Gần 200 trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đầu tiên ở Việt Nam tiêm vaccine phòng COVID-19

Sáng 14/4, Bộ Y tế phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ phát động hưởng ứng "Tuần lễ tiêm chủng năm 2022" và phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVD-19 cho trẻ 5 - dưới 12 tuổi.

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, "Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng." Các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong chương trình tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch tiêm chủng.

Các cấp, chính quyền địa phương phối hợp cùng ngành y tế, ngành giáo dục rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học và tại cộng đồng thuộc độ tuổi từ 5 - dưới 12 tuổi.

tt-son-14-1649906323691155623744.jpg

Đối với Sở Y tế các tỉnh, thành phố, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị tăng cường chỉ đạo tổ chức tiêm chủng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt tỷ lệ trên 95% ở quy mô xã, phường; chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể triển khai tổ chức tiêm ngay cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi khi được phân bổ vaccine.

Đối với cán bộ y tế, cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quy trình tiêm chủng, hiểu rõ, hiểu sâu về thực hành tiêm chủng an toàn; các bệnh viện cần tham gia phối hợp xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, các cơ sở tiêm chủng tăng cường quản lý tốt đối tượng, đảm bảo người dân được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, an toàn nâng cao chất lượng và hiệu quả phòng bệnh.

Với tỷ lệ bao phủ vaccine cao cho nhóm đối tượng, lứa tuổi có nguy cơ cao, Việt Nam đủ điều kiện để tiếp tục mở rộng đối tượng tiêm chủng và triển khai tiêm chủng cho các nhóm đối tượng khác bao gồm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong năm 2022.

Tại Quảng Ninh, tính đến ngày 12/4/2022, toàn tỉnh có 181.197 trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, trong đó có 39.953 trẻ hoãn tiêm do đã từng mắc COVID-19 chưa đủ 3 tháng, 13.308 trẻ cần thận trọng khi tiêm chủng. Quảng Ninh phấn đấu mục tiêu 100% trẻ trong độ tuổi tiêm chủng được tiếp cận tiêm vaccine phòng COVID-19; hơn 95% trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.

Quảng Ninh là địa phương đạt độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 ở nhóm người từ đủ 12 tuổi trở lên cao (trên 99% liều cơ bản), riêng nhóm trên 18 tuổi trở lên đạt 95,86% liều bổ sung (mũi 3).

Theo khảo sát Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cả nước có 63 tỉnh thành phố, dự tính có khoảng 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cần tiêm.

Trong số này ước tính có khoảng 3,6 triệu trẻ đã mắc COVID-19 và 8,2 triệu trẻ em là chưa mắc COVID-19. Đợt đầu tiên sẽ tiêm cho trẻ chưa mắc COVID-19 và tiêm đủ 2 liều vaccine. Dự kiến, trong tháng 7 đến tháng 8 sẽ tiêm hết cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm.

Các phản ứng rất thường gặp nhất ở nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm vaccine là: Buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm; Phản ứng ít gặp là nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm; phản ứng rất hiếm gặp là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim (ít hơn 1/10.000).

Trong quá trình tiêm, cha mẹ cũng lưu ý tương tác với cán bộ tiêm để biết con tiêm vaccine gì và có thể có phản ứng phụ gì. Sau tiêm, trẻ cần ở lại điểm tiêm chủng theo dõi 30 phút, cha mẹ tiếp tục theo dõi sức khỏe của con trong ít nhất 3 ngày.

Các phản ứng phụ thông thường có thể xuất hiện 4-8 tiếng sau tiêm, diễn tiến trong 2 ngày đầu và giảm dần. Nếu thấy trẻ sốt, phát ban, khó thở, tím tái, mệt mỏi, li bì hoặc thấy biểu hiện thông thường tăng mức độ trầm trọng thì cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất.

(Tổng hợp)

HẢI MY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương