Giá tiêu đạt 55.000 đồng/kg trong tuần tới?

Các chuyên gia dự báo, do các nhà đầu cơ tăng cường thu mua trước thông tin sản lượng tiêu năm nay giảm mạnh, điều này khả năng đẩy giá tiêu đạt 55.000 đồng/kg trong tuần tới (22-27/2).

Tuần này, giá tiêu tăng 500 đồng/kg tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Đồng Nai; giữ nguyên ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước.

Theo đó, tại Đắk Nông, Đắk Lắk giá tiêu là 51.500 đồng/kg; Bình Phước với 52.000 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu cao nhất là 53.000 đồng/kg; Đồng Nai và Gia Lai thấp nhất với 51.500 đồng/kg, tương đương các phiên trước.

Diễn biến giá têu tuần qua (14-20/2)

Sau khoảng thời gian dài trầm lắng, ngay tuần đầu tiên sau Tết Nguyên đán thị trường hồ tiêu nội địa đã sôi động trở lại.

Theo ghi nhận, do thời hạn giao hàng tháng 2/2021 đã cận kề nên các công ty xuất khẩu đang tăng cường mua để đáp ứng đơn hàng. Hiện giá các đơn vị này đang gom vào cao hơn so với trước Tết đẩy giá thị trường tăng nhẹ ở nhiều địa phương.

Đây là tín hiệu tốt nhưng nhiều nông dân cũng tỏ ra lo lắng. Bởi giá tăng ngay đầu vụ sẽ gây khó khăn cho việc thuê mướn nhân công thu hái.

Điển hình như vụ tiêu trước, mới đây là vụ cà phê, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhân công từ các tỉnh miền Trung hạn chế di chuyển vào Tây Nguyên. Với vụ mới được đánh giá sản lượng giảm, chi phí đầu tư tăng mà nhân công sắp tới lại khó khăn thì giá tăng thời điểm này cũng không khiến cho người trồng hào hứng lắm.

Hiện nay có tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành quá nửa việc thu hoạch tiêu vụ mới, các địa phương khác phải bước sang giai đoạn tháng 3/2021.

Theo dự đoán, giá tiêu tuần sau vẫn có triển vọng tăng lên 55.000 đồng/kg, do các nhà đầu cơ tăng mua trước thông tin sản lượng tiêu năm nay giảm mạnh. Với đà tăng này, nhiều người dự đoán mốc 60 triệu đồng/tấn sẽ không còn xa.

thu-hoach-tieu-phu-quoc_1565160271.jpg

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi (Ấn Độ) tăng 50 rupee/tạ (0,14%) ở mức 34.550 rupee/tạ.

Tỷ giá của đồng Việt Nam và đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 18/2/2021 đến ngày 24/2/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 317,32 VND/INR.

Triển vọng thị trường hạt tiêu thế giới năm 2021 đã và nhiều khả năng sẽ tiếp diễn xu hướng của năm 2020: Sản lượng giảm và giá tăng nhẹ.

Có nhiều yếu tố của năm 2020 đang ảnh hưởng đến giá tiêu, đó là dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nước phải tiếp tục thực hiện các biện pháp cách ly, hoạt động của ngành nhà hàng trên toàn cầu vẫn trì trệ, ảnh hưởng tới nhu cầu hạt tiêu thế giới.

Đặc biệt, dịch bệnh ở những thị trường như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc… sẽ ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu tiêu của Việt Nam, bởi đây là những thị trường xuất khẩu chủ lực. Dịch bệnh cũng khiến hoạt động thương mại gặp khó khăn, do tình trạng thiếu container và tắc nghẽn ở các cảng biển.

Về sản xuất, mặc dù sản lượng của Brazil và Campuchia có xu hướng tăng, song sản lượng của những nước sản xuất và xuất khẩu lớn khác như Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia… dự báo giảm. Do dịch bệnh và nhiều yếu tố khác, chi phí nhân công tăng cao càng gây áp lực lên ngành sản xuất hạt tiêu.

Hiện chi phí phí lao động ở Việt Nam dao động từ 200.000 - 230.000 đồng/công/ngày. Với chi phí này, giá tiêu khoảng 54.000 đồng thì người trồng tiêu hầu như không có lãi, khiến họ không có động lực đầu tư cho loại cây này.

Nhìn chung, nếu tình trạng giá thấp kéo dài trong vài năm tới thì sau khoảng 2 - 3 năm nữa, thị trường tiêu toàn cầu sẽ chuyển hướng từ dư cung sang thiếu cung. IPC ước tính nhu cầu tiêu hiện tại của thế giới ước tính vào khoảng 400.000 tấn/năm, còn nguồn cung khoảng 500.000 tấn/năm, tức là dư khoảng 100.000 tấn.

PHƯƠNG LÊ