Cuộc đàm phán quốc tế nhằm xây dựng một Hiệp ước chống ô nhiễm nhựa toàn cầu do Liên Hợp Quốc khởi xướng đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Sự thất bại này được cho là bắt nguồn từ sự cản trở của các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn và áp lực từ các tập đoàn nhiên liệu hóa thạch.
Sự thất bại của hội nghị tại Busan đánh dấu một bước lùi trong nỗ lực chống ô nhiễm nhựa toàn cầu, đồng thời phản ánh những khó khăn trong việc cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan. Từ các quốc gia sản xuất dầu mỏ, ngành công nghiệp hóa thạch, đến những nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ ô nhiễm nhựa, tất cả đều phải đối mặt với bài toán thỏa hiệp và hợp tác trong các vòng đàm phán sắp tới.
Các tập đoàn tiêu dùng toàn cầu lớn như Walmart, Unilever và Nestlé nằm trong số hơn 200 công ty ủng hộ các nỗ lực chấm dứt việc sử dụng nhựa dùng một lần và hóa chất độc hại, thay vì bỏ chi phí xử lý. Financial Times cho rằng, nếu đạt được đồng thuận, hiệp ước này sẽ là một trong những thỏa thuận quan trọng nhất về môi trường kể từ Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015.
Hội nghị toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa, do Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC5) của Liên Hợp Quốc tổ chức, diễn ra vào đầu tháng 12 tại Busan, Hàn Quốc, với sự tham gia của gần 200 quốc gia. Mục tiêu chính của hội nghị là xây dựng một “Hiệp ước nhựa toàn cầu” để đối phó với cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa ngày càng nghiêm trọng.
Các nội dung thảo luận xoay quanh việc cắt giảm sản xuất nhựa thông qua các ràng buộc pháp lý; quản lý hóa chất độc hại trong sản phẩm nhựa nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường; cải thiện thiết kế sản phẩm để giảm thiểu rác thải và tăng cường khả năng tái chế; mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc quản lý toàn bộ vòng đời sản phẩm; và nâng cao hiệu quả tái chế nhựa nhằm giảm lượng rác thải đổ ra môi trường.
Tuy nhiên, các nỗ lực này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ một số quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn, đặc biệt là Saudi Arabia. Các quốc gia này cho rằng việc hạn chế sản xuất nhựa không phải là giải pháp triệt để để xử lý vấn đề ô nhiễm mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp liên quan, đặc biệt là ngành công nghiệp dầu mỏ – lĩnh vực kinh tế chủ chốt của họ.
Bên cạnh đó, vai trò của các tập đoàn nhiên liệu hóa thạch tại hội nghị cũng gây ra nhiều tranh cãi. Theo báo cáo của tổ chức Greenpeace UK, có ít nhất 220 nhà vận động hành lang đại diện cho ngành công nghiệp này tham gia hội nghị. Con số này vượt xa số lượng đại biểu của Liên minh châu Âu (EU) và gấp đôi số đại diện đến từ các quốc đảo Thái Bình Dương – những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ ô nhiễm nhựa và biến đổi khí hậu. Sự hiện diện áp đảo của các nhóm vận động hành lang từ ngành công nghiệp hóa thạch đã làm suy yếu khả năng đạt được thỏa thuận mang tính đột phá, bất chấp mong muốn hành động mạnh mẽ của phần lớn các quốc gia tham dự.
Inger Andersen, Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, cho biết các cuộc đàm phán sẽ được tiếp tục vào năm 2025 tại một địa điểm vẫn chưa xác định. Bà nhấn mạnh rằng việc đạt được một thỏa thuận toàn cầu về nhựa là rất quan trọng không chỉ để bảo vệ môi trường mà còn để đảm bảo tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau.
Nguồn: iflscience, independent
Người phụ nữ biến hoa quả hỏng thành men vi sinh làm sạch môi trường
Chị Liên khởi nghiệp với khát khao được cống hiến cho xã hội giá trị lâu dài