Hành trình trở thành nhân viên chăm sóc y tế tại Đức của nữ điều dưỡng người Việt

Ngày càng có nhiều người Việt Nam đến Đức để đào tạo về ngành y. Vì nguồn cung nhân viên chăm sóc y tế ở quốc gia này đang thiếu hụt.

Cơ hội thực tập tại Đức

Khi đặt chân đến Đức vào năm 2019, Kiều Oanh ấn tượng với cách chào đón nồng nhiệt, không khí trong lành và phương tiện giao thông thuận lợi ở quốc gia này. Tuy nhiên, khởi đầu của cô tại Trung tâm Y tế Đại học Rostock trở nên khó khăn hơn cô nghĩ. Vì có những hiểu lầm về ngôn ngữ.

"Một đồng nghiệp người Đức nói 'Lấy các tập tin' nhưng tôi đã nhầm", Kiều Oanh, nhân viên chăm sóc y tế 25 tuổi đến từ Việt Nam, kể.

Nhưng cô không bỏ cuộc, Oanh tiếp tục học tiếng Đức và mọi thứ nhanh chóng trở nên tốt hơn nhiều. Bản thân công việc không có vấn đề gì vì Oanh đã từng học điều dưỡng ở Hà Nội. Tuy nhiên, vì chương trình học ở quê nhà có chút khác biệt, cô phải hoàn thành chương trình đào tạo 3 năm để đủ điều kiện làm chuyên gia chăm sóc điều dưỡng tại Đức.

Không chỉ mình Oanh, nhiều người Việt khi đến Đức làm trong ngành y đều phải trải qua quá trình đào tạo phù hợp. Huyền Nguyễn, đang học năm 3 chương trình đào tạo tại Trung tâm Y tế Đại học Rostock, cũng có trải nghiệm tương tự.

du-hoc-duc.jpg
Huyền Nguyễn, thực tập sinh người Việt tại Đức.

 “Tôi chỉ có thể giao tiếp bằng tiếng Đức, nhưng đã phải biết các thuật ngữ kỹ thuật bằng tiếng Latinh. Điều này quả thực khó khăn”, cô gái 25 tuổi nói.

Tại Đức, các bệnh viện, viện dưỡng lão và các dịch vụ chăm sóc ngoại trú đang gặp phải tình trạng thiếu nhân viên. Bởi vì ngày càng có nhiều người cần được chăm sóc, nhu cầu về nhân viên do đó ngày càng tăng. 

Viện Kinh tế Đức (IW) ở Cologne đã tính toán rằng, có thể thiếu khoảng nửa triệu y tá và nhân viên chăm sóc ở Đức vào năm 2035. Do đó, Bộ Liên bang đang làm việc với Gesellschaft für internationale Zusammenarbeit (GIZ) để thu hút nhân viên chăm sóc y tế từ các nước khác, như Việt Nam, để giảm bớt sự thiếu hụt này.

Những cá nhân quan tâm đến việc làm tại Đức có thể ghé trang web Make it in Germany. Nơi này cung cấp các lời khuyên từ những người đi trước cho những ai có mong muốn đến Đức học y. Từ năm 2013, hơn 430 thực tập sinh Việt Nam đã bắt đầu chương trình học tại các bệnh viện hoặc viện dưỡng lão tại Đức. Điều kiện tiên quyết để được nhận là bạn phải đạt trình độ tiếng Đức ít nhất là tiêu chuẩn B2. 

Theo GIZ, khoảng 200 người Việt Nam hiện đang chuẩn bị lên đường rời Việt Nam, để bắt đầu các khóa học tại Viện Goethe. Khi đến Đức, họ sẽ nhận được mức lương tương đương với các đồng nghiệp người Đức và được hỗ trợ bởi các cố vấn.

Ổn định cuộc sống

Tại Trung tâm Y tế Đại học Rostock, Caren Erdmann chịu trách nhiệm hỗ trợ những người mới đến, để họ nhanh chóng thích nghi với thành phố trên bờ biển Baltic. Cô sắp xếp các phòng, trang bị đầy đủ tiện nghi cho các học viên trong khu nội trú và giúp họ mở tài khoản ngân hàng, cũng như tìm hiểu về các mối quan tâm hàng ngày khác. 

Ba nhóm thực tập sinh từ Việt Nam hiện đang được đào tạo, với tổng số 72 nhân viên chăm sóc y tế trong tương lai. Và chỉ có một người đã bỏ học cho đến nay. 

Erdmann rất hài lòng với các học viên của mình. Theo kinh nghiệm của cô: “Họ đáng tin cậy, làm việc chăm chỉ và luôn quan tâm đến nhu cầu của bệnh nhân”. Tuy nhiên, cô nói thêm: “Rào cản ngôn ngữ là thách thức lớn nhất”.

cham-soc-y-te.jpg
Nguồn cung nhân viên chăm sóc y tế tại Đức đang thiếu hụt.

Sigrid Hoborn cũng có cùng quan điểm này. Cô là quản lý của Lübzer Tagespflege, một trung tâm chăm sóc ban ngày dành cho 20 người già ở Lübz, một đô thị nhỏ ở Mecklenburg-Western Pomerania. Hai thực tập sinh trẻ tuổi từ Việt Nam đã bắt đầu làm việc tại đây vào mùa thu năm ngoái.

Ngoài ra, những khác biệt về văn hóa cũng là một trăn trở với các thực tập sinh. Cụ thể, nhân viên chăm sóc ở Đức không thực hiện nhiều nhiệm vụ y tế, mà chủ yếu tham gia vào việc chăm sóc người dân. 

Ban đầu, Kiều Oanh cũng cảm thấy khó hiểu khi phải tắm rửa cho bệnh nhân. Ở Việt Nam, việc này được thực hiện bởi các thành viên trong gia đình. Nhưng ở Đức, việc nhân viên chăm sóc cho người bệnh ăn và chăm sóc cơ thể cho họ là chuyện bình thường.

Hầu hết tất cả các thực tập sinh đều muốn ở lại

Trải qua những khó khăn ban đầu, Huyền Nguyễn và Kiều Oanh đã ổn định cuộc sống và cả hai đều muốn ở lại. Huyền Nguyễn sẽ kết thúc khóa học vào mùa hè năm nay. Cô đang sống với bạn trai người Đức và thích đồ ăn Đức. 

Kiều Oanh cũng chắc chắn ở lại và mong muốn lập gia đình tại Đức. Cô cũng có những dự định lớn: sau khi tốt nghiệp, cô muốn học chuyên sâu hơn để trở thành giảng viên thực hành và truyền lại kiến ​​thức của mình cho nhân viên mới. 

Tuy nhiên, cả hai đều muốn tiếp tục đào tạo ở Hamburg, nơi họ có người thân của mình. Về lâu dài, đô thị nhỏ không thực sự là nơi thích hợp cho người trẻ, vì họ đến từ siêu đô thị với hàng triệu dân ở Việt Nam.

NHẬT SANG