Giao dịch chứng khoán chiều 14/5: Thị trường phân hóa, cổ phiếu FLC nổi sóng

Sự phân hóa mạnh khiến thị trường giao dịch khá giằng co. Tuy nhiên, vẫn có những con sóng đơn lẻ, đặc biệt là tại FLC, trong khi ở nhóm bluechip, HDB cũng lên mức cao lịch sử kể từ ngày niêm yết.

Mặc dù dòng tiền vẫn chảy mạnh nhưng áp lực bán gia tăng mạnh vào cuối phiên sáng khiến thị trường hụt hơi, chỉ số VN-Index lùi về sát mốc tham chiếu khi chốt phiên.

Bước sang phiên giao dịch chiều, diễn biến phân hóa mạnh khiến thị trường khó có cơ hội bật cao, thậm chí VN-Index thủng mốc 1.260 điểm chỉ sau 30 phút giao dịch do áp lực bán lan rộng trên thị trường.

Tuy nhiên, nhóm bluechip vẫn là trụ đỡ chính cho thị trường, giúp VN-Index có những nhịp hồi phục và trở lại vùng giá cao nhất trong phiên chiều.

Cụ thể, trong nhóm VN30 có tới 22 mã tăng và chỉ có 8 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu. Trong đó, hầu hết các mã giảm như VIC, VRE, SBT, BID, HPG, PNJ chỉ giảm nhẹ trên dưới 0,5%; VNM và GAS giảm hơn 1%; SBT giảm mạnh nhất với mức giảm 2,7% xuống mức 20.200 đồng/CP.

Trái lại, dòng bank vẫn hỗ trợ khá tốt cho thị trường với các mã CTG, TCB, TPB, VIB đều tăng hơn 1%, cặp đôi VPB và LPB tăng hơn 2%, trong đó VPB vẫn duy trì vị trí vua thanh khoản với hơn 44,42 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Cổ phiếu tăng tốt nhất ở nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn HOSE là HDB. Kết phiên, HDB tăng 3% lên mức giá 31.200 đồng/CP, xác lập mức giá cao lịch sử từ ngày nhà băng này chính thức niêm yết trên sàn HOSE.

Tại mức giá này, vốn hóa của HDB đạt hơn 49.700 tỷ đồng, tăng mạnh so với đầu năm. Được biết, mức đỉnh cũ của HDB là 30.290 đồng/cp (sau điều chỉnh cổ tức) được thiết lập ngày 18/4/2018.

Bên cạnh đó, MSN vẫn là mã tăng tốt nhất trong nhóm VN30 khi kết phiên giữ mức giá 108.100 đồng/CP, tăng 5% với khối lượng khớp lệnh hơn 3,6 triệu đơn vị.

Trong khi dòng thép, chứng khoán tiếp tục hạ nhiệt, thì thị trường lại chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu phân bón. Trong phiên giao dịch hôm nay, hàng loạt mã trong nhóm phân bón đã đua nhau tăng mạnh, điển hình là BFC và VAF đều tăng kịch trần, nhiều mã khác cũng có thời điểm tăng trần hoặc sát trần sau đó có chút hạ nhiệt DPM tăng 5,7% lên mức giá 19.400 đồng/CP hay DCM tăng 6% lên 17.650 đồng/CP.

Đồng thời, thanh khoản ở nhóm cổ phiếu này cũng tăng vọt như DPM khớp hơn 2,6 triệu đơn vị, DCM khớp hơn 5,81 triệu đơn vị, BFC khớp hơn 1,56 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cổ phiếu FLC bất ngờ tăng vọt cuối phiên nhờ lực cầu gia tăng mạnh. Như vậy, sau 2 phiên điều chỉnh nhẹ, FLC đã có màn tăng vọt với biên độ 7% và xác lập mức giá trần 12.250 đồng/CP. Đồng thời, thanh khoản của FLC cũng sôi động khi có tới hơn 41,87 triệu đơn vị được khớp lệnh, chỉ đứng sau thanh khoản cổ phiếu VPB, cùng khối lượng dư mua trần tới gần 15,28 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã khác trong họ FLC là ROS, HAI, AMD đều giao dịch khởi sắc.

Đóng cửa, sàn HOSE có 190 mã tăng và 220 mã giảm, VN-Index tăng 4,37 điểm (+0,35%), lên 1.266,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 731 triệu đơn vị, giá trị 22.032,24 tỷ đồng, tăng 2,75% về khối lượng và 1,87% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 51,97 triệu đơn vị, giá trị 1.743,34 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh giúp thị trường duy trì đà tăng, đã kéo chỉ số HNX-Index lên mức cao nhất ngày.

Đóng cửa, sàn HNX có 100 mã tăng và 108 mã giảm, HNX-Index tăng 7,69 điểm (+2,68%), lên 294,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 139,29 triệu đơn vị, giá trị 2.917,46 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 21,93 triệu đơn vị, giá trị 550,42 tỷ đồng, trong đó SHB thỏa thuận hơn 19 triệu đơn vị, giá trị hơn 494 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHB tiếp tục nới rộng biên độ tăng nhờ lực cầu sôi động và đã xác lập phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp. Kết phiên, SHB tăng 10% lên mức giá trần 28.600 đồng/CP cùng thanh khoản lên tới hơn 42 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Bên cạnh đó, người anh em NVB cũng tăng tốt hơn khi kết phiên tại mức giá 17.800 đồng/CP, tăng 6% với khối lượng khớp lệnh đạt 10,25 triệu đơn vị.

Ngoài ra, các mã lớn khác hỗ trợ đà tăng cho thị trường có THD tăng 1,5% lên 193.600 đồng/CP, PAN tăng 1,5% lên 26.400 đồng/CP, PVI tăng 1,5% lên 33.200 đồng/CP…

Cũng thuộc nhóm cổ phiếu FLC, cổ phiếu KLF đã tăng 9,6%, lên mức giá trần 5.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 12 triệu đơn vị. Ngoài ra, ART cũng đảo chiều hồi phục khi tăng 2% lên mức 10.300 đồng/CP.

Trên UPCoM, sau thời gian ngắn đầu phiên giao dịch giằng co, thị trường đã quay đầu về dưới mốc tham chiếu do áp lực bán gia tăng.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,21%), xuống 81 điểm với 165 mã tăng và 178 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 84,22 triệu đơn vị, giá trị 865,83 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,83 triệu đơn vị, giá trị 160,7 tỷ đồng.

Cặp đôi cổ phiếu dầu khí PVX và BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng giao dịch đều đạt hơn 10 triệu đơn vị. Trong đó, PVX kết phiên giảm 12,5% về mức giá sàn 2.100 đồng/CP, còn BSR giảm 2,5% xuống mức 15.500 đồng/CP.

Trong khi đó, ABB tiếp tục nới rộng biên độ tăng 3,9% lên mức 18.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 6,58 triệu đơn vị, đứng thứ 3 về thanh khoản trên thị trường.

Trên thị trường phái sinh, cả bốn hợp đồng tương lai đều đóng cửa tăng, trong đó, VN30F2105 tăng 10,1 điểm, tương đương tăng 0,7% lên 1.374 điểm, khớp lệnh có hơn 248.350 đơn vị, khối lượng mở gần 30.970 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CNVL2003 dẫn đầu thanh khoản với 156.950 đơn vị khớp lệnh và kết phiên tăng 1,3% lên 7.260 đồng/CQ, tiếp theo là CVRE2009 khớp 153.520 đơn vị và kết phiên giảm 20% xuống mức 440 đồng/CQ.

T.THUÝ