Hà Nội mùa hoa tháng Sáu

Hoa Hà Nội mùa hè không cần pha sắc tinh tế yểu điệu, hoa mùa hè phết nguyên gam nóng từ quang phổ cầu vồng sau những cơn mưa.

Hà Nội mùa hè đang vào những ngày nắng chói chang nhất. Nếu ví mùa xuân e ấp ửng hồng như một thiếu nữ dậy thì, thì tháng Sáu mùa hè là thời rực rỡ huy hoàng nhất của nàng.

“Trời nhẹ dần lên cao hồn tôi dường như bóng chim”. Mọi thứ đều trở nên cực đoan phóng túng trong những ngày hạ nồng khát khao rừng rực. Gió nồm reo trên không, lá mới xanh dưới nắng, và trùm lên tất cả là lớp lớp trắng bông trời mây tháng Sáu, bộn bề như chăn gối không gian sau cuộc làm tình.

Để phụ họa cho những phồn thực sinh sôi, hoa trái đua nhau vào vụ. Lúa chiêm chín rục đã thu gặt, phơi nỏ nằm chật trong bồ cũng là lúc các đầm sen đang độ mãn khai, làm nền cho các thiếu phụ tuổi độ thu tàn nhưng lòng vẫn đầy khao khát mùa hè, rờm rợp đến chụp ảnh nuôi “Phây”. “Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ/ Hoa đã vàng hoa mướp của ta ơi!” - tôi muốn mượn câu thơ của một nhà thơ yêu mến vừa từ biệt chúng ta để mỉm cười chia sẻ với các quý cô. Vớt vát tuổi thanh xuân là điều có thể hiểu và thông cảm, dẫu cho “hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu” thì cũng đã từng vàng từng ngọt, từng khoe hương sắc một thời.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Cùng với sự cực đoan của thời tiết là sự cực đoan của các màu hoa. Hoa Hà Nội mùa hè không cần pha sắc tinh tế yểu điệu, hoa mùa hè phết nguyên gam nóng từ quang phổ cầu vồng sau những cơn mưa. Phổ đầu tiên là màu đỏ hoa phượng. Đỏ gì đỏ thế! Rừng rực đỏ, ồ ạt đỏ, xối xả đỏ, đỏ đến mức lũ bò vai u kéo xe hiền lành ngày xưa trên phố cũng lắm con phát khùng mà không tìm đâu ra đấu sĩ. Màu đỏ cảnh báo chia ly từ cánh nhạn lai hồng, từ hoa chuối rừng xa, đến đỏ như máu con tim của loài hoa phượng. Chao ôi nước mắt ngây thơ của lũ học trò!

Cam đứng thứ hai trong phổ màu, là hoa vàng anh. Vàng anh là loài cây thân mộc người Pháp đưa từ rừng núi về Hà Nội. Ta có thể thấy loài cây vàng anh tại cái vườn hoa xu thời hay đổi tên: Paul Bert, Chí Linh, Indira Gandhi và bây giờ là vườn hoa Lý Thái Tổ. Trong mấy biệt thự phố Hoàng Diệu, vườn Bách Thảo, Thủ Lệ…cũng có nhiều loài cây này. Hoa vàng anh nở bừng bừng màu cam từ giữa tháng Năm. Chùm hoa đơm dày với các tua nhị vươn dài giữa vòm lá bản to xanh thẫm. Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê thì cây vàng anh cũng chẳng còn chim vàng anh nữa, bởi loài chim hoàng hậu hót hay chuyên tố cáo con Cám ngày càng vắng bóng do sự tàn phá môi trường.

Cùng với muồng đen hoa vàng mà nhiều người vẫn gọi là điệp vàng, là một loài hoa mới du nhập đứng lĩnh xướng cho phổ vàng mùa hạ: Hoa muồng hoàng yến. Hoa này có lắm nghệ danh đẹp như các thiếu nữ chân quê, nay sống khỏe trên các vỉa hè phố thị: Hoàng yến, Hoàng hậu, thậm chí cả tên tây là Osaka, nhưng đã có người nhận ra, gọi đích danh tên cúng cơm nàng là Bò cạp nước. Hoàng yến ra hoa từ đầu tháng Năm nhưng tháng Sáu là độ rực rỡ nhất. Tấm châu liêm vàng ngọc, đại diện cho quốc hoa hoàng gia Thái Lan, đu đưa thả xuống từng chùm trên con đường chạy ven hồ Tây, hồ Trúc Bạch. Là một loài hoa nở bền, hoàng yến không chỉ vàng hẻo quanh mấy độ đường trần, hoàng yến vàng lan sang cả mùa thu.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Lục, lam, chàm chớ kể, thì quang phổ cuối cầu vồng mùa hạ là màu tím bằng lăng. Tay thợ nhuộm thời gian chưa kịp nhuộm xong tóc ánh kim cho gã cựu binh đầu trọc thì bằng lăng đã nhuộm tím phố Thợ Nhuộm. Hàng bằng lăng phố này có lẽ là hàng đầu tiên được trồng, trước khi được nhân đại trà ra toàn thành phố. Ngồi thong thả quán nhậu Tự Do nhâm nhi chai bia lạnh ngắm vầng hoa tím, lại nhớ câu cải lương tình yêu bạn lính viễn chinh hát trên xứ người ngày cũ: “Qua ngõ nhà anh em kéo nghiêng vành nón, giả bộ vô tình làm rớt cánh bằng lăng…”.

Cầu vồng rồi cũng sẽ tan, mùa hè rồi cũng sẽ đi qua. Nhưng như một ông nhà văn đã viết mà người kể chuyện này còn nhớ đại ý, rằng: “Mỗi một suy nghĩ sâu sắc hay bông lơn nhẹ nhàng, một cánh bằng lăng bay trong gió tháng Sáu hay một ánh lửa sao đọng trong vũng nước đêm đều là các bụi vàng. Hãy gom lại từng hạt bụi đó để tạo tác lại một mùa hoa lộng lẫy, mang lại tình yêu và hạnh phúc cho thế giới”.

Một cánh bằng lăng vừa rớt trên phố xuống thật, nhưng chẳng có cô gái nào đi qua cả.

Có lẽ cô ấy đã qua đây từ lâu lắm rồi.

Trung Sỹ

Cái đẹp cứu rỗi được thế giới không?

Cái đẹp cứu rỗi được thế giới không?

Cảm xúc đối với những người phụ nữ có vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ, giống như những hạt mưa xuân, nhẹ như không mà vô cùng sâu lắng.