Tạm bỏ qua những tranh cãi quanh chuyện nhân sự xin nghỉ việc ngay sau khi nhận thưởng Tết, vì suy cho cùng đó chỉ là quan điểm cá nhân, rất khó phân định đúng - sai. Tuy nhiên, nếu bạn cũng đang ấp ủ dự định nhảy việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đây là những điều bạn cần biết và chuẩn bị để "nhảy" thành công, thay vì "ngã sõng soài".
Thị trường việc làm trong năm 2024 liệu có khởi sắc?
Theo Tổng cục Thống kê, dù nền kinh tế Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động của kinh tế toàn cầu, nhưng thị trường lao động lại có sự tiến triển nhất định khi nhiều doanh nghiệp có đơn hàng mới, mở rộng kinh doanh và các dự án trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động. Từ đó, nhu cầu tuyển dụng dần khởi sắc trở lại trong năm 2024.
Ảnh minh họa |
Báo cáo triển vọng thị trường lao động năm 2024 của Navigos Group cũng cho thấy: Dù có những biến động trong thị trường tuyển dụng nhưng 59,1% doanh nghiệp cho biết vẫn sẽ tuyển dụng thêm 25% nhân sự.
Trong năm 2024, đây là 5 nhóm ngành được dự đoán là có nhu cầu tuyển dụng cao nhất, theo khảo sát của Reeracoen Vietnam (Công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng):
1. Công nghệ thông tin và Phát triển phần mềm
2. Sản xuất, kỹ thuật
3. Khách sạn, du lịch
4. Thương mại điện tử và Tiếp thị kỹ thuật số (Digital Marketing)
5. Y tế và Dược phẩm
Cần chuẩn bị những gì để có "cú nhảy" thành công trong năm mới?
"Tay không ra trận" thì chắc chắn là thua rồi, việc gì chẳng thế. Muốn deal được mức lương tương đương hoặc tốt hơn công việc cũ, bạn cần có trong tay 3 thứ này.
1 - Quỹ khẩn cấp
Chưa tìm được việc mới, cũng không có đồng nào trong quỹ khẩn cấp, tốt nhất là nên dẹp ngay suy nghĩ nhảy việc đi. Lý do rất đơn giản và dễ hiểu thôi: Nếu không có tiền, bạn lấy gì để duy trì cuộc sống trong những tháng ngày tìm việc?
Ảnh minh họa |
Số tiền tối thiểu mà bạn cần có trong quỹ khẩn cấp là 3 tháng tiền sinh hoạt phí, mà 6 tháng thì lại quá tốt.
Việc có tiền trong quỹ khẩn cấp không chỉ là để duy trì cuộc sống khi thất nghiệp, mà còn giúp bạn tránh rơi vào bế tắc đến mức đành phải chấp nhận một công việc mới với môi trường và mức lương chẳng bằng công việc cũ. Vậy thì nhảy việc là quyết định vô nghĩa rồi, đúng không?
Thế nên, làm gì thì làm, cứ phải có ít nhất 3 tháng tiền sinh hoạt phí trong tay đã, rồi hẵng nộp đơn xin nghỉ việc cho sếp!
2 - Kỹ năng làm việc tân tiến
Nếu khả năng dùng Excel, Photoshop, Adobe Illustrator,... của bạn đang ở mức cơ bản hoặc dưới cả mức cơ bản (bập bẹ, chẳng biết gì mấy), tốt nhất là bạn nên trì hoãn quyết định nhảy việc của mình và đi học thêm. Bao giờ tự tin mình có thể dùng các ứng dụng này ở mức độ Khá trở lên, hãy tính tới chuyện nhảy việc.
Vì sao ư? Đừng quên chúng ta đang sống trong thời đại mà AI có thể vẽ ảnh, viết văn, làm báo cáo, tổng hợp dữ liệu,... Nếu bạn không có kỹ năng đỉnh hơn 1 tài khoản AI, bạn nghĩ có lý do gì để nhà tuyển dụng "say yes" với bạn?
3 - Chuẩn bị tinh thần vững vàng
Dù thị trường tuyển dụng được dự đoán là sẽ có phần khởi sắc hơn trong năm 2024 nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn ngay tức khắc tìm được một công việc mới, sau khi nộp đơn nghỉ việc.
Ảnh minh họa |
Thử tưởng tượng xem nếu nghỉ Tết xong mà thất nghiệp 3 tháng, liệu bạn có cảm thấy ổn được không? Nếu câu trả lời là có, hãy nộp đơn xin nghỉ. Còn nếu không, cũng đừng vội. Cứ vừa làm vừa tiết kiệm, vừa cập nhật CV đồng thời học thêm những kỹ năng mới, cho đến khi nào bản thân cảm thấy tự tin sống sót qua 3 tháng thất nghiệp, hãy nghỉ việc.
Thất nghiệp 1-2 tuần có thể không phải là chuyện gì đáng lo, nhưng nếu con số đó được tính bằng tháng, mà tinh thần bạn không vững vàng, quyết định nghỉ việc rất có thể sẽ đẩy bạn vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Lúc đó mà hối hận thì cũng đã muộn rồi.
Thế nên, hãy suy nghĩ và chuẩn bị thật kỹ càng trước khi nộp đơn nghỉ việc nhé!
Bạn có phải là "tín đồ" của...nhảy việc?
Sự kiện cô gái vàng Lê Diệp Kiều Trang rời Go Viet sau vài tháng làm CEO khiến nhiều người giật mình về tình trạng nhảy việc liên tục của giới trẻ.