Giáng sinh đôi khi là một câu chuyện buồn

Nhiều khi cõi mạng xã hội không khác gì một cái nghĩa trang ảo, chúng ta sống lẫn và lướt qua nhau vội vàng như cái trượt đi của ngón tay cái.

Có lẽ chưa năm nào chúng ta cảm thấy hoảng hốt với Giáng sinh, với Tết như năm nay. Nó là cái hoảng hốt của việc thấy một năm sầm sập trôi đi mà dường như mình vẫn chưa làm được điều gì cho ra hồn cả. Thực tế, có được làm gì đâu mà muốn làm gì cho ra hồn. Một cái năm hoảng loạn vì dịch bệnh với hơn sáu tháng trời giam mình trong nhà, nghe ngóng trong nỗi sợ, và kịp khi xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng ập tới thì cũng là lúc dịch lại bắt đầu cựa mình với một biến chủng mang tên Omicron. Có khi, năm nay còn chẳng có Tết.

Bây giờ, Giáng sinh đã trôi qua rồi, Tết dương lịch cũng trôi qua rồi, thêm một năm không có pháo hoa để mà biết rằng “à, đã là thời khắc chuyển sang một năm mới”, chúng ta lại nghĩ về tết Nguyên đán với một cân nhắc đồng dạng. Có nên bày vẽ hay không, khi mà một năm trôi qua coi như bỏ? Có nên chuẩn bị gì hay không, khi thực tế Tết này cũng chẳng có nhu cầu gì để mà vui? Nhưng nếu không chuẩn bị thì chẳng lẽ lại không mang tâm thức mong đợi một năm mới sẽ khác ư? Gì thì gì, con Hổ nó cũng phải khác con Trâu chứ. Cả năm khổ như Trâu rồi, nhẽ không vùng lên một lần ra oai cho nó giống Hổ?

Giờ này mọi năm là đã nháo nhác í ới nhau đi tất niên chỗ này, nhóm nọ, hội đó, đám kia rồi. Bây giờ thì sao? Tất cả dường như cùng một sự tĩnh lặng. Không hẳn vì một năm quá khó khăn mà không dám xùy tiền ra cùng nhau làm một bữa tất niên cho ra trò. Mà cơ bản là ai cũng mang cái ngại. Giờ đi tất niên thì ngồi chỗ nào cho an toàn. Không khéo rước con của nợ Omicron về lại mất cả Tết dù thực lòng làm gì thấy hướng về Tết đâu.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Anh Bèn nhớ lại khoảnh khắc Giáng sinh vừa trôi qua. Đúng nghĩa là lặng lẽ. Cũng như mọi năm, vẫn phải mua quà cho đám trẻ con. Vốn dĩ muốn nuôi dưỡng cho mấy đứa con một chút gì là hy vọng và tưởng tượng, năm nào cũng như năm nào, anh Bèn kỹ càng đọc thư chúng gửi ông già Noel, rồi mua món quà mà chúng đã xin, đính kèm vào đó là một lá thư trả lời như thể ông già Noel ấy có thật. Chỉ đến khi lũ trẻ hoan hỉ dậy thật sớm vào sáng 25 và mon men xuống dưới cây thông tìm quà, lúc ấy mới thực sự là mình được an lòng, mới được ngồi lại một ngày thư thả cho chính Noel của riêng mình. Cũng như thói quen cũ, anh Bèn kiếm tìm những ca khúc Giáng sinh mới ra mắt, để xem năm nay có gì khác những năm qua. Và năm nay đúng là khác thật khi ca khúc Giáng sinh mà anh Bèn được nghe cũng đườm đượm cái buồn của một năm cả thế giới như tê cứng lại vì dịch bệnh.

