Giá vàng thế giới rạng sáng 16/3, đảo chiều tăng với vàng giao ngay tăng 15,7 USD lên mức 1.920 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.925 USD/ounce, tăng 16,9 USD so với rạng sáng ngày trước đó.
Kim loại quý rạng sáng hôm nay vẫn ở mức cao nhất trong 5 tuần nhờ nhu cầu trú ẩn khi lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính/ngân hàng toàn cầu đang gia tăng vào giữa tuần.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu ở Mỹ vào cuối tuần trước đã lan sang châu Âu. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm và chỉ số DXY mạnh hơn nhiều là dấu hiệu cho thấy các nhà giao dịch và nhà đầu tư đang rất căng thẳng và muốn nắm giữ những tài sản trú ẩn an toàn đó.
Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ họp vào thứ Năm và dự kiến sẽ tăng lãi suất 0,5%. Tuy nhiên, hiện tại khu vực ngân hàng đang lung lay ở khu vực đồng euro có thể làm thay đổi kế hoạch của ECB vào phút chót.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ họp vào tuần tới và dự báo sẽ có một cuộc tranh luận sôi nổi trên thị trường về việc liệu Fed sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% hay giữ nguyên trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng Mỹ.
Theo Bloomberg Intelligence, động lực còn thiếu để đẩy vàng lên 2.000 USD/ounce chính là cuộc khủng hoảng ngân hàng. Sự sụp đổ tài chính này đảm bảo Fed sẽ dừng chu kỳ thắt chặt của mình.
Sau khi tăng lên mức cao nhất trong 5 tuần và giao dịch gần 1.920 USD/ounce vào thứ 2, vàng ổn định ở mức trên 1.900 USD/ounce.
Các thị trường đang tìm hiểu tác động của việc các cơ quan quản lý Mỹ vào cuộc để giải quyết sự cố sụp đổ của ngân hàng 'Silicon Valley (SVB) và Signature Bank'.
Thị trường vàng đang đón nhận nhu cầu trú ẩn an toàn mới. Ngoài ra, kim loại màu vàng còn được thúc đẩy bởi việc định giá lại kỳ vọng tăng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ.
Chiến lược gia tiền tệ Christopher Wong thuộc ngân hàng OCBC cho hay trong bối cảnh sự chú ý đã chuyển hướng đến cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào tuần tới, câu hỏi đặt ra là Fed sẽ đưa ra chỉ dẫn như thế nào với diễn biến gần đây trong lúc đối phó với lạm phát cao.
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ (CPI) đã tăng 0,4% trong tháng 2/2023, sau khi tăng 0,5% trong tháng 1/2023. Trong 12 tháng tính đến tháng 2/2023, CPI đã tăng khoảng 6%.
Vàng vốn được coi là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ lạm phát, song lãi suất tăng, nhằm hạ nhiệt lạm phát, lại làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Giá vàng trong nước lúc 8h ngày 16/3, trên sàn giao dịch của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, vàng SJC đang là 65,95 triệu đồng/lượng mua vào và 66,67 triệu đồng/lượng bán ra.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 66 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,65 triệu đồng/lượng (bán ra). Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 53,22 triệu đồng/lượng và 55,07 triệu đồng/lượng.
Giá vàng DOJI được công ty này niêm yết ở mức 65,95 triệu đồng/lượng mua vào và 66,65 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng Vietinbank Gold đang niêm yết ở mức 65,95 triệu đồng/lượng mua vào và 66,67 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 66,02 - 66,64 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá 2 chiều 54,19 - 55,04 triệu đồng/lượng.