Giảng viên dạy lái xe chia sẻ 5 nguyên tắc để không trở thành "xe điên"

Nhầm chân ga và chân phanh là sự cố hay xảy ra đối với những tài xế mới hoặc tâm lý không vững, gây ra nhiều tai nạn giao thông.

Lỗi đạp nhầm chân ga khi phanh không phải là hiếm gặp với người mới tập lái xe khi đang làm quen với xe mới, đặc biệt là xe số tự động. Đây là lỗi nguy hiểm, có thể gây ra những sự cố nghiêm trọng khi đang lưu thông trên đường. Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên đường Lê Văn Lương ngày 20/11 là một ví dụ.

Do nữ tài xế mất bình tĩnh đạp nhầm chân ga thành chân phanh, khiến chiếc Mercedes tăng tốc, đâm liên tiếp vào các phương tiện đỗ phía trước (3 xe máy, 1 xe đạp điện) làm 1 phụ nữ tử vong và 3 người khác bị thương.

Phần đa số người dính sự cố nhầm chân ga với phanh là phụ nữ. Nguồn: laodong.vn
Phần đa số người dính sự cố nhầm chân ga với phanh là phụ nữ. Nguồn: laodong.vn

Để tránh trở thành "xe điên", cùng theo dõi lại 5 nguyên tắc giúp hạn chế tối thiểu trường hợp nhầm lẫn giữa chân ga, chân phanh do giáo viên dạy lái xe Nguyễn Kim Hoàng chia sẻ:

Thứ nhất, đối với bàn đạp ga, người lái cần tập thói quen điều khiển thật nhẹ nhàng. Có nghĩa, khi tác động lên bàn đạp ga, nên tỳ nhẹ dần xuống và phải tập lắng nghe, cảm nhận được tiếng động cơ lớn dần lên, không nên đạp với lực mạnh.

Thứ hai, gót giày chân phải nên đặt thẳng với bàn đạp phanh, khi cần nhịp ga nên cố định gót chân và chếch xéo mũi giày về bên phải là sẽ gặp bàn đạp ga (không nên dịch chuyển gót chân khi điều khiển ga và phanh).

Thứ ba, luyện tập dựa vào phương pháp "Độc thoại nội tâm".

Mỗi sáng lên xe sau khi đã khởi động động cơ, không nên di chuyển ngay. Nên dành thời gian ngồi trên ghế lái tập chân phải chuyển qua chuyển lại giữa hai bàn đạp ga và phanh, đồng thời nghĩ thầm trong đầu "cái này là ga", "cái này là phanh".

Mỗi sáng lên xe sau khi đã khởi động động cơ, nên dành 5 phút
Mỗi sáng lên xe sau khi đã khởi động động cơ, nên dành 5 phút "độc thoại nội tâm": "cái này là ga", "cái này là phanh". Nguồn: autocafe.vn

Cứ tập liên tục như vậy trong vòng vài phút (thời gian này cũng đủ để động cơ nóng lên và hoạt động ổn định hơn trước khi cho xe lăn bánh). Trong quá trình lái xe cũng vậy, những tình huống cần phải giảm tốc độ, nên đặt mũi giày qua bàn đạp phanh đồng thời nên nghĩ trong đầu "đặt chân qua phanh" và ngược lại khi muốn đặt chân qua bàn đạp ga cũng thực hiện tương tự, nghĩ thầm trong đầu "đặt chân qua ga".

Thứ tư, phương pháp sử dụng chân phải để điều khiển chân ga và chân phanh.

Khi muốn di chuyển mũi giày từ ga qua phanh: thực hiện ngay, càng nhanh càng tốt.

Khi muốn di chuyển mũi giày từ phanh qua ga: không nên nhả chân phanh chuyển qua chân ga ngay mà nên thực hiện theo hai bước. Bước 1: nhấc mũi giày chân phải lên nhưng chân vẫn đặt trên bàn đạp phanh. Bước 2: ngưng lại từ 3 đến 5 giây (thời gian này cũng đủ để bạn quan sát tình huống trước đầu xe) rồi sau đó mới quyết định có đặt mũi giày qua bàn đạp ga để nhịp ga hay không.

Thứ năm, khi vào số tiến (D) hoặc lùi (R) nên nhìn xuống cần số để không vào nhầm số, sau đó kiểm tra lại đèn hiển thị số trên bảng táp-lô một lần nữa rồi mới từ từ nhả chân phanh cho xe lăn bánh.

Ngoài ra, khi tham gia giao thông, các tài xế nam không nên đi giày quá dày, tài xế nữ không nên mang giày cao gót. Bởi, đế giày sẽ khó cảm nhận được độ đàn hồi, mức độ đạp ga, phanh. Nên mang giày đế mỏng, mềm để cảm nhận chân thật, dễ phản ứng hơn.

Đảm bảo ngủ đủ giấc trước mỗi hành trình xa, tạm ngừng lái sau 4 tiếng để cơ thể thư giãn. Đặc biệt, không dùng chất kích thích như rượu, bia, ma túy,… Khi đã say xỉn, tuyệt đối không nên lái xe.

Thanh Minh (t/h)

Bồi thường gần 2 tỷ đồng, nữ tài xế BMW gây tai nạn ở Hàng Xanh vẫn bị đề nghị 36-42 tháng tù

Bồi thường gần 2 tỷ đồng, nữ tài xế BMW gây tai nạn ở Hàng Xanh vẫn bị đề nghị 36-42 tháng tù

Theo đại diện VKS, bị cáo Nguyễn Thị Nga đã thành thẩn khai báo, có con nhỏ và đã bồi thường cho người bị hại, nhưng vẫn bị đề nghị bắt giam.