Guardian đưa tin ngày 28/9, lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói họ cảm thấy “đau lòng” sau khi một cuộc điều tra độc lập do tổ chức này ủy quyền cho biết nhiều phụ nữ và trẻ em gái đã bị xâm hại tình dục bởi nhân viên cứu trợ trong đợt bùng phát dịch Ebola vào các năm 2018-2020 ở CHDC Congo.
Vụ việc xảy ra trong đợt bùng phát dịch Ebola ở tỉnh Bắc Kivu và Ituri - khu vực bất ổn chính trị và xung đột vũ trang khiến 2.280 người đã thiệt mạng chỉ trong hai năm.
Nhóm điều tra đã lấy được danh tính của 83 người bị cáo buộc, trong đó có công dân Congo và người nước ngoài. Ủy ban điều tra đã phỏng vấn khoảng 80 phụ nữ và trẻ em gái từ 13 đến 43 tuổi. Theo báo cáo, 29 trường hợp đã mang thai. Một số thủ phạm còn là nhân viên có nhiệm vụ ngăn chặn việc bóc lột và lạm dụng tình dục. Hầu hết nạn nhân đều thuộc nhóm “dễ bị tổn thương”, thường là phụ nữ trẻ có hoàn cảnh kinh tế bấp bênh.
Lãnh đạo WHO đã nhận thông báo khiếu nại từ năm 2019 nhưng họ không ngăn chặn hành vi quấy rối, thậm chí còn thăng chức cho một trong những người quản lý có liên quan.
Một số nguồn tin từ cuộc họp kín có sự tham gia của WHO cho biết 4 người hiện đã bị sa thải, 2 người bị cho đình chỉ hành chính.
Những nhân viên bị cáo buộc đã yêu cầu nạn nhân quan hệ tình dục để đổi lấy hợp đồng lao động, đe dọa sinh kế nếu nạn nhân từ chối.
Thành viên trong hội đồng điều tra, Malick Coulibaly, cho biết có tổng cộng 9 cáo buộc hiếp dâm, thủ phạm không sử dụng biện pháp tránh thai. Khi một số người mang thai, những người đàn ông này đã buộc họ phá thai. Một số khác bị bạo hành.
Nạn nhân hy vọng những người liên quan sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Những người khác thì cho biết việc kỷ luật này sẽ là một chặng đường dài hướng tới việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ.
Julie Londo - thành viên của Liên minh Phụ nữ Truyền thông Congo, một tổ chức hoạt động chống nạn cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục ở Congo - hoan nghênh hành động của WHO. Tuy nhiên, bà cho rằng cần phải xử lý nhiều hơn nữa.
Trước đó, một báo cáo năm 2019 cho thấy lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Haiti bị cáo buộc là cha của hàng trăm trẻ em, sau đó bỏ rơi họ. Cụ thể, khi khảo sát 2.500 người Haiti tại khu vực có sự xuất hiện của Phái bộ Ổn định Liên Hợp Quốc tại Haiti đa có khoảng 265 người đã kể câu chuyện về những đứa trẻ có cha là nhân viên Liên Hợp Quốc, sau đó bỏ rơi.
Một số người kể lại rằng có trường hợp bị cưỡng hiếp hoặc bạo lực tình dục, hoặc quan hệ tình dục để đổi lấy tiền và thức ăn. Báo cáo liên quan đến nhân sự của Liên Hợp Quốc từ 13 quốc gia, phần lớn từ Brazil và Uruguay.
Không chỉ vậy, vào năm 2016, phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đến Cộng hòa Trung Phi vào năm 2014 cũng dính phải bê bối gây rúng động tương tự, khi lạm dụng 42 thường dân, hầu hết là trẻ em gái vị thành niên.
Sau loạt bê bối, Liên Hợp Quốc đã tiến hành các cuộc điều tra nội bộ và cải tiến chương trình đào tạo. Tiến sĩ Tedros cho biết ứng phó với dịch Ebola năm 2018-2020 “là một hoạt động lớn và phức tạp, đòi hỏi tuyển dụng quy mô lớn nhân sự trong nước và quốc tế", đồng thời hứa sẽ "cải cách toàn diện chính sách và quy trình để giải quyết vấn đề bóc lột và lạm dụng tình dục".
Hà Nội từ chối mở cửa sân bay Nội Bài, Bộ GTVT nói gì?
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết việc TP.Hà Nội không đồng ý mở cửa sân bay Nội Bài, đã "dập tắt" hy vọng của các hãng hàng không.