Tôi gặp lại cô bạn sau hơn một năm, kể từ ngày cô ấy ly hôn. Không thể nhận ra, bởi cô ấy đã hoàn toàn thay đổi. Trẻ trung, khoáng đạt, tự tin và hoàn toàn thay đổi về cách ăn mặc.
- Cậu nhìn gì thế? Không phải là đang định tán tỉnh tớ đấy chứ?
Khi tôi khen bộ quần áo đang mặc, cô ấy ngạc nhiên: “Ôi, tớ tưởng cậu sẽ chê chứ! Ngày xưa ông xã tớ ghét tớ mặc kiểu này lắm. Đến nỗi tớ cũng nghĩ là mặc kiểu này nhìn tớ rất buồn cười, nhưng giờ chả ai cấm nên tớ mặc thế. Thực ra tớ vẫn thích mặc kiểu này, nó khiến tớ cảm thấy thoải mái, tự tin”.
Tôi nhớ lại hình ảnh cô bạn mình trong suốt 20 năm của cuộc hôn nhân. Luôn là một phụ nữ ăn mặc cẩn thận, nguyên tắc, sang trọng, với những chuẩn mực về màu sắc. Bạn bè đều ngưỡng mộ cách ăn mặc của cô ấy.
- Hồi đó cậu vẫn luôn mặc đẹp mà.
- Tớ biết là đẹp chứ! Có điều tớ thích mặc thế này hơn, nó giống với con người của tớ hơn.
Tranh minh họa: Internet. |
- Cậu không thích cách mà cậu mặc trong suốt 20 năm?
- Ừ, đó là kiểu mà chồng tớ thích, và anh ý phân tích những lý do tớ nên mặc như thế. Anh ấy nói rất thuyết phục và tớ không tìm thấy bất cứ lý do nào để cãi. Có những lúc tớ đã mua những món đồ tớ thích, nhưng khi mặc vào thì anh ý giễu cợt không còn chỗ nào mà chui. Dù tớ biết là tớ chỉ cảm thấy tự tin khi mặc đồ theo cách của mình, nhưng điều đó tớ tự thấy rất vớ vẩn so với những lý lẽ đầy thuyết phục của anh ý.
- Nhưng cậu thích cơ mà?
- Tớ thích, nhưng thích một thứ không thuyết phục được chồng mình, nếu mà nói ra thì thành mâu thuẫn, thế thì có mà bỏ nhau sớm.
Câu chuyện dừng ở đó. Tất nhiên tôi không đành lòng nói với cô bạn của mình rằng cuối cùng họ cũng đã bỏ nhau, dù cô ấy luôn sẵn sàng hy sinh mọi thói quen của mình khi nó mâu thuẫn với chồng cô. Tôi chỉ chợt nghĩ rằng, nếu như cô ấy cứ mặc những thứ mình thích, để tự tin, khoáng đạt như bây giờ, có lẽ người chồng mà cô ấy luôn ngưỡng mộ đã không phát chán mà tìm đến với một người đàn bà khác.
Người đàn ông nào cũng có những chuẩn mực cá nhân, và anh ta sẽ muốn vợ mình tuân thủ những chuẩn mực đó, dù chỉ là chuyện nhỏ như quần áo mà thôi. Để áp đặt mong muốn của mình, dĩ nhiên, người ta sẽ luôn có những cơ sở lý luận để chứng minh mong muốn của mình là thoả đáng, là chuẩn mực. Chỉ có điều, không nhiều người đàn bà hiểu được rằng, đàn ông lý luận chỉ đơn giản là một thú vui, những lý luận của họ, có được nghị quyết hoá để thực hiện hay không, chẳng bao giờ là quá quan trọng.
Một người đàn ông yêu một người đàn bà khi người đàn bà đó là chính bản thân, chứ không phải một hình mẫu do anh ta tạo ra. Người đàn ông đó có thể lý luận, tranh cãi về điều mà anh ta nghĩ rằng đúng đắn. Nhưng điều đúng đắn nhất với một người đàn ông đang yêu luôn luôn là điều mà chính người yêu của anh ta mong muốn, như cách mà Tagore đã nói: “Em thế nào thì cứ thế mà đến, chớ có loay hoay sửa soạn áo quần”.
Cô bạn tôi có thể đồng ý với những quan điểm phục trang của chồng. Nhưng nếu cô ấy vẫn mặc những thứ mà cô ấy thích, cuộc hôn nhân của họ cũng không vì thế mà đổ vỡ. Khi họ đến với nhau, cô vẫn ăn mặc thế, chẳng có lý gì mà cuộc hôn nhân của họ đổ vỡ chỉ vì cô vẫn mặc theo cách mà cô muốn, cách mà họ đã đến với nhau.
Hôn nhân không mong manh như cách mà cô bạn tôi đã nghĩ, nó không đổ vỡ chỉ vì sự khác biệt trong thói quen của hai vợ chồng. Hôn nhân chỉ đổ vỡ khi người ta cố tình thay đổi bản thân mình, dù theo cách để trở nên hoàn hảo hơn.
Cô bạn tôi cũng giống như nhiều người đàn bà khác, đã cố gắng thay đổi để phù hợp với chồng. Đôi khi, sự cố gắng đó là một quá trình huỷ hoại bản thân, và khi cố gắng huỷ hoại bản thân, họ sẽ coi đó là một sự hy sinh và đòi hỏi được đền đáp. Khi đó, họ cũng sẽ cố gắng tìm cách để thay đổi chồng mình. Bi kịch của hôn nhân thường bắt đầu từ đó.
Khi cố gắng tìm cách để thay đổi vì hôn nhân, họ đã biến cuộc hôn nhân thanh một quá trình hủy hoại lẫn nhau.
Đàn bà đẹp chưa hẳn đã hạnh phúc, nhưng đàn bà hạnh phúc nhất định sẽ đẹp
Là đàn bà sinh ra trên đời, với sự yếu đuối bẩm sinh, chỉ cần cảm giác vui vẻ và hài lòng với những gì mình đang có là hạnh phúc.