Giá lúa mì tăng cao sau khi Nga tuyên bố chỉ bán nông sản cho 'các nước thân thiện'

Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev cho biết sản lượng ngũ cốc của nước này có thể đạt 130 triệu tấn trong năm nay, nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng sẽ được cung cấp cho các quốc gia thân thiện.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev, chia sẻ bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg (SPIEF), về thách thức bao gồm cả chuỗi cung ứng bị phá vỡ và những khó khăn trong kế hoạch tài chính.

Tuy nhiên, ông Dmitry Patrushev nhấn mạnh Nga phải vượt qua những trở ngại này để có thể cung cấp lương thực cho những nước cần nó nhất. Các sản phẩm nông nghiệp của Nga sẽ có mặt trên thị trường nước ngoài, nhưng chỉ ở những quốc gia thân thiện, không gây trở ngại và khó khăn cho Nga. 

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga, thu hoạch ngũ cốc của nước này có thể đạt 130 triệu tấn trong năm nay, đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước và đảm bảo cho các kế hoạch xuất khẩu.

Giá lúa mì tăng cao khi Nga tuyên bố chỉ bán nông sản sang 'các nước thân thiện' - Ảnh 1.

Lúa mì dự kiến sẽ giao dịch ở mức 1105,76 USd / BU vào cuối quý này, theo kỳ vọng của các nhà phân tích và mô hình vĩ mô toàn cầu của Trading Economics. Dự báo lúa mì sẽ giao dịch ở mức 1217,87 trong thời gian 12 tháng.

Tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga đang kỳ vọng một vụ mùa bội thu trong năm nay, trong đó nước này sẽ thu hoạch lúa mì kỷ lục. Ông nói thêm rằng một số quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ đói kém và nguyên nhân hoàn toàn thuộc về các nước phương Tây.

Theo TTXVN, cuộc khủng hoảng ngũ cốc đang diễn ra trên toàn cầu khi giá lúa mì tăng lên mức cao kỷ lục trong 2 tháng qua. Thị trường lương thực toàn cầu, vốn đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết và đại dịch COVID-19, lại tiếp tục bị giáng một đòn mạnh do xung đột Nga - Ukraina và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói trên toàn cầu.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina hôm 24/2, nhiều nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Moskva đã đáp trả bằng một số biện pháp như ngừng xuất khẩu lương thực tới các quốc gia "không thân thiện", cũng như yêu cầu những nước này thanh toán bằng đồng rúp các hợp đồng khí đốt.

Danh sách các nước "không thân thiện" do Chính phủ Nga công bố gồm: Ukraina, Mỹ, Canada, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand,...

Giá lúa mì tăng cao khi Nga tuyên bố chỉ bán nông sản sang 'các nước thân thiện' - Ảnh 2.

Giá lúa mì đang tăng rất cao.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho biết phương Tây có kế hoạch xây dựng các kho chứa ngũ cốc ở khu vực biên giới Ukraina nhằm hỗ trợ hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, vốn bị đình trệ khi các cảng trên Biển Đen bị phong tỏa do xung đột, qua đó góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực đang gia tăng trên toàn cầu.

Theo kế hoạch này, các nước phương Tây dự định xây dựng các kho tạm chứa ngũ cốc trên biên giới Ukraina, kể cả ở Ba Lan, để Ukraina có thể vận chuyển ngũ cốc bằng đường sắt tới các kho này, tiếp đó các xe chở hàng của châu Âu vận chuyển ra biển và xuất khẩu ra các thị trường thế giới. Tổng thống Biden nhấn mạnh, tiến trình này sẽ mất thời gian. Kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraina bùng phát hồi tháng 2, khoảng 84 tàu nước ngoài hiện vẫn bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraina, nhiều tàu trong số này chất hàng hóa là ngũ cốc trên tàu.

Ông Biden cho biết Mỹ đang lên kế hoạch vận chuyển ngũ cốc của Ukraina bằng đường sắt. Tuy nhiên, khổ đường ray của Ukraina khác so với khổ đường ray ở châu Âu. Do vậy, ngũ cốc của Ukraina cần phải được chuyển sang các tàu hỏa khác ở biên giới nước này.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Ukraina, cho biết các nước châu Âu đang xem xét việc cung cấp các kho chứa tạm ngũ cốc của Ukraina nhằm bảo quản ngũ cốc thu hoạch và đảm bảo nguồn cung ngũ cốc cho các thị trường thế giới trong tương lai. Tuy nhiên, bộ trên không cung cấp thêm chi tiết.

Ukraina cho biết cách tốt nhất để xuất khẩu nhanh chóng ngũ cốc của nước này là vận chuyển qua Biển Đen. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đang nỗ lực làm môi giới về một thỏa thuận liên quan tới việc nối lại xuất khẩu của Ukraina qua biển Đen cũng như xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga.

Cuộc xung đột Nga-Ukraina đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu với giá ngũ cốc, dầu ăn, nhiên liệu và phân bón tăng vọt. Nga và Ukraina chiếm gần 1/3 nguồn cung lúa mì toàn cầu, trong khi Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón chủ chốt và Ukraina là nước xuất khẩu ngô và dầu hướng dương lớn. 

Kể từ khi xung đột Ukraina nổ ra vào ngày 24/2, các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraina từ các cảng Biển Đen của nước này đã bị đình trệ và hơn 20 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt trong các kho chứa. Đối với Nga, Moskva cho biết các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm gián đoạn xuất khẩu phân bón và xuất khẩu ngũ cốc của nước này.

Giá lúa mì Chicago kỳ hạn tăng cao hơn lên trên 10,6 USD / giạ, phục hồi từ mức thấp nhất trong hai tuần là 10,3 USD hồi đầu tháng 6 trong bối cảnh có tin tức về điều kiện phát triển không thuận lợi ở Bắc Mỹ, trong khi căng thẳng địa chính trị và lo ngại về an ninh lương thực tiếp tục cản trở thương mại toàn cầu.

Thời tiết khô hạn kéo dài là mối đe dọa đối với thu hoạch lúa mì mùa đông ở các vành đai trồng trọt của Hoa Kỳ. Trong khi đó, các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi các diễn biến ngoại giao liên quan đến các chuyến hàng ngũ cốc có thể có của Ukraina.

Kỳ vọng nối lại xuất khẩu từ Ukraina giảm hơn nữa khi quan hệ kinh tế giữa phương Tây và Moscow xấu đi, khiến Điện Kremlin khó có khả năng mở hành lang thương mại ở các cảng thuộc Biển Đen và Biển Azov của Ukraina. 22 triệu tấn ngũ cốc Ukraina ước tính bị mắc kẹt trong các hầm chứa ở cảng kể từ khi các chuyến hàng bị tạm dừng vào ngày 24/2. Giá cũng được hỗ trợ bởi lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ. Bất chấp tin tức rằng chính phủ có thể mở cửa thương mại với Indonesia, xuất khẩu sang những người mua khác vẫn bị đình trệ. .


HÀ MY