần đưa ra các điều kiện cũng như lộ trình hợp lý để các DN có thời gian thực hiện. Như vậy mới đạt được mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng.

Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM (HBA) vừa có công văn gửi UBND TP.HCM đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện chủ trương “ba tại chỗ”, “một cung đường hai địa điểm”. Đơn vị này cho hay các đơn vị sản xuất, kinh doanh vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, giữ chân công nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh và tổ chức đi lại, ăn ở cho công nhân.Tuy nhiên, các DN cho biết đang gặp khó khăn khi tìm nơi tạm trú cho công nhân.

DN rất mong chính quyền quan tâm hỗ trợ cho DN được thuê mướn hoặc sử dụng các mặt bằng trong phạm vi quản lý của Nhà nước, kiến nghị các quy định cần có sự linh hoạt và ưu tiên cho một số ngành nghề đặc thù quan trọng.•

Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cho hay hiện Khu công nghệ cao có 70/85 công ty đăng ký tiếp tục hoạt động theo quy định mới. 

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM, đề xuất TP cần tháo gỡ khó khăn cho DN trong giao thông hàng hóa. Đặc biệt, do số lượng công nhân lớn nên việc lo ăn ở sẽ gặp khó khăn, vì vậy hiệp hội kiến nghị các đơn vị liên quan hình thành ngay hệ thống cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các DN thực hiện “ba tại chỗ”.

Hiệp hội cũng cho rằng cần khuyến khích DN tự xây dựng khu cách ly tạm thời nhằm chủ động xử lý tình huống phát sinh F0 và F1 ngay trong nhà máy.

Thanh Mai

Người dân TP.HCM vẫn mua rau xanh giá cao gấp 3-4 lần

Người dân TP.HCM vẫn mua rau xanh giá cao gấp 3-4 lần

Thị trường thực phẩm trong những ngày gần đây ghi nhận nhiều biến động về giá cả và sức mua, do tác động dịch bệnh COVID-19. Đáng chú ý là các mặt hàng rau củ, quả tại TP.HCM tăng giá mạnh, gấp 3 - 4 lần so với trước.