Triển lãm “Nghệ thuật Đông Sơn” được sự phối hợp tổ chức giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Kính Hoa, trưng bày 36 hiện vật tiêu biểu thời kỳ Đông Sơn thuộc sưu tập của Bảo tàng Kính Hoa, trong đó có 3 trống đồng là Bảo vật Quốc gia. Đây là cơ hội để các nhà khoa học, nghiên cứu mỹ thuật trong nước và quốc tế, cũng như công chúng, biết đến một kho di sản quý hiếm của tổ tiên người Việt Nam.
Một góc triển lãm “Nghệ thuật Đông Sơn”. Ảnh: L.Q.V |
Đông Sơn là một nền văn hóa cổ đại nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, có niên đại khoảng thế kỷ VII trước Công nguyên đến thế kỷ I-II sau Công nguyên. Văn hóa Đông Sơn được định danh từ năm 1924 nhờ sự phát hiện ngẫu nhiên của người dân địa phương khi tìm thấy nhiều hiện vật thuộc nền văn hóa này ở làng Đông Sơn - nằm ven bờ sông Mã, phường Hàm Rồng (TP. Thanh Hóa).
Tuy nhiên, tại Việt Nam, cũng đã có một số hiện vật đã được phát hiện ngẫu nhiên từ trước đó vài chục năm - như các trống đồng Ngọc Lũ (phát hiện năm 1893), Sông Đà (1889)… Các học giả Phương Tây khi đó đã phải sững sờ vì vẻ đẹp của chúng. Trong số đó, có cổ vật đã được xếp hạng Bảo vật Quốc gia ngay từ đợt 1 như trống Ngọc Lũ.
Nghi thức khai mạc triển lãm “Nghệ thuật Đông Sơn” |
Đến nay, sau tròn một thế kỷ phát hiện, nghiên cứu và lan tỏa của văn hóa Đông Sơn, hàng trăm di tích và hàng vạn di vật của văn hóa Đông Sơn đã được phát hiện. Trong đó, hiện vật nổi bật, kết tụ được hồn cốt của nền văn hóa và tâm thức của người Đông Sơn vẫn luôn là những chiếc trống đồng và thạp đồng.
Đã có những chiếc trống đẹp bên cạnh Ngọc Lũ như trống Hoàng Hạ, Cổ Loa thuộc sở hữu của bảo tàng công lập đã được xếp hạng là Bảo vật Quốc gia. Ngoài ra, một số trống đồng, thạp đồng thuộc sở hữu tư nhân cũng đã được nhà nước vinh danh là Bảo vật Quốc gia, mà chiếc trống đầu tiên có được vinh dự này (xếp hạng đợt 9 - năm 2020) là trống Kính Hoa thuộc sở hữu của kỹ sư Nguyễn Văn Kính ở Hà Nội. Mới đây, chiếc trống Kính Hoa 3 của nhà sưu tập này lại được xếp hạng Bảo vật Quốc gia, nâng tổng số Bảo vật Quốc gia trong sưu tập này lên tới 5 chiếc - gồm 3 trống đồng và 2 thạp đồng Đông Sơn.
Hình ảnh hoa văn trên trống đồng Đông Sơn |
Theo PGS.TS.Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam: "Sưu tập Kính Hoa có tới 3 trống đồng Đông Sơn lớn loại I H. Về hình thức, tự thân những chiếc trống này đã là Quốc bảo Việt Nam. Trên phương diện quốc gia, cả 3 trống đã được Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công nhận Bảo vật Quốc gia. Ngắm nhìn các trống Đông Sơn thuộc sưu tập Kính Hoa, ta như được thấy lại những hình ảnh sinh động nhất của nền văn minh ngàn xưa hiển hiện chân thật, sống động, chi tiết, rõ ràng. Trống Đông Sơn là cả một bản tổng hòa ca tráng lệ của lịch sử - văn hóa - văn minh Việt Nam mà nhóm Bảo vật Quốc gia trống đồng Đông Sơn thuộc sưu tập Kính Hoa đã góp phần xứng đáng vào bản hòa ca đó".
Thạp đồng Kính Hoa đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Ảnh: L.Q.V |
Kỹ sư Nguyễn Văn Kính chia sẻ: “Tôi vốn không phải là dân chơi đồ cổ, không sưu tầm đồ cổ. Đây là do một cơ duyên tình cờ và tôi nghiệm thấy sự nhắc nhở của tâm linh rằng, dường như là có sự “vật đi tìm người”, hoặc, như mình được trao bổn phận gìn giữ những di sản tổ tiên để lại. Những đồ vật quý báu đến với tôi khi kinh tế gia đình đã có tích lũy và đến với tôi bằng những phát hiện bất ngờ, bằng nhiều con đường khác nhau, không chỉ từ các địa phương, mà còn từ nhiều quốc gia…”.
đông sơn - cổ vật 1 Một hiện vật trưng bày trong triển lãm. Ảnh: L.Q.V |
Có một tâm sự của KS - doanh nhân Nguyễn Văn Kính đã được các nhà quản lý văn hóa cũng như các chuyên gia về khảo cổ, mỹ thuật rất tán đồng, rằng: “Tôi hoàn toàn không có ý định biến những báu vật tôi sở hữu thành đối tượng thương mại. Tôi cùng các con, cháu trong gia đình sẽ nhất quyết giữ chúng ở nơi chúng đã được tạo tác từ hàng ngàn năm trước và không để chúng ra khỏi biên giới một lần nữa. Tôi đang có may mắn và hạnh phúc tột bậc khi được sở hữu một phần nhỏ của đại kho báu di sản văn hóa dân tộc. Tôi có được diễm phúc này cũng là nhờ những bạn hữu, những học giả đã giúp tôi phát hiện, nhận ra giá trị, mách bảo đường đưa chúng về với tôi và giúp tôi xây dựng trưng bày này…”.
Cuốn sách “Giải mã văn hóa Đông Sơn” đã góp phần quảng bá đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Ảnh: L.Q.V |
Cũng nhân triển lãm “Nghệ thuật Đông Sơn”, còn diễn ra buổi tọa đàm về cuốn sách “Giải mã văn hóa Đông Sơn” do Kỹ sư Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bảo tàng tư nhân Kính Hoa và Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Sinh - Nghiên cứu viên cao cấp Viện Khoa học Xã hội Việt Nam - làm chủ biên, cùng sự đồng hành của ông Nguyễn Tuấn Long, do NXB Thế giới ấn hành ở năm 2023 và đã đạt giải Nhất Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ 10 - năm 2024 (do Ban Tuyên giáo Trung ương - Ban Chỉ đạo Thông tin đối ngoại trao tặng).
“Giải mã văn hóa Đông Sơn” thực sự là một ấn phẩm “nặng ký” theo nhiều nghĩa: Dày 568 trang, khổ sách: 25,5 cm x 33,5 cm, có phần chuyển ngữ tiếng Anh do Bùi Hương Giang biên dịch, được trình bày và in ấn đẹp, mang đậm nét văn hóa Việt Nam (bìa sách, hộp đựng bằng chất liệu sơn mài).
Các cổ vật của nền văn hóa Đông Sơn được tạo hình rất ấn tượng. Ảnh: L.Q.V |
Còn nội dung cuốn sách đã được biên tập rất công phu, như nhận xét của PGS - TS Bùi Văn Liêm: “Từ nguồn tư liệu hàng trăm trống đồng đã phát hiện, nghiên cứu ở Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á thời cổ như Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Timor - Leste…và Nam Trung Quốc, hai tác giả chứng minh trống, thạp và nhiều đồ đồng của văn hóa Đông Sơn là sản phẩm bản địa của người Việt cổ thời văn hóa Đông Sơn - tổ tiên của người Việt Nam ngày nay. Các sản phẩm được thực hiện bằng kỹ thuật thủ công (dùng khuôn đúc bằng đất nung) với nguyên liệu chính là hợp kim đồng, chì, thiếc.
Nội dung sách tìm hiểu sự giao lưu, lan tỏa, tác động của văn hóa Đông Sơn tới nhiều khu vực, vùng đất xung quanh. Các tác giả giải mã các hoa văn và biểu trưng của nền văn hóa này để phục dựng bức tranh sinh động toàn cảnh về kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống cư dân văn hóa Đông Sơn cách đây hơn 2.000 năm. Đây cũng là tài liệu tham khảo rất hữu ích phục vụ cho các nhà khoa học trong và ngoài nước…”.
Chính bởi những giá trị lịch sử và văn hóa nói trên, nên “Giải mã văn hóa Đông Sơn” đã được các cơ quan Nhà nước của Việt Nam chọn làm ấn phẩm dành tặng các chính khách và bạn bè quốc tế, qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam tới thế giới.
Triển lãm “Nghệ thuật Đông Sơn” được mở cửa đến hết ngày 18/2/2025 tại tầng 2 nhà B Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - 66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình (Hà Nội).
Triển lãm cổ vật Triều Nguyễn trên không gian số
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mới đây đã tiến hành định danh số 10 cổ vật Triều Nguyễn.