“For those who can’t be here” - Cho những ai không thể ở đây lúc này - chính là cái ca khúc ấy. Đoạn điệp khúc nó cứa vào lòng mình thật sự khi câu hát “Lần đầu tiên Giáng sinh người ấy không ở bên cạnh bạn. Người ấy rất yêu tiếng chuông Giáng sinh, vì nó không hát lời từ biệt bao giờ. Và rồi chúng ta cười trong những dòng lệ rơi. Tiếng chuông vẫn ngân ngoài kia, cho những ai không thể góp mặt ở đây lúc này”. Anh Bèn đã vội vã gửi ngay đường dẫn để nghe ca khúc mới này cho một người bạn. Cô ấy mới vừa bay qua Mỹ cách đây chưa lâu để đưa tiễn cha mình. Chính cái hôm gặp gỡ nhau ngay sau khi giãn cách xã hội ấy, khi ly mới nâng lên được nửa chừng, cuộc điện thoại từ Mỹ về đã khiến cô khóc òa giữa mọi người vì nghe tin dữ. Anh Bèn chỉ có thể nhắn nhủ “Anh không biết nói gì lúc này. Lần đầu tiên một Giáng sinh em không có bố bên cạnh nữa. Nhưng mà tiếng chuông không bao giờ hát lời từ biệt. Bố vẫn ở bên cạnh em thôi, mãi mãi”.

Nhiều khi nghĩ thấy mình thật sến nhưng lúc này cũng cần sến một tí bởi dù gì nó cũng giúp mình cảm nhận được đúng đời sống xung quanh ra sao. Hãy thử mở Facebook lên đi. Trong số vài trăm cho tới vài ngàn người bạn kết nối với mình ở cõi ảo ấy, một năm qua có những ai đã ra đi rồi? Nhiều khi, bao nhiêu âu lo của đời sống khiến mình quên bẵng đi rằng đã có những người không thể góp mặt ở đây nữa. Và chỉ đến một thời điểm nào đó, lúc chúng ta thoáng nghĩ về họ thì mới biết rằng họ đã nói lời từ giã từ lâu rồi. Facebook mở ra một chương hứa hẹn với cái gọi là Metaverse gì đó và trong số những tính năng mới của nó, tính năng “chọn người thừa kế tài khoản” là một thứ ít ai để ý. Và chúng ta có hiểu rằng nhiều khi cõi mạng xã hội không khác gì một cái nghĩa trang ảo, khi tài khoản của những người đã nằm xuống cũng chẳng khác gì một mộ bia ảo. Chúng ta sống lẫn vào trong nghĩa trang kia, lướt qua nhau vội vàng như cái trượt đi của ngón tay cái vậy.

Dịp Tết người ta vẫn hay gán nó với mùa Xuân, với sức sinh sôi, với những hy vọng mới. Người ta mong mình khác đi so với chính mình cũ kỹ, mệt nhọc, lo toan và nhiều lúc muốn chùng chân lại giữa đường. Và ở thời đại mà dịch bệnh hoành hành hai năm trời như vừa rồi, cái khát vọng hồi sinh nó còn lớn hơn nữa.  Nhưng tạo hóa cứ như đánh đố con người khi các biến chủng cứ nối tiếp nhau ra đời, không cho loài người được ngưng nghỉ cuộc chiến tranh với kẻ thù vô hình. Rồi thì sau cái dịch Covid này liệu có còn dịch bệnh nào khác hay không? Chỉ biết, con người đang nói với nhau về một cái bình thường mới. Đó là một cái bình thường bất thường vì những thứ vốn dĩ đã là bình thường ngày nào không còn tồn tại nữa. Và nó bất thường hơn khi những người bình thường vẫn ở bên cạnh mình cũng đã không thể góp mặt. Thậm chí, với quá nhiều người, trong cái bình thường mới này, chính bản thân họ cũng không thể trở lại được bình thường.

Cũng dịp Giáng sinh vừa rồi, trên Netflix có ra mắt một cuốn phim khá lạ, theo thể loại “hậu tận thế” (post apocalyptic). Phim kể về một giáo sư đại học và một học trò đang làm luận án tiến sĩ của mình bỗng một ngày phát hiện ra một sao chổi sắp sửa lao thẳng vào trái đất. Kể từ lúc họ phát hiện ra nó cho tới khi va chạm xảy ra, họ tính toán chính xác là 6 tháng 14 ngày. Và với trách nhiệm của những nhà khoa học trước nạn hủy diệt, họ liên lạc với chính phủ Mỹ. Để rồi từ đó họ bước vào một tận thế khác.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Đó là những toan tính của đầy đủ mọi tầng lớp: những chính trị gia mưu mô, thủ đoạn và cả đám tài phiệt nhìn thấy cơ hội làm giàu. Từ đó, các kế hoạch được vạch ra không còn mang nặng mục tiêu là làm cách nào để tránh thảm họa nữa mà thay vào đó là làm cách nào để biến thảm họa thành cơ hội. Rồi xã hội cũng chia rẽ giữa hai luồng quan điểm tiếp cận mối nguy này. Rồi các thuyết âm mưu cũng được đưa ra. Rồi cuối cùng, ở vào thời khắc quyết định, khi cái sao chổi đã không còn là một chấm sáng mờ mờ ở xa nữa mà thay vào đó đã là một vệt sáng lớn giữa bầu trời, giữa những xung đột sâu sắc của việc “Đừng nhìn lên trời” (Don’t look up) hay “Hãy nhìn lên trời” (Look up), những con người bất lực chỉ còn biết ngồi lại với nhau, sửa soạn một bữa tối cuối cùng tại gia đình, với những món ngon nhất có thể, cùng cầm tay nhau đọc lời cầu nguyện mà nhiều người trong đó đã quên cách từ quá lâu. Họ bên nhau, thanh thản đón thời khắc cùng nhau bay lên như những đám bụi lúc tạo hóa cũng mở bàn tay vai trò phá hủy của mình.

Anh Bèn chợt nghĩ, rồi vài bữa nữa tết Nguyên đán cũng trôi qua cái vèo thôi. Bên Công giáo sẽ bước vào một lễ trọng khác là Phục sinh. Có mấy ai còn tin vào sự phục sinh hay không? Chúng ta có thể hát vang lên những câu hát về hồi sinh, về hy vọng nhưng thực tế có ai biết cách để hồi sinh đúng nghĩa sau đại dịch là như thế nào? Tinh thần là quan trọng nhưng không thể chỉ nghĩ đến hồi sinh là có thể hồi sinh nổi. Ai sẽ chỉ đường cho chúng ta để đi đến sự hồi sinh đúng nghĩa cả thể lý lẫn tâm thần? Chúng ta có còn tin vào mặc khải, hay là một hạnh ngộ nào với siêu nhiên bất khả lý giải? Tiếng chuông không hát lời từ biệt nhưng cũng là tiếng chuông ấy được dùng để nguyện trước những từ biệt cuối cùng.

Ừ nhỉ, Giáng sinh thực ra là một câu chuyện buồn. Sinh ra trên cõi đời này chúng ta bắt đầu bằng tiếng khóc. Người ta bảo, theo khoa học, khóc là để nở phổi và hô hấp được sau khi thoát khỏi bào thai. Nhưng cười cũng khiến chúng ta nở phổi cơ mà. Tại sao con người lại khóc và loài vật khác lúc chào đời không cất tiếng khóc.

Bởi sinh ra đã là một câu chuyện buồn. Như Đức Jesus Cristo, người Giáng sinh cũng là một câu chuyện buồn. Sự thương khó của Người, và những gánh vác trần gian của Người đổi lại có mang lại một giống loài hồi sinh về tinh thần hay không? Hay giống loài ấy vẫn mang trong mình sự ác, nỗi hoài nghi, cái bất tín và cả những điêu ngoa, gian trá?

Thôi thì cứ kệ mà sống. Kệ được cũng đã là biết thế nào là bình thường rồi. Biết được sự bình thường, ít ra cũng đã hồi sinh được chút đỉnh. Rồi trong cái kệ ấy, nhấm nháp một ly, nghĩ về những ký ức cũ, thật đẹp, nâng ly cho những người đã đi qua, mới đi qua để hiểu rằng ký ức luôn luôn mềm mại hơn cuộc sống điên loạn ngoài kia. Nhiều khi, chính ký ức lại giúp mình hồi sinh được một thời khắc, nhất là ở thời khắc của năm mới này, một năm mà bản thân mỗi người trong chúng ta cũng chưa dám chắc rằng nó sẽ diễn ra thế nào, mình sẽ ra sao, vất vả còn hay là nặng thêm một gánh nữa…

Nâng ly đi nhé. Vì sự hồi sinh. Dù Giáng sinh đôi khi là một câu chuyện rất buồn…

Anh Bèn

Đại dịch Covid-19: Giờ là lúc bên nhau

Đại dịch Covid-19: Giờ là lúc bên nhau

Sự kỳ thị có thể bắt nguồn từ nỗi sợ, từ khác biệt văn hóa. Người ta sợ virus SARS-CoV-2 lây lan, nhưng virus kỳ thị cũng đáng sợ vô cùng.