Emergency Declaration: Dunkirk của điện ảnh Hàn Quốc?

Emergency Declaration là những câu chuyện về con người, xã hội, các vấn đề thời cuộc, được đề cập một cách trực diện và gợi nhiều suy ngẫm

Kinh phí lớn, kĩ xảo hoành tráng, nội dung kì vỹ, dàn diễn viên thuộc hàng “star-studded cast”, nhưng Emergency Declaration của đạo diễn Han Jae Rim lại đang trở thành đề tài tranh luận của nhiều khán giả. Nhiều ý kiến cho rằng bộ phim không có gì mới, và quá “hụt hơi” khi so sánh với 2 “bom tấn” của dòng phim thảm họa Hàn Quốc là Train To Busan (2021) và Exit (2019).

Thực tế, Emergency Declaration là sự hòa trộn của nhiều phong cách làm phim khác nhau, của cả Hàn Quốc và thế giới. Và dường như đây là một hướng đi mới của các nhà làm phim xứ Kim Chi.

Emergency Declaration (Hạ cánh khẩn cấp) là bộ phim mới nhất của đạo diễn Han Jea Rim
Emergency Declaration (Hạ cánh khẩn cấp) là bộ phim mới nhất của đạo diễn Han Jea Rim

Dunkirk của điện ảnh Hàn Quốc

Emergency Declaration (Tên tiếng Việt: Hạ cánh khẩn cấp) tái hiện lại sự cố kinh hoàng xảy ra trên chuyến bay mang số hiệu KI501 của hãng hàng không Sky Korea, khởi hành từ sân bay quốc tế Incheon tới Honolulu, Hawaii. Một hành khách có những biểu hiện lạ và bắt đầu bị thổ huyết rồi tử vong trước sự bàng hoàng của toàn bộ hành khách và tiếp viên trên chuyến bay.

Rất nhanh chóng, lực lượng cảnh sát đã phát hiện ra kẻ không tặc âm mưu cấy một loại virus chết người vào cơ thể, rồi lên chuyến bay và phát tán virus với tốc độ lây nhiễm khủng khiếp. Tất cả phi hành đoàn chìm trong hỗn loạn và sợ hãi. Cùng với đó là sự vào cuộc đầy gấp gáp của các nhà chức trách, nhằm tìm ra chân tướng kẻ khủng bố đồng thời phải tìm thuốc điều trị chỉ trong khoảng thời gian ngắn khi chuyến bay sắp hết nhiên liệu và phải hạ cánh khẩn cấp, nhưng không một sân bay nào đón nhận một con virus có nguy cơ là đại dịch toàn cầu.

Emergency Declaration tái hiện sự cố kinh hoàng xảy ra trên chuyến bay mang số hiệu KI501 của hãng hàng không Sky Korea
Emergency Declaration tái hiện sự cố kinh hoàng xảy ra trên chuyến bay mang số hiệu KI501 của hãng hàng không Sky Korea

Emergency Declaration gợi nhớ đến nhiều tác phẩm điện ảnh của Hàn Quốc và thế giới. Ta có thể gặp một chút thảm họa kinh hoàng ở Train to Busan (2016), hay một chút hài hước của Exit (2019), và rất nhiều chút giống với các bộ phim về thảm họa và khủng bố hàng không của điện ảnh Mỹ. Với cá nhân người viết, Emergency Declaration gợi nhớ đến Dunkirk của Christopher Nolan. Cách xây dựng kịch bản “đa tầng” quen thuộc của Nolan được đạo diễn Han Jae Rim vận dụng khá khéo léo trong phim. Emergency Declaration được đan xen nhiều tuyến truyện ở nhiều không gian khác nhau, với sự kết hợp của âm thanh và âm nhạc cùng nghệ thuật dựng phim để tạo ra một sự cộng hưởng tuyệt vời. 3 nhân vật gồm những diễn viên ảnh đế và ảnh hậu của điện ảnh Hàn Quốc đều đóng vai trò trung tâm của bộ phim, cùng lúc tạo ra một câu chuyện phim đầy kịch tính.

Trên không là chiếc máy bay bị khủng bố sinh học, do Jae Hyeok ( Lee Beung Hun thủ vai) cùng các hành khách và phi hành đoàn phải đối đầu với tên khủng bố Jin Seok (Im Si Wan thủ vai) – kẻ đã phát tán thứ virus chết chóc.  

Trên mặt đất là hành trình của cảnh sát In Ho (Song Kang Ho thủ vai) điều tra về kẻ khủng bố đồng thời tìm vắc-xin để ngăn chặn đại dịch.

Trong sở chỉ huy là chiến lược đàm phán đầy cam go của nữ bộ trưởng Sook Hee (Jeon Do Yeon thủ vai) với các quốc gia Mỹ, Nhật,… để tìm nơi hạ cánh khẩn cấp cho chuyến bay.

Phim quy tụ dàn diễn viên thực lực và sáng giá của điện ảnh Hàn
Phim quy tụ dàn diễn viên thực lực và sáng giá của điện ảnh Hàn

Emergency Declaration quy tụ dàn diễn viên sáng giá đẳng cấp thế giới, với một kịch bản phức tạp khi khai thác một đề tài cũ. Đây có thể coi là một hướng đi đầy thử thách và khó khăn với đạo diễn Han Jae Rim. Tuy nhiên, anh đã xử lý “bài toán” khó này khi kế thừa phong cách làm phim của đạo diễn lừng danh Christopher Nolan với “tham vọng” để tạo ra một Dunkirk của điện ảnh Hàn Quốc.

Nếu Dunkirk là một phim chiến tranh nhưng không thấy bóng dáng của kẻ thù, thì Emergency Declaration cũng không đi sâu vào khai thác cuộc đối đầu giữa hai phe chính nghĩa và phi nghĩa. Cả hai bộ phim đều xây dựng một cuộc chiến nội tại của con người với thời gian và không gian mà ở đó kẻ thủ của con người không phải là cái ác hay những thế lực thù địch nào khác mà chính là nội tại của chúng ta.

Nếu Dunkirk qua bàn tay của nhà soạn nhạc kì cựu Hans Zimmer tạo nên một bản giao hưởng hùng tráng, thì Emergency Declaration được thổi hồn Lee Byung Woo – một nhạc sĩ cũng đã có nhiều tác phẩm nhạc phim xuất sắc của điện anh Hàn như A Tale of Two Sisters (2003), Untold Scandal (2003), The King and the Clown (2005), The Host (2006), Mother (2009), Ode to My Father (2014)… Từ đầu tới cuối phim, âm nhạc gần như đóng vai trò dẫn chuyện, góp phần thể hiện cảm xúc của nhân vật, sắc thái của cảnh diễn trong những nhịp điệu liên tục, được xự lý tinh tế bằng những âm thanh khi to, nhỏ, khi nhanh, khi chậm. Đặc biệt ở phần cao trào của bộ phim, âm nhạc lại gần như lặng đi, đối lập với hình ảnh hỗn loạn trong cảm xúc khủng hoảng của các nhân vật.

Emergency Declaration gợi nhớ đến Dunkirk của Christopher Nolan
Emergency Declaration gợi nhớ đến Dunkirk của Christopher Nolan

Thảm hoạ thực sự là khi tình người bị mất kết nối

Emergency Declaration như một bản giao hưởng hoành tráng, được viết ở những cung thăng đầy kịch tích trong một bản hòa âm phức tạp. Thảm hoạ chồng thảm hoạ từ trên không tới mặt đất, từ trong nước đến ngoài nước, khi ở đâu cũng là những nỗi sợ hãi thì thứ thảm hoạ kinh khủng nhất chẳng phải con virus chết chóc mà là khi tình người bị mất kết nối.

Thảm kịch thực sự của bộ phim không phải là con virus chết người mà là sự từ chối giúp đỡ. Đó mới là “đại dịch” lây lan xuyên lục địa, và thứ virus khủng khiếp nhất lại là những toan tính, hận thù của chủ nghĩa cá nhân, cùng sự sợ hãi, bất lực của con người trước khó khăn của thời cuộc khi phải toan tính trước sự được và mất, an toàn và hiểm nguy cho chính bản thân, cộng đồng và quốc gia.

Emergency Declaration mượn câu chuyện về thảm họa để nói lên vấn đề xã hội và con người
Emergency Declaration mượn câu chuyện về thảm họa để nói lên vấn đề xã hội và con người

Emergency Declaration mang đến những thông điệp nhân văn về tinh thần không đầu hàng trước thảm họa. Những vấn đề của thời cuộc, được bộ phim đề cập một cách trực diện và gợi nhiều suy ngẫm. Cuối cùng vắc-xin giải cứu con người không gì khác là sự thấu cảm và hy sinh. Khi thảm họa thực sự xảy ra, sẽ không có siêu anh hùng với sức mạnh siêu nhiên nào cứu giúp, mà chúng ta chỉ là những con người yếu đuối và sợ hãi, nhưng có những việc chỉ con người mới làm được và chỉ có con người mới cứu được con người."

Bộ phim cũng xây dựng hình ảnh một cảnh sát tận tâm, một chính trị gia trách nhiệm, như ngầm thể hiện thông điệp của nhà làm phim với hệ thống chính trị và các cơ quan hành pháp của Hàn Quốc hãy sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm dù trước bất kỳ thảm họa nào có thể xảy ra.

Emergency Declaration: Dunkirk của điện ảnh Hàn Quốc?

Rượu cũ - bình mới

Cho dù được đầu tư công phu và nhiều kịch tính, nội dung của Emergency Declaration dễ dàng khiến khán giả so sánh với rất nhiều tác phẩm điện ảnh hư cấu, phi hư cấu, lẫn dựa trên sự kiện có thật về đề tài thảm họa hàng không, khủng bố hóa học,… Được ví là “Train to Busan phiên bản trên không”, nhưng Emergency Declaration dễ khiến khán giả thất vọng bởi họ chờ đợi một bộ phim rượt đuổi kịch tính. Yếu tố kinh dị của khủng bố hóa học với một con virus có sức lây lan khủng khiếp có thể gây ra cả một đại dịch nhưng chưa đủ sức rùng rợn như những xác sống zombie.

Được ví như “Train to Busan phiên bản trên không”
Được ví như “Train to Busan phiên bản trên không”

Kịch bản phim được đạo diễn Han Jae Rim chắp bút trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Điều đó khiến cho Emergency Declaration gần như là một phim “giả tài liệu”. Tuy nhiên đạo diễn có lẽ đã hơi quá tham vọng khi “nhồi nhét” quá nhiều yếu tố và chất liệu trong cùng một bộ phim: một chút khủng bố máy bay, một chút thảm họa, một chút hành động hình sự, một chút đại dịch, một chút zombie, một chút chính trị, một chút tâm lý xã hội,... Chính điều này khiến phim bị rơi vào lưng chừng giữa hai thể loại “viền tưởng” và “chính trị xã hội” và đôi lúc mạch phim bị “loãng” và khán giả theo dõi có phần oải và “thấm mệt”. "

Bên cạnh đó người xem cảm thấy các nhân vật của bộ ba diễn viên chính Song Kang Ho, Lee Beung Hun và Jeon Do Yeon lại bị xây dựng hơi nặng về tính kịch. Để lại nhiều ấn tượng với khán giả lại là nhân tố trẻ diễn viên Im Si Wan, trong vai nhân vật phản diện với khuôn mặt ngây thơ, mặc dù xuất hiện ngắn ngủi, nhưng đủ khiến khán giả ám ảnh.

Tuy nhiên, với phần trình diễn điêu luyện của dàn diễn viên thực lực và nhiều màn trình diễn hành động mãn nhãn, 141 phút Emergency Declaration vẫn đủ sức níu giữ khán giả từ đầu tới cuối trong hành trình “hạ cánh khẩn cấp” của chiếc máy bay hết nhiên liệu.

Jeon Do Yeon trong vai nữ bộ trưởng Sook Hee 
Jeon Do Yeon trong vai nữ bộ trưởng Sook Hee 

Dù là “hạ cánh khẩn cấp”, nhưng Emergency Declaration mang đến cho người xem một cảm giác an toàn rằng mọi khó khăn, mọi thảm kịch đều có thể được giải quyết. Và ở đó có những nhà chức trách sẵn sàng nhận trách nhiệm và xử lý đến cùng vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Ở đó có những công chức nhà nước hết mình khi thi hành nhiệm vụ. Ở đó có những con người dám đương đầu với thảm họa. Và ai cũng có thể trở thành người hùng – nhưng người hùng không trả thù cho những bất công, không đối đầu với những kẻ xấu xa, mà là gìn giữ trái tim nhân ái của mỗi người trước những vấy bẩn của thời đại, và lòng trắc ẩn trong mỗi người giữa một thế giới đầy hỗn mang.

Hanhfm

'Hạ cánh khẩn cấp' lập kỷ lục cho điện ảnh Hàn Quốc tại Việt Nam

"Hạ cánh khẩn cấp" lập kỷ lục cho điện ảnh Hàn Quốc tại Việt Nam

Emergency Declaration (tựa Việt: Hạ Cánh Khẩn Cấp) thống trị các phòng chiếu Việt ngay trong tuần đầu ra rạp.