Dù có vắc xin Covid-19 cũng khó tạo ra miễn dịch cộng đồng cho toàn thế giới trong 2021

Chủ quan cho rằng vắc xin là giải pháp tốt nhất để kiểm soát đại dịch COVID-19, các nước có thể không còn tập trung vào công tác giám sát.

Việc vắc xin ngừa COVID-19 được nhanh chóng phê chuẩn ở nhiều quốc gia giúp nhiều người cảm thấy lạc quan hơn trong bối cảnh dịch bệnh đã và đang hoành hành ở mức tàn phá cả thế giới. Tuy nhiên, liệu việc tiêm vắc xin có thể miễn dịch cộng đồng như tưởng tượng?

Theo một số chuyên gia việc này cần nhiều thời gian hơn bởi sự hạn chế trong việc tiếp cận vắc xin đối với các nước nghèo, sự hoài nghi của công chúng và khả năng biến đổi của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

  Bà Sylvia Osarch - nữ nhân viên y tế - là người đầu tiên ở Palau được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh: AFP

Bà Sylvia Osarch - nữ nhân viên y tế - là người đầu tiên ở Palau được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh: AFP

Ông Dale Fisher - chủ tịch Mạng lưới phản ứng và cảnh báo về sự bùng phát toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định khó có thể quay trở lại cuộc sống bình thường một cách nhanh chóng. Cần phải hình thành miễn dịch cộng đồng tại phần lớn các quốc gia trên thế giới, tuy nhiên điều này sẽ không xảy ra trong năm 2021. 

Nhà dịch tễ học Pandu Riono thuộc Đại học Indonesia cho rằng sẽ rất nguy hiểm khi một số chính phủ phụ thuộc quá mức vào các loại vắc xin phòng COVID-19. Nhiều nước có thể sẽ chỉ tập trung vào việc sử dụng vắc xin kiểm soát dịch mà quên đi các biện pháp truyền thống như xét nghiệm, truyền thông, phòng dịch cơ bản...

Bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO, dù ngợi khen nỗ lực của cộng đồng khoa học - y tế trong việc bào chế được nhiều loại vắc xin phòng COVID-19 hiệu quả cao trong thời gian ngắn chưa đầy một năm, nhưng bà cũng cho rằng không nên quá kỳ vọng vào miễn dịch cộng đồng nhanh chóng.

Một số quốc gia như Mỹ, Singapore, Anh và một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, trong đó có vắc xin của hai hãng dược Pfizer (Mỹ)-BioNTech (Đức) và vắc xin của Đại học Oxford/AstraZeneca (Anh). Indonesia và Ấn Độ đã lên kế hoạch bắt đầu tiêm chủng đại trà vào cuối tuần này.

WHO cảnh báo các nước thu nhập thấp khó có thể tiếp cận vắc xin. Đặc biệt là một số người cũng thiếu niềm tin vào vắc xin sẽ làm ảnh hưởng đến tiêm chủng. Trong khi đó, khả năng virus SARS-CoV-2 tiếp tục biến đổi có ảnh hưởng đến các loại thuốc đang sử dụng vẫn đang là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Bà Gloria Guevara - giám đốc điều hành của Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), người đại diện cho một lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và chiếm tới 10% việc làm toàn cầu, bình luận: "Chúng ta đừng nên yêu cầu tiêm vắc xin để kiếm việc làm hoặc đi du lịch. Nếu có yêu cầu tiêm phòng trước khi đi du lịch, chúng tôi cảm thấy bị phân biệt đối xử".

Ông Tony Fernandes - giám đốc điều hành Tập đoàn hàng không AirAsia - cũng ủng hộ việc không nhất thiết phải có "giấy chứng nhận đã tiêm phòng" và cho biết các xét nghiệm virus corona đang sử dụng hiện nay đủ để mở khóa du lịch.

Thanh Mai

Cuộc đua vaccine COVID-19 trên toàn cầu đang diễn ra như thế nào?

Cuộc đua vaccine COVID-19 trên toàn cầu đang diễn ra như thế nào?

Tính đến hiện tại, trên thế giới có khoảng 24 triệu liều vaccine COVID-19 được sử dụng và hàng trăm triệu liều cũng đang triển khai tại hơn 40 quốc gia