Bạn tôi, giữa những trận bóng đêm hè lên mạng xem phim, tìm những câu thoại hay để nịnh vợ. Xem xong trận bóng khuya, khẽ khàng vào ôm vợ, bắt trước nhân vật trong phim, âu yếm hỏi “Có giấc mơ nào của em đi lạc không, để anh tìm giúp?”. Không thấy vợ trả lời, anh đưa tay sờ má, thấy đầm đìa nước mắt. Câu hỏi đó, nào ngờ đã chạm vào một nỗi niềm thăm thẳm. Chị đã quên bẵng những giấc mơ thiếu nữ của mình, cho đến khi anh vô tình gợi nhớ.
Bạn tôi kể, anh đã thức trắng đêm vì nghĩ đến 20 năm cuộc đời của vợ, một người phụ nữ đã tự nguyện lùi về với những điều được coi là phận sự, để người đàn ông của mình yên lòng theo đuổi những giấc mơ của anh. Chuyện là như thế và hầu hết những người đàn ông may mắn như anh bạn của tôi đều không thể nhớ, không thể hình dung người phụ nữ mình yêu lại có những giấc mơ mất tích. Bởi, với những người đàn ông ấy, chẳng có điều gì dễ như niềm mơ ước.
Chị nhớ đến những giấc mơ của mình, những giấc mơ không bao giờ chết nhưng nó không về (Ảnh minh họa). |
Trên facebook, tôi có một bạn nữ ngoại thất tuần, mẹ của một người bạn. Bà đang tập làm thơ, vụng dại nhưng đầy say mê, mặc những cô con gái đã trưởng thành hồn nhiên giễu cợt. Đọc những câu thơ vụng về của bà, ban đầu tôi thường thấy buồn cười, nhưng nhìn cái cách bà cố gắng vật lộn với nhịp điệu chữ nghĩa hàng ngày, tôi nhận thấy một sức sống mạnh mẽ, như một mầm cây đang bật ra khỏi khe nứt của bức tường. Sự mê say ấy, dường như bà đã ủ kín trong lòng mình suốt bao nhiêu năm qua, đó là quãng thời gian để các cô con gái của bà lớn lên, học hành giỏi giang và giờ đã trở thành đồng nghiệp của tôi.
Năm, sáu năm về trước, một cô học trò của tôi đang là doanh nhân thành đạt tự dưng đi lấy chồng. Anh chồng là đối tác kinh doanh. Sau tuần trăng mật, cô ấy gặp tôi, khoe: “Em mới mua một mảnh đất ven sông, đẹp lắm! Cả chục năm kinh doanh buôn bán, dành dụm cũng đủ rồi, sinh con xong em sẽ về đó dựng xưởng vẽ, khởi động ước mơ hội họa hồi trẻ”. Tôi nhớ những bức ký họa sống động của cô gái ngày xưa, bắt tay em, chúc mừng em trở lại. Bẵng đi năm năm, một buổi chiều gặp em lái xe đưa con gái đến trường. Hỏi vẽ vời ra sao? Em cười, gượng gạo: “Con Nhím nó lấy hết thời gian của em rồi, đến đi xem tranh còn khó, nói gì vẽ…”
Cô học trò xinh đẹp của tôi có hạnh phúc hay không? Thật khó để trả lời câu hỏi này! Cô ấy vẫn xinh đẹp, đời sống đủ đầy, chồng thành đạt, con gái xinh xắn. Cô ấy chỉ gượng gạo khi nhắc đến ước mơ của mình, đó là ước mơ không bao giờ chết, nhưng nó không về.
“Có giấc mơ nào của em đi lạc hay không?” - Khi hỏi vợ điều đó, người bạn của tôi chỉ nghĩ rằng đó là một câu nói êm tai và trìu mến. Chỉ đến khi thấy những giọt nước mắt âm thầm của cô ấy, anh mới chợt nhận ra bao nhiêu năm qua vợ anh đã chỉ sống cho những giấc mơ của chồng. Điều duy nhất để anh tự an ủi niềm ân hận của mình là sự tự nguyện, là “Cô ấy đã lựa chọn điều đó. Mình luôn tôn trọng sự lựa chọn của cô ấy cơ mà!”.
“Cô ấy tự lựa chọn cơ mà” sẽ luôn là liều thuốc an thần xua tan nỗi áy náy của đàn ông trong mọi trường hợp để họ có thể yên tâm theo đuổi những giấc mơ của mình và mặc nhiên quên rằng những người phụ nữ của họ cũng có những giấc mơ. Nếu có chợt nhớ ra thì họ cũng vẫn có thể an ủi rằng cô ấy đã tự nguyện hy sinh. Và hầu như mọi ông chồng đều không bao giờ tự hỏi điều gì khiến họ phải hy sinh, hầu hết đều mặc nhiên nghĩ rằng mình xứng đáng.
Một cô bạn của tôi hoạt động nữ quyền. Cô ý mạnh mẽ, cô ý luôn cổ vũ phụ nữ theo đuổi những giấc mơ của riêng mình. Một lần, cô ý hỏi tôi vì sao anh không dám làm điều anh thích. Tôi xấu hổ thừa nhận rằng mình còn vướng bận con nhỏ thì cô ấy khuyên: “Anh nên lấy một cô vợ để có người đỡ đần”. Tôi trả lời: “Nhưng sao có thể vì để theo đuổi những giấc mơ của mình mà lấy một người phụ nữ để người ta phải hy sinh vì mình?”. Cô ấy bảo: “Nhưng anh có bắt đâu, người ta tự nguyện mà!”. Đấy là khi người ta bỗng có một giấc mơ đi lạc thôi, tôi nghĩ.
Khuôn mặt đàn bà
Đàn bà hãy vui bởi những điều mà bản thân mong muốn, đừng chờ đợi bất cứ người đàn ông nào mang lại cho mình, dẫu đó là người mình yêu thương.