Nhằm hưởng ứng chủ trương không dùng tiền mặt, tháng 6/2019, PVOil đã ký kết hợp tác với Viettel, đưa các kênh giao dịch điện tử của Viettel qua các ứng dụng như ViettelPay và Bankplus đến với khách hàng cá nhân mua xăng dầu tại các cửa hàng của đơn vị này.
Theo đó, khách hàng có thể dễ dàng mua xăng không cần dùng tiền mặt mà chỉ cần thao tác qua vài bước nhập thông tin và quét mã QRcode. Ngoài ra, PVOil cũng đưa vào vận hành chương trình PVOil easy - ứng dụng thanh toán bằng QRcode, phục vụ riêng cho khách hàng doanh nghiệp.
Mới đây, PVOil còn hợp tác với ví điện tử MoMo để gia tăng và đẩy mạnh các tiện ích thanh toán không tiền mặt cho khách hàng. Hiện PVOil đã có hơn 550 cây xăng trên cả nước, tuy nhiên doanh thu từ thanh toán không tiền mặt chỉ mới chiếm vài %.
Về phía Petrolimex, từ khi chính thức triển khai vào cuối tháng 8, số cột bơm xăng, dầu tại nhiều cây xăng của doanh nghiệp này đều có thanh toán OTP, máy POS hay ví điện tử nhưng nhìn chung người đổ xăng vẫn chưa quen với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt này.
Đáng chú ý, khách hàng sẽ được thưởng 150 đồng cho mỗi lít xăng nếu dùng thẻ để thanh toán nhưng kết quả cũng không mấy khả quan. Doanh thu từ thanh toán không dùng tiền mặt vẫn rất còn khiêm tốn, nơi cao nhất chiếm chưa đến 15% trong tổng danh thu.
Theo đại diện truyền thông ví điện tử MoMo, việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng xăng dầu phải là sự nỗ lực từ ba phía: đơn vị cung cấp dịch vụ, người bán và người dùng. Hiện nhân viên cây xăng PVOil đang được tập huấn triển khai chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử, tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng việc này tương đối vất vả vì số lượng cây xăng nhiều và nhân viên cũng khá đông.
Không có gì phải bàn cãi về tiện ích thanh toán không tiền mặt trong thanh toán mua hàng hóa dịch vụ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa dịch vụ. Nhưng nếu các doanh nghiệp không huấn luyện cho nhân viên bán hàng và coi khách thanh toán không dùng tiền mặt là một yêu cầu bắt buộc, thì vẫn còn rất nhiều rào cản tiến đến thanh toán điện tử.
Từ góc độ người tiêu dùng, do thói quen thanh toán bằng tiền mặt đã tồn tại nhiều năm nên khi các cây xăng vẫn có hai điểm đổ xăng dầu trả bằng tiền mặt và thanh toán bằng quét mã QR, người tiêu dùng thói quen sẽ chọn việc trả tiền mặt.
Nói như vậy để thấy rằng, các nhà cung ứng sản phẩm thanh toán di động và các doanh nghiệp chấp nhận thanh toán quét mã QR cần phải nghiên cứu tập quán và hành vi của người tiêu dùng để có những hình thức cải tiến trong thanh toán phi tiền mặt thuận tiện và an toàn hơn họ mới thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt.
Có thể dùng Ví MoMo thanh toán tại cây xăng
Từ 27/10, tại nhiều cửa hàng xăng dầu của PVOIL và COMECO ở TP.HCM và Hà Nội sẽ triển khai thí điểm thanh toán bằng Ví điện tử MoMo.