Trong thời điểm hiện tại việc thanh khoản và dòng tiền để duy trì hoạt động trong ngành du lịch chính là vấn đề đáng lo ngại đối với các chủ doanh nghiệp. Có rất nhiều khách sạn, dự án lớn khắp các điểm đến du lịch nổi tiếng trên cả nước đồng loạt được rao bán.
Có thể nói, dịch Covid-19 khiến hoạt động của ngành du lịch gần như đóng băng lần 1. Cho đến đợt dịch thứ 2 lần nữa khiến các doanh nghiệp nếu không có nguồn lực tài chính đủ mạnh bị "ngã gục".
Theo số liệu của Sở Du lịch TP HCM các đơn đặt phòng trong tháng 7 và tháng 8 tại khách sạn phần lớn bị hủy; các hợp đồng hội nghị, tiệc cưới, nhà hàng quy mô 30 khách trở lên cũng bị hủy… Công suất phòng hiện giảm tới 91,5% so với cùng kỳ, số lượng lao động giảm 61% so với cùng kỳ. Hàng loạt khách sạn trên các đường như Lê Thánh Tôn, Thái Văn Lung, Trương Định, Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng, Phạm Ngũ Lão, Thủ Khoa Huân, Thi Sách… được rao bán.
Có cả một số ngân hàng thương mại phát mãi tài sản thế chấp là trung tâm tiệc cưới, khách sạn để thu hồi nợ.
Tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, rất nhiều khách sạn, từ mini đến 3-4 sao, cũng đang được rao bán vì kinh doanh ế ẩm suốt. Dịch Covid-19 khiến nhiều khách sạn mới xây nhưng chủ đầu tư không đủ kinh phí trả tiền ngân hàng nên phải bán.
Lãnh đạo nhiều công ty du lịch nhận định việc rao bán khách sạn là thực trạng chung ở nhiều nơi trong bối cảnh dịch Covid-19 đã, đang và còn gây ảnh hưởng đến ngành du lịch trong nhiều tháng. Có vô số áp lực khiến các chủ doanh nghiệp phải bán khách sạn như không có khách nhưng lương nhân viên và chi phí bảo trì, duy tu vẫn phải trả; tiền vay NH vẫn phải trả hằng tháng; đóng cửa thì trang thiết bị hư hỏng, khách sạn xuống cấp…
Ông Huỳnh Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Ngôi Sao Biển Sài Gòn, nhận định xu hướng rao bán khách sạn sẽ còn tăng mạnh cho đến khi dịch được kiểm soát, thậm chí là đến khi có vắc-xin. Đối với ngành du lịch, phân khúc khách sạn, việc vay NH để bổ sung vốn lưu động không hề dễ dàng vì nhiều doanh nghiệp hiện không có nguồn thu. Rao bán là tất yếu nhưng đổi lại, ai có tiềm lực tài chính mạnh mua vào lúc này sẽ có cơ hội trong tương la.
Khách sạn của CBRE Việt Nam vừa công bố cũng cho thấy dịch Covid-19 khiến thị trường du lịch và khách sạn gần như rơi vào trạng thái ngủ đông. Theo CBRE Việt Nam, nhu cầu du lịch trong nước sẽ giảm mạnh và khách nội địa cũng dè dặt hơn do những lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch. Còn tự phục hồi ở phân khúc khách quốc tế sẽ mất nhiều thời gian hơn do trì hoãn các chuyến bay quốc tế. Hoạt động của các khách sạn trong quý III/2020 sẽ không có nhiều biến chuyển so với quý trước.
Ông Nguyễn Trọng Thức, Phó Giám đốc CBRE Hotels Việt Nam, dự báo thị trường khách sạn giai đoạn 2020-2021 sẽ luôn ở trong tư thế phòng thủ cho đến khi có vắc-xin phòng ngừa Covid-19 hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn.
Dù nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư trong và ngoài nước đang săn đón những tài sản đang bị áp lực nợ nhưng thị trường khách sạn hiện vẫn chưa ghi nhận nhiều tài sản như thế này ở phân khúc 4 - 5 sao mà chủ yếu tập trung ở những phân khúc thấp hơn.
Nhiều nhà đầu tư từ Hà Nội, TP HCM vào TP Nha Trang xem, tư vấn để săn khách sạn giá rẻ vì họ cho đây là cơ hội để mua được giá rẻ. Ở Nha Trang, hiện giá BĐS, khách sạn giảm từ 5%-10% nhưng để săn giá rẻ hơn nữa thì rất khó. Bởi nhiều chủ khách sạn, BĐS nghỉ dưỡng đều kêu khó khăn nhưng chưa chấp nhận bán rẻ.
Giá phòng khách sạn Rex còn 1,5 triệu đồng, Landmark 81 giảm giá 50% dịp Quốc khánh 2/9
Nhân dịp lễ Quốc khánh 2/9, du lịch TP.HCM tung nhiều gói giảm giá hấp dẫn từ tour tham quan đến các khách sạn 5 sao giữa lòng quận 1